Đẩy mạnh tiết kiệm điện và điều chỉnh phụ tải tại khu vực miền Bắc

(BKTO) - Theo các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp vận hành hệ thống điện miền Bắc, điều chỉnh phụ tải điện là giải pháp quan trọng nhằm hướng tới mục tiêu giảm công suất hệ thống điện trong giờ cao điểm, giảm áp lực đầu tư của ngành điện và nâng cao chất lượng cung cấp điện cho khách hàng.

v.jpg
Các đơn vị của EVNNPC tăng cường kiểm tra tình trạng hoạt động các trạm biến áp. Ảnh: VGP

Áp lực tăng phụ tải điện ngày càng lớn

Theo Bộ Công Thương, để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2023-2030 (được dự báo ở mức 6,5%-7%/năm), dự kiến nhu cầu điện cần tăng trung bình 8,37% và đạt mức khoảng gần 500 tỷ kWh điện thương phẩm, công suất cực đại khoảng 86GW vào năm 2030. Đây là một thách thức rất lớn cho ngành điện!

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - cho biết nhu cầu điện của các tỉnh, thành phía Bắc chiếm gần 50% sản lượng tiêu thụ toàn quốc và tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước. Tuy nhiên, các nguồn điện mới dự kiến hoàn thành hằng năm trong giai đoạn 2022-2025 luôn thấp hơn so với tăng trưởng phụ tải.

Tại Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu phụ tải giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 và Chỉ thị về tăng cường tiết kiệm điện cho giai đoạn 2020-2025, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu, trong giai đoạn 2020-2025, cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ, phấn đấu giảm 1.000 MW phụ tải đỉnh vào năm 2025 và 2.000 MW vào năm 2030. Đồng thời tăng hệ số phụ tải điện quốc gia từ 3-4% giai đoạn 2021-2030.

“Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi sự nỗ lực của Bộ Công Thương, EVN, sự vào cuộc của các Bộ, ban, ngành, các địa phương và nhất là sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, các khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là khách hàng sử dụng điện lớn trong việc phối hợp với Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) và ngành điện” - ông Phạm Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) nhấn mạnh.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời tiết miền Bắc năm 2023 sẽ nắng nóng hơn và gay gắt hơn năm 2022, có những thời điểm trong ngày nắng nóng gây quá tải cục bộ cho hệ thống điện trên khu vực miền Bắc làm tăng nguy cơ sự cố gây mất điện diện rộng.

Vì vậy, việc bảo đảm cung cấp điện ngày càng khó khăn và có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh, thiếu điện cục bộ vào các tháng cao điểm nắng nóng từ tháng 5-8/2023.

Mặc dù về cơ bản hệ thống điện đáp ứng đủ nhu cầu điện cho đất nước, nhưng ở một số thời điểm nắng nóng có thể gặp khó khăn cục bộ - ông Vũ Xuân Khu, Phó giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia nhận định.

Ngoài các giải pháp tiết kiệm điện, theo đại diện EVN, tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện sẽ hỗ trợ ngành điện giảm áp lực cung cấp điện trong các giờ cao điểm, đảm bảo cung cấp điện ổn định cho khách hàng (tránh bị sự cố, quá tải), cũng như giúp khách hàng sử dụng điện hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí đầu vào, góp phần bảo vệ môi trường.

Chương trình điều chỉnh phụ tải điện sẽ hỗ trợ khách hàng có chi phí mua điện hợp lý hơn, sử dụng ít điện hơn vào khung giờ cao điểm, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế.

Cần sự chủ động, tích cực hưởng ứng từ phía khách hàng

Theo lãnh đạo EVNNPC, trong năm 2022, Tổng công ty đã làm việc, ký kết biên bản thoả thuận với 2.231/2.289 khách hàng sử dụng điện dưới 3 triệu kWh/năm, đạt 97,46%; ký kết thoả thuận với 1.305/1.383 khách hàng sử dụng điện trên 3 triệu kWh/năm, đạt 94,36%. Đồng thời, EVNNPC đã phối hợp xây dựng dự báo phụ tải cho nhóm khách hàng có sản lượng từ 1 triệu kWh/năm trở lên.

Cập nhật tình hình hưởng ứng chương trình điều chỉnh phụ tải, EVNNPC cho biết, tính đến hết quý I/2023, có 3.670/3.739 khách hàng sử dụng điện đã ký thoả thuận tham gia điều chỉnh phụ tải điện, đạt tỷ lệ 98,15%. Như vậy chỉ còn 69 khách hàng chưa ký thỏa thuận tham gia điều chỉnh phụ tải điện với EVNNPC. Toàn bộ khách hàng ký thỏa thuận (ký mới, gia hạn) đều được cập nhật trên phần mềm theo chỉ đạo của Tập đoàn.

Dự kiến quý II/2023 là thời gian nắng nóng và là thời điểm căng thẳng nhất trong năm về đảm bảo cung cấp điện toàn hệ thống, EVNNPC đề ra mục tiêu đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định liên tục cho nhu cầu sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của người dân phía Bắc.

Nhằm giảm bớt áp lực của hệ thống điện, ngay từ đầu quý II/2023, EVNNPC tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện, đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, sử dụng các dịch vụ điện qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, cũng như tích cực thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải...

Tuy nhiên, trong giai đoạn này, tại khu vực miền Bắc chỉ đưa vào vận hành 1.427 MW (đã bao gồm Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2). Trong khi đó, phụ tải cực đại ổn định của hệ thống điện quốc gia mùa hè năm 2023 dự kiến tăng thêm 5.530MW so với năm 2022, riêng của hệ thống điện miền Bắc dự kiến tăng 3.540MW.

Theo ông Nguyễn Đức Thiện - Tổng Giám đốc EVNNPC, các khách hàng cần chủ động bố trí hợp lý sản xuất, tránh sản xuất vào các giờ cao điểm, đặc biệt là các phụ tải tiêu thụ công suất lớn của các ngành sản xuất thép, xi măng, luyện quặng, sản xuất vật liệu xây dựng.

Đồng thời hạn chế tối đa các thiết bị làm mát, hệ thống điều hoà, hạn chế việc vận hành các thiết bị có công suất lớn vào các giờ cao điểm; tăng cường kết hợp bảo dưỡng, bảo trì thiết bị, dây chuyền sản xuất nhằm giảm tải cho lưới điện.

Đặc biệt là chủ động phối hợp với ngành điện thực hiện tốt công tác dự báo phụ tải trên phần mềm dùng chung và tuân thủ lệnh điều độ - ông Nguyễn Đức Thiện khuyến nghị.

Sản lượng điện thương phẩm của EVNNPC trong quý I/2023 đạt 19,34 tỷ kWh, chiếm 35,55% sản lượng điện thương phẩm của toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tăng 2,05% so với quý I/2022 và đạt 21,42% kế hoạch EVN giao cả năm 2023, là đơn vị đứng đầu EVN về sản lượng điện thương phẩm.

Cùng chuyên mục
Đẩy mạnh tiết kiệm điện và điều chỉnh phụ tải tại khu vực miền Bắc