Cơ sở hạ tầng đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và xã hội. Trong những thập kỷ gần đây, tại một số quốc gia, đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa khu vực công và tư, kết hợp nguồn lực và chuyên môn để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn.
Theo Liên hợp quốc, cả đầu tư công và tư đều đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng. Do đó, ông Bruno Dantas cho rằng, các quốc gia cần củng cố, tăng cường năng lực để thiết lập và quản lý PPP hiệu quả, đảm bảo phân bổ lợi ích công bằng và chủ động quản lý rủi ro, tăng cường trách nhiệm giải trình, đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn xã hội và môi trường.
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trong đó có Brazil cho thấy, PPP có thể liên quan đến các rủi ro tài chính đáng kể. Năm 2018, Quỹ Tiền tệ quốc tế từng cảnh báo rằng, các dự án nếu thất bại hoặc bị đình trệ có thể dẫn đến nhiều hậu quả, gây ảnh hưởng trực tiếp tới ngân sách.
Do đó, sự kiểm soát của các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tư nhân hóa, mang lại lợi ích cho xã hội và sự phát triển của các quốc gia. Thông qua các đánh giá dựa trên bằng chứng và phân tích độc lập, các SAI không chỉ góp phần giúp các dự án được thực hiện hiệu quả mà còn giúp củng cố cơ sở pháp lý.
Vừa qua, Nhóm Công tác về kiểm toán chính sách và quy định phát triển cơ sở hạ tầng của Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao Mỹ Latin và Caribe (OLACEFS), do SAI Brazil là Chủ tịch, đã tổ chức đào tạo về kiểm toán PPP trong phát triển cơ sở hạ tầng. Nhóm Công tác đã tiến hành một số cuộc kiểm toán hợp tác vào nửa cuối năm 2024 để đánh giá các điều kiện của các chính phủ, quốc gia liên quan đến PPP và phát triển cơ sở hạ tầng.
Năm 2024, Tòa Thẩm kế Liên bang Brazil cũng công bố Tài liệu tham khảo về kiểm soát bên ngoài đối với PPP. Đây là một công cụ quan trọng giúp SAI tại Brazil và trên thế giới tăng cường công tác giám sát. Tài liệu này cung cấp hướng dẫn đánh giá các dự án dựa trên 5 khía cạnh: chiến lược, kinh tế, tài chính, thương mại và quản lý.
Tài liệu bao gồm các quy trình, thủ tục và dẫn chứng từ kinh nghiệm của Brazil, có thể giúp cải thiện hiệu quả hoạt động, cải thiện các chính sách cơ sở hạ tầng công. Ngoài ra, OLACEFS cũng xuất bản các hướng dẫn hợp nhất để tiến hành kiểm toán PPP, tuân thủ các phương pháp và thông lệ quốc tế tốt nhất.
Ông Bruno Dantas cho biết, Chương trình nghị sự năm 2023 của Liên hợp quốc bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng phục hồi, thúc đẩy công nghiệp hóa bền vững và khuyến khích đổi mới 17 Mục tiêu phát triển bền vững. Chương trình cũng hướng đến việc ra mục tiêu thiết lập quan hệ đối tác công - tư hiệu quả, tận dụng kinh nghiệm trong các chiến lược huy động nguồn lực để tích hợp các nỗ lực phát triển bền vững, toàn diện.
Việc thiết lập các thủ tục kiểm toán cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn trong PPP, dựa trên các thông lệ quốc tế tốt nhất cũng như kinh nghiệm của nhiều SAI góp phần tạo ra một môi trường pháp lý ngày càng tốt hơn. Điều này rất cần thiết để đảm bảo tính chắc chắn về mặt pháp lý và thu hút đầu tư tư nhân, từ đó cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ công. Những nỗ lực này phù hợp với các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững./.
(Theo INTOSAI)