Thông tư 02 là  “cứu cánh” cho doanh nghiệp

(BKTO) - Việc ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn. Đây được coi là “cứu cánh” đối với DN hiện nay.

quang-canh-hoi-nghi.jpg
Một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị là thảo luận về công tác triển khai Thông tư 02 của các ngân hàng. Ảnh: NHNN

Giảm áp lực trả nợ cho khách hàng

Tại Hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư số 02/2023/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức ngày 25/4, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị này là tập trung thảo luận về công tác triển khai Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn (Thông tư 02) trong toàn hệ thống và nội bộ từng TCTD.

dao-minh-tu.jpg
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Việc ban hành Thông tư 02 sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN. Ảnh: NHNN

Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin: Tại thời điểm hiện nay, theo đánh giá của các bộ, ngành chức năng, các chuyên gia, nền kinh tế đang đối diện nhiều khó khăn, nhiều DN phải dừng hoạt động hoặc phải giảm bớt quy mô kinh doanh, ảnh hưởng đến công ăn việc làm, đời sống của người lao động. Nguyên nhân chủ yếu là do tác động của tình hình kinh tế thế giới.

Bên cạnh đó, tình hình địa chính trị thế giới ảnh hưởng đến vấn đề dòng vốn, dòng hàng hóa, lưu chuyển hàng hóa trên thế giới... Thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, thị trường vốn (chứng khoán, trái phiếu) đang sụt giảm.

Chính vì vậy, “việc ban hành chính sách hoãn, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ có ý nghĩa tác động trực tiếp để giảm bớt các khó khăn cho DN hiện nay” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN - thông tin thêm: Việc ban hành Thông tư 02 nhằm tạo điều kiện kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, giảm áp lực trả nợ cho khách hàng, đồng thời tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận các nguồn vốn để phục vụ sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo quy định tại Thông tư 02, đối tượng được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là những khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và gặp khó khăn trong việc trả nợ các khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Đồng thời, Thông tư cũng giao quyền tự chủ cho các TCTD trong việc xem xét, đánh giá mức độ khó khăn của khách hàng thông qua một số nội dung như doanh thu, thu nhập sụt giảm.

Tuy nhiên, bà Giang cũng lưu ý, thực hiện Thông tư 02, các TCTD vẫn phải đánh giá, phân loại cũng như trích lập dự phòng theo nhóm nợ thực tế của khách hàng. Theo quy định, các TCTD phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024.

Kỳ vọng vào việc triển khai Thông tư 02

Tại Hội nghị, đại diện các ngân hàng đều đánh giá cao ý nghĩa của việc ban hành Thông tư 02. Ông Phạm Quang Thắng - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) - đánh giá: Thông tư 02 ban hành kịp thời, phản ứng rất nhanh, đáp ứng mong muốn của thị trường về ổn định dòng tiền của DN, tạo điều kiện cho DN khôi phục sản xuất - kinh doanh để phát triển. Ngành ngân hàng đã thể hiện trách nhiệm cao nhất với nền kinh tế.

Theo ông Thắng, các ngân hàng đã có nhiều kinh nghiệm thực hiện các chính sách giãn nợ, cơ cấu nợ trong giai đoạn Covid. “Chúng tôi tin rằng triển khai Thông tư 02 lần này cũng sẽ có những thuận lợi để hỗ trợ DN, người” - ông Thắng kỳ vọng.

Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hà Nội Nguyễn Minh Tuấn nhận định: Thông tư 02 là “cứu cánh” hiện nay đối với DN, vì điều mong muốn hiện nay của các DN là cơ cấu lại nợ. Thông tư 02 đáp ứng được điều đó và mở rộng hơn so với trước.

Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - ông Lê Ngọc Lâm - cũng đánh giá cao việc ban hành Thông 02 và cho rằng, đây là giải pháp hữu hiệu giúp DN vượt qua khó khăn. Ông Lâm cho biết, BIDV sẽ triển khai trên toàn hệ thống để chính sách này đi vào thực tế nhanh nhất.

Ấn tượng với một số điều chỉnh của Thông tư 02, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh - nêu rõ: NHNN giao quyền cho các TCTD cơ cấu lại nợ; nhóm đối tượng tương đối toàn diện (hoạt động sản xuất - kinh doanh, khó khăn trả nợ vay tiêu dùng...).

Bà Phạm Thị Trung Hà - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) - phân tích: Đối tượng của chính sách là các khách hàng vay vốn, kể cả mục đích sản xuất kinh doanh hay tiêu dùng đều được hưởng lợi.

Trên thực tế, TCTD cũng đã có kinh nghiệm triển khai chính sách cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Do vậy, theo bà Hà, mỗi ngân hàng sẽ căn cứ vào điều kiện tài chính của mình và hồ sơ của khách hàng để thực hiện chính sách này, đồng hành, chia sẻ khó khăn với khách hàng./.

Cùng chuyên mục
Thông tư 02 là  “cứu cánh” cho doanh nghiệp