Bảo vệ môi trường là yêu cầu tất yếu
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam Hà Thị Mỹ Dung nhấn mạnh, hiện nay, các quốc gia Đông Nam Á đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của công nghiệp hóa - hiện đại hóa phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng kéo theo đó là những thách thức lớn về môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và chất lượng cuộc sống nếu không được kiểm soát hiệu quả. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, yêu cầu bảo vệ môi trường được đặt ra ngày càng cao nhằm thực hiện các SDG. Theo đó, các nước không chỉ tập trung phát triển kinh tế mà còn phải thực hiện bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Nhận thức được điều này, KTNN Việt Nam đã thực hiện các cuộc kiểm toán môi trường tại các địa phương, ghi nhận nhiều kết quả nổi bật và đưa ra những đánh giá, kiến nghị quan trọng.
Chia sẻ từ thực tiễn địa phương, ông Trần Báu Hà - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hà Tĩnh cho biết, sau cuộc kiểm toán hoạt động công tác quản lý, bảo vệ môi trường đối với các cụm công nghiệp (CCN) và làng nghề của Hà Tĩnh giai đoạn 2020-2022, KTNN đã chỉ ra một số CCN, làng nghề chưa đảm bảo yêu cầu hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường dẫn đến vướng mắc không thu hút được các dự án đầu tư. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa ưu tiên đầu tư công trình bảo vệ môi trường hoặc có đầu tư nhưng vận hành không hiệu quả. Đặc biệt, hầu hết các làng nghề nằm xen lẫn khu dân cư, hạ tầng thu gom xử lý nước thải, khí thải chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, hoạt động sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường… Từ kết luận, kiến nghị của KTNN, Hà Tĩnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai khắc phục, chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các CCN, làng nghề trên địa bàn.
Ủy ban Chia sẻ kiến thức của ASEANSAI sẽ thúc đẩy các SAI thực hiện những cuộc đối thoại mở và trao đổi tri thức. Thông qua những nỗ lực cộng tác, chúng ta hướng tới việc trao quyền cho mỗi quốc gia thành viên, được cung cấp những công cụ, thông tin cần thiết để thực hiện nhiệm vụ và có những đóng góp ý nghĩa hơn cho việc đạt được các SDG.
Tổng Kiểm toán nhà nước Malaysia Datuk Wan Suraya Wan Mohd Radzi
Còn tại Nam Định, sau cuộc kiểm toán công tác quản lý, bảo vệ môi trường đối với các CCN và làng nghề giai đoạn 2020-2022 do KTNN thực hiện năm 2023, UBND tỉnh đã rà soát, ban hành quyết định công nhận nghề truyền thống, làng nghề truyền thống theo quy định; chỉ đạo các xã có làng nghề lập phương án bảo vệ môi trường; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, tập huấn, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề… Bà Hà Lan Anh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ, qua kiểm toán, UBND tỉnh nhận thấy công tác bảo vệ môi trường tại các CCN, làng nghề rất quan trọng, cần phải thực hiện đồng bộ tại các cấp của tỉnh.
Chia sẻ từ phía đơn vị thực hiện các cuộc kiểm toán môi trường, bà Nguyễn Thị Kiều Thu - KTNN chuyên ngành III cho rằng, qua kiểm toán có thể nhận diện các “khe hở” pháp luật, đưa ra những kiến nghị xác đáng về việc sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm quản lý chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường. Đúc rút kinh nghiệm thực tiễn, bà Nguyễn Thị Kiều Thu nhấn mạnh, để thực hiện tốt các cuộc kiểm toán môi trường, cần mở rộng nội dung, phạm vi kiểm toán; tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại; chú trọng nâng cao năng lực kiểm toán viên thông qua đào tạo chuyên sâu, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi từ các chuyên gia trong và ngoài nước. Đặc biệt, cần tăng cường hợp tác với các tổ chức kiểm toán khu vực và quốc tế, nhất là chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ mới về kiểm toán môi trường.
ASEANSAI luôn là cầu nối liên kết các SAI trong khu vực với các tổ chức quốc tế, tạo cơ hội tiếp cận nguồn lực, chuẩn mực quốc tế, môi trường trao đổi, hợp tác chuyên môn và nâng cao năng lực cho các SAI thành viên. Thông qua đào tạo, chia sẻ kiến thức, ASEANSAI đang nỗ lực nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý, các kiểm toán viên nhằm thúc đẩy sự chuyên nghiệp, hiệu quả trong lĩnh vực kiểm toán công.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung
Chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm giải quyết các vấn đề môi trường
Trong vai trò Chủ tịch Ủy ban Chia sẻ kiến thức của ASEANSAI, bà Datuk Wan Suraya Wan Mohd Radzi - Tổng Kiểm toán nhà nước Malaysia bày tỏ, nỗ lực của các SAI trên diễn đàn quốc tế và khu vực đã tạo nên những thành công trong các cuộc kiểm toán hợp tác, góp phần giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách. Ủy ban Chia sẻ kiến thức đã thiết lập những khung làm việc cần thiết và hướng dẫn về kiểm toán môi trường. Tuy nhiên, việc thực hiện những hướng dẫn này trong bối cảnh của mỗi quốc gia rất khác nhau, đòi hỏi phải có những kiến thức đặc biệt, chuyên sâu liên quan đến các vấn đề môi trường.
Theo bà Datuk Wan Suraya Wan Mohd Radzi, các SAI thành viên có nhiều cách tiếp cận phong phú, được xây dựng, thiết kế riêng biệt cho từng bối cảnh khác nhau về kiểm toán môi trường. Do đó, việc chia sẻ kiến thức không chỉ làm giàu vốn hiểu biết mà còn mở ra những cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm quý giúp các SAI thực hiện hiệu quả công tác kiểm toán môi trường vì các SDG.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, KTNN Myanmar chia sẻ, cần lưu ý khi kiểm tra sự tuân thủ các điều khoản của giấy phép khoan và khai thác dầu khí để đưa ra những kiến nghị khắc phục thiếu sót. Bởi qua kiểm toán, KTNN Myanmar phát hiện hoạt động khoan và khai thác dầu khí ở Myanmar thiếu sự quản lý và giám sát theo các điều khoản của giấy phép, dẫn đến nguy cơ gây hại cho môi trường. Năng lực giám sát không đủ đã làm giảm nỗ lực ngăn ngừa tác hại về môi trường, kinh tế - xã hội đối với cư dân địa phương từ việc khoan và khai thác dầu khí…
Liên quan đến bảo vệ môi trường khu du lịch, sau cuộc kiểm toán làng du lịch và đánh giá tác động môi trường tại huyện Toba, KTNN Indonesia đã có nhiều khuyến nghị quan trọng. Trong đó, yêu cầu cần có giấy phép khi sử dụng các khu vực bảo tồn cho mục đích cá nhân; thực hiện quy hoạch môi trường toàn diện để duy trì tính bền vững của hệ sinh thái; thiết lập hệ thống quản lý chất thải hiệu quả và cung cấp đủ nguồn lực để hỗ trợ hệ thống này hoạt động; phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch...
Qua kiểm toán đánh giá việc quản lý nguồn nước quốc gia, KTNN Malaysia chia sẻ 4 thách thức lớn trong quá trình kiểm toán, đó là: Hạn chế dữ liệu về nguồn nước; thiếu chuyên môn về ngành công nghiệp nước; sự nguy hiểm trong quá trình kiểm toán và thiếu thẩm quyền thực thi. Vượt qua các thách thức, thực hiện thành công cuộc kiểm toán, KTNN Malaysia đã chỉ rõ, công tác quản lý các nguồn ô nhiễm chưa đạt mục tiêu đề ra và kiến nghị phải tăng cường giám sát việc hoàn thành, phát triển các dự án nước; cải thiện việc kiểm soát các nguồn ô nhiễm và xử lý các thông số hiệu quả hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của con người và bảo tồn sự bền vững của môi trường.
Còn theo KTNN Brunei, đối với các vấn đề môi trường quan trọng, nên thuê một cơ quan độc lập để giám sát. Khi KTNN phát hiện các vấn đề thiếu sót, vi phạm, cần chuyển vụ việc lên các cơ quan có thẩm quyền cao hơn để có biện pháp xử lý./.