xây dựng cơ bản lớn
Tạo động lực phát triển nông nghiệp, nông thôn
Chương trình xây dựng NTM được tiến hành từ năm 2010 là một chủ trương có ý nghĩa to lớn về kinh tế, chính trị, xã hội của Đảng và Nhà nước. Thực hiện thắng lợi chủ trương này sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn và nền kinh tế của đất nước. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, sau 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình xây dựng NTM đã thực sự trở thành một phong trào rộng khắp trong cả nước. Từ đây, bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi đã được đổi mới, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, thu nhập và điều kiện sống của nhân dân được cải thiện và không ngừng nâng cao. Theo các số liệu thống kê, tính đến hết năm 2015, cả nước đã có 1.674 xã (18,7%) và 15 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. Số tiêu chí bình quân/xã là 12,9 tiêu chí (tăng 8,2 tiêu chí so với 2010).
Nhằm giúp Quốc hội, Chính phủ có được các thông tin toàn diện hơn về kết quả thực hiện cũng như những tồn tại, hạn chế của Chương trình xây dựng NTM trong giai đoạn 2010-2014, năm 2015, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã giao cho KTNN chuyên ngành II chủ trì phối hợp với 13 KTNN khu vực thực hiện kiểm toán chuyên đề về Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010-2014. Đây là cuộc kiểm toán lồng ghép, có quy mô lớn được thực hiện tại Bộ NN&PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước và kiểm toán chi tiết tại 31 tỉnh, thành phố.
Nhiều phát hiện kiểm toán quan trọng
Theo đại diện KTNN chuyên ngành II, qua tổng hợp kết quả về cuộc kiểm toán này, KTNN đã chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Chương trình. Theo đó, một số văn bản trong công tác tổ chức, chỉ đạo thực hiện Chương trình do Bộ NN&PTNT và các Bộ, ngành, địa phương ban hành chưa kịp thời và thiếu đồng bộ, chưa thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ đã được Chính phủ giao. Vấn đề quy hoạch còn nhiều bất cập, quy hoạch của tỉnh và quy hoạch vùng, quy hoạch cả nước chưa có sự kết nối, đồng bộ. Bên cạnh đó, công tác giải ngân và quyết toán kinh phí Chương trình chưa thực sự minh bạch, rõ ràng. Cụ thể, Kho bạc Nhà nước T.Ư chỉ tổng hợp số giải ngân đối với nguồn ngân sách T.Ư, vốn trái phiếu Chính phủ mà không theo dõi, tổng hợp số giải ngân đối với nguồn ngân sách địa phương; Bộ Tài chính hàng năm cũng chỉ thực hiện tổng hợp quyết toán kinh phí đối với tất cả các Chương trình mục tiêu Quốc gia, chứ không phản ánh riêng về Chương trình NTM.
Một phát hiện quan trọng khác là chế độ, chính sách quy định của Chương trình còn có những điểm hạn chế và chưa phù hợp. Đơn cử như việc Chương trình đặt ra mục tiêu đến năm 2015 có 20% số xã đạt chuẩn NTM và đến năm 2020 sẽ đạt tới 50%, nhưng lại không có mục tiêu cụ thể cho từng vùng, miền, địa phương. Điều này dẫn đến tiến độ thực hiện chương trình của nhiều địa phương do điều kiện kinh tế khó khăn, chủ yếu trông đợi vốn từ ngân sách T.Ư còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra. Mặt khác, nhiều địa phương còn đặt nặng thành tích, vì cố gắng phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra nên đã phê duyệt các dự án vượt quá khả năng cân đối vốn dẫn đến nợ xây dựng cơ bản lớn, kéo dài nhiều năm.
Có thể khẳng định, những phát hiện của KTNN trong cuộc kiểm toán Chương trình xây dựng NTM năm 2015 đã cho thấy bức tranh khá toàn diện về kết quả thực hiện Chương trình.
Nỗ lực đạt kết quả kiểm toán cao nhất
Năm 2016, KTNN chuyên ngành II phối hợp với các KTNN khu vực tiếp tục thực hiện cuộc kiểm toán Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015. Với cuộc kiểm toán này, đại diện KTNN chuyên ngành II cho biết, KTNN sẽ tập trung đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành, việc phối hợp của các cơ quan T.Ư, địa phương trong tổ chức thực hiện Chương trình. Bên cạnh đó, KTNN sẽ đánh giá tính tuân thủ pháp luật, chế độ quản lý đầu tư xây dựng, chế độ quản lý tài chính, kế toán của Nhà nước đối với các nội dung thuộc phạm vi kiểm toán chi tiết. Đồng thời qua kiểm toán sẽ xác nhận tính đúng đắn, trung thực, hợp lý của số liệu tổng hợp quyết toán nguồn vốn ngân sách T.Ư, ngân sách địa phương bố trí trực tiếp cho Chương trình giai đoạn 2010-2015 đối với các nội dung: Quy hoạch xây dựng NTM và phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Thông qua kiểm toán, KTNN sẽ kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý tài chính - kế toán nhằm sử dụng nguồn vốn tiết kiệm, hiệu quả.
Để thực hiện cuộc kiểm toán này đạt kết quả cao nhất, đại diện KTNN chuyên ngành II cho biết, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện khung Đề cương kiểm toán Chương trình đã được Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành năm 2015, các đơn vị kiểm toán cần tập trung trí tuệ và dành nhiều thời gian cho công tác kiểm toán tổng hợp, xác định đầy đủ các chỉ tiêu theo đề cương hướng dẫn, nhất là chỉ tiêu về nợ đọng xây dựng cơ bản để làm cơ sở đánh giá, kiến nghị với cấp có thẩm quyền. Đặc biệt, KTNN cần thực hiện kiểm toán hoạt động đối với chuyên đề này nhằm tập trung đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện và hiệu quả mục tiêu thực hiện Chương trình, hiệu quả chính sách hỗ trợ, phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, bố trí thời gian các cuộc kiểm toán này vào đợt I và đợt II để hoàn thành trước ngày 30/9/2016, tạo thuận lợi cho công tác tổng hợp kết quả kiểm toán của toàn ngành.
Bài và ảnh: THANH TÙNG