Khai thác khả năng của trí tuệ nhân tạo song cần cảnh giác với rủi ro tiềm ẩn

(BKTO) - Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với ngành nghề kế toán, kiểm toán, giúp lĩnh vực này phát triển nhanh chóng và đạt được những kết quả to lớn nhưng cũng mang lại nhiều rủi ro, Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC) đã đưa ra những khuyến nghị đối với kiểm toán viên trong việc ứng dụng AI.

untitled.png
Công nghệ ngày càng hỗ trợ đắc lực cho con người. Ảnh: ST

Khả năng vượt trội của AI

AI đã và đang tạo ra nhiều thay đổi đột phá khi mang lại hiệu quả và độ chính xác cao trong hoạt động kiểm toán. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng, kế toán viên, kiểm toán viên phải vượt qua những thách thức về đạo đức và thích nghi với các vai trò mới, kết hợp giữa chuyên môn của con người và khả năng của AI để tạo ra những thành tựu chưa từng có trong tương lai. Một trong những khả năng nổi trội của AI là tự động hóa các tác vụ thường xuyên như nhập dữ liệu, đối chiếu, lập báo cáo tài chính…

Tự động hóa quy trình bằng rô-bốt là công nghệ mô phỏng hành vi của con người khi thực hiện các tác vụ, dùng để tự động hóa những công việc lặp đi lặp lại, có quy trình rõ ràng, không đòi hỏi nhiều chất xám của con người như xử lý dữ liệu, tìm kiếm thông tin… Khi kết hợp AI với Tự động hóa quy trình bằng rô-bốt, kết quả mang lại có thể vượt trội trên mọi phương diện, đặc biệt giúp giảm sai sót của con người, đảm bảo báo cáo tài chính chính xác, giúp hợp lý hóa quy trình kiểm toán, cải thiện hiệu quả và nâng cao đánh giá rủi ro.

Khi AI có thể xử lý thành thạo các tác vụ thường xuyên, kế toán viên, kiểm toán viên có thể dành thời gian tập trung vào các công việc khác như phân tích chiến lược, đánh giá rủi ro và tư vấn cho khách hàng. AI cũng hỗ trợ việc theo dõi thời gian thực các giao dịch tài chính, phát hiện gian lận và tuân thủ, do đó, kiểm toán viên có thể ứng dụng AI để nâng cao khả năng ra quyết định.

IFAC cho rằng, AI dường như đã vượt qua nhiều rào cản con người chưa thể vượt qua được, giúp con người nhận được ngày càng nhiều lợi ích. Nhiều nhiệm vụ phức tạp trước đây hiện có thể được AI hoàn thành “nhanh hơn, tốt hơn với chi phí thấp hơn”. AI ra đời mang đến nhiều khả năng vượt xa con người, tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn, cũng có những rủi ro nghiêm trọng; đặc biệt liên quan đến nghề nghiệp kế toán, kiểm toán từ góc độ đạo đức.

Cẩn trọng trong ứng dụng AI

IFAC khuyến nghị, kiểm toán viên không nên phụ thuộc hoàn toàn vào AI, làm xói mòn sự hoài nghi chuyên nghiệp của nghề nghiệp kiểm toán. Kiểm toán viên cần đảm bảo sự minh bạch và công bằng trong ứng dụng các hệ thống AI. Khi xử lý dữ liệu tài chính nhạy cảm, việc đảm bảo quyền riêng tư, tính bảo mật là rất quan trọng. Kiểm toán viên phải bảo vệ thông tin khách hàng khi sử dụng công cụ AI vì trong nhiều trường hợp, việc sử dụng AI có thể ảnh hưởng đến tính độc lập của kiểm toán viên.

Một điều quan trọng là nhiều vấn đề đạo đức có thể phát sinh trong bối cảnh công nghệ mới nổi được ứng dụng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, trí tuệ máy móc và các công nghệ mới nổi là vô tri, không chịu hình phạt, trách nhiệm hoặc không thể giải trình về các vấn đề phát sinh. Các quy tắc đạo đức nghề nghiệp hiện tại vẫn còn hạn chế khi chỉ xem xét vai trò của con người và không tính đến sự tương tác giữa người và máy; các hệ thống tự động cũng chưa có chuẩn mực, hướng dẫn phù hợp.

Năm 2023, Tập đoàn Goldman Sachs - một ngân hàng đầu tư đa quốc gia ở Hoa Kỳ đã dự đoán rằng, sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của AI có thể lấy đi khoảng 300 triệu việc làm của con người.

Bộ quy tắc đạo đức quốc tế do Hội đồng Chuẩn mực đạo đức quốc tế dành cho kiểm toán viên ban hành bao gồm các nguyên tắc cơ bản như tính chính trực, tính khách quan, năng lực chuyên môn và sự cẩn trọng, tính bảo mật và hành vi chuyên nghiệp. Tuy nhiên, tất cả các nguyên tắc này đều dựa trên đặc điểm của con người, khó có thể áp dụng cho máy tính và trí tuệ máy móc.

IFAC cảnh báo, các công nghệ mới nổi phát triển với tốc độ rất nhanh, các vấn đề đạo đức phát sinh từ sự tương tác giữa người và máy cần được xem xét kỹ lưỡng, đặc biệt là các vấn đề đạo đức liên quan đến những diễn giải phức tạp về các nghĩa vụ mà con người phải thực hiện.

Trong kiểm toán, lòng tin là nền tảng vững chắc cho sự tương tác giữa khách hàng và kiểm toán viên. Do đó, IFAC khuyến nghị thêm, cần tăng cường xây dựng, củng cố lòng tin. Đây có thể là yếu tố cần thiết để phát triển một bộ quy tắc đạo đức được cải tiến, áp dụng cho một thế giới mà con người được công nghệ hỗ trợ đắc lực, không tách rời nhau./.

(Theo IFAC và tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Khai thác khả năng của trí tuệ nhân tạo song cần cảnh giác với rủi ro tiềm ẩn