Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt Quy hoạch 12 địa phương

(BKTO) - Đây là yêu cầu trong Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp trực tuyến với 12 địa phương về đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

1(3).jpg
Hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh, thành phố trình Thủ tướng trước 26/10. Ảnh minh họa

7 nhóm vấn đề đa số địa phương còn vướng mắc

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, qua rà soát hồ sơ, ý kiến của 12 địa phương (Hải Phòng, Đà Nẵng, Hà Giang, Bắc Kạn, Phú Thọ, Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau) và các Bộ, cơ quan tại cuộc họp, đã xác định được 7 nhóm vấn đề đa số địa phương còn vướng mắc.

Cuộc họp đã thống nhất nguyên tắc xử lý để các địa phương nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh, cụ thể như sau:

Liên quan đến Quy hoạch điện VIII (về phương án phát triển mạng lưới cấp điện): Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo việc cập nhật các dự án, công trình quan trọng, ưu tiên đầu tư đã được xác định trong Quy hoạch điện VIII vào Quy hoạch tỉnh.

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tiềm năng phát triển năng lượng điện của địa phương để đề xuất bổ sung danh mục dự kiến dự án nguồn điện tiềm năng, lưới điện tiềm năng trong Quy hoạch tỉnh nhưng phải phù hợp với quan điểm, mục tiêu, định hướng, phương án phát triển nguồn điện, lưới điện, tiêu chí, luận chứng tại Quy hoạch điện VIII. Việc triển khai các dự án nêu trên chỉ được thực hiện khi bảo đảm phù hợp với Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với các điều kiện, tiêu chí, luận chứng theo Quy hoạch điện VIII và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật có liên quan.

Liên quan đến các quy hoạch về khoáng sản (về phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản): UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, đề xuất phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản bảo đảm phù hợp Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023, Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 680/QĐ-TTg ngày 10/6/2023, các quy hoạch ngành quốc gia và quy định khác có liên quan.

Trường hợp phát sinh vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh liên quan đến khoanh định các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, Xây dựng và cơ quan liên quan hướng dẫn các địa phương; báo cáo cấp có thẩm quyền những nội dung vượt thẩm quyền.

Về phương án phát triển các ngành, lĩnh vực, các khu chức năng và các nội dung khác trong Quy hoạch tỉnh (giao thông, đô thị, công nghiệp, du lịch, lâm nghiệp, lấn biển…): Căn cứ định hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể đề xuất nhu cầu sử dụng đất theo phương án phát triển các ngành, lĩnh vực, các khu chức năng và các nội dung khác trong Quy hoạch tỉnh đảm bảo phù hợp với thời kỳ quy hoạch đến 2030, tầm nhìn đến 2050 (có tính định hướng dài hạn).

Việc triển khai các dự án sau khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt phải bảo đảm phù hợp với chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 đã phân bổ cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ và các quyết định điều chỉnh, bổ sung (nếu có) của cấp có thẩm quyền.

Liên quan đến Quy hoạch lâm nghiệp (về tỷ lệ che phủ rừng và diện tích rừng trong Quy hoạch tỉnh): Hiện nay, Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong quá trình lập Quy hoạch tỉnh, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, xác định tỷ lệ che phủ rừng và diện tích rừng trong Quy hoạch tỉnh bảo đảm phù hợp với các chủ trương, chỉ đạo của Đảng về bảo vệ, phát triển rừng và chỉ tiêu sử dụng đất rừng được phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Về danh mục các dự án dự kiến ưu tiên thực hiện: UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, có thể đề xuất các dự án, công trình đang được rà soát, xử lý theo các Kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán và thi hành các bản án vào trong danh mục dự án dự kiến ưu tiên thực hiện phù hợp với định hướng của Quy hoạch tỉnh nhưng trong văn bản trình Thủ tướng phải cam kết không hợp thức hóa các sai phạm và chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thủ tướng về quá trình lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương và quyết định đầu tư dự án theo nguyên tắc chỉ được triển khai thực hiện sau khi đã thực hiện đầy đủ các nội dung theo Kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, bản án và được cấp có thẩm quyền chấp thuận, bảo đảm phù hợp các quy định hiện hành.

Về phương án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã: Thực hiện theo Công điện số 616/CĐ-TTg ngày 04/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ; theo đó, cần thể hiện nội dung mang tính định hướng trong việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong Quy hoạch tỉnh. Việc xác định phạm vi, ranh giới, tên địa lý và triển khai phương án sắp xếp cụ thể các ĐVHC cấp huyện, cấp xã sẽ được thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Về phương án xác định khu vực quốc phòng: Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo việc rà soát, cập nhật các nội dung liên quan đến lĩnh vực quốc phòng trong Quy hoạch tỉnh, bảo đảm phù hợp theo Quyết định số 2256/QĐ-BQP ngày 30/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh, thành phố trình Thủ tướng trước 26/10

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Hải Phòng, Đà Nẵng, Hà Giang, Bắc Kạn, Phú Thọ, Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau khẩn trương chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh, thành phố theo đúng các nội dung nêu trên; trình Thủ tướng trước ngày 26/10/2023.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo hoàn thành việc lập, trình thẩm định và phê duyệt Quy hoạch tỉnh theo đúng các nội dung trên; chịu trách nhiệm rà soát các nội dung trong Quy hoạch tỉnh bảo đảm phù hợp, đồng bộ với các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt; nếu có vướng mắc, khó khăn khác ngoài 7 nhóm vấn đề nêu trên thì kịp thời báo cáo Thủ tướng để chỉ đạo các Bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn, xử lý theo thẩm quyền hoặc tổ chức họp để thống nhất giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch tỉnh; phấn đấu hoàn thành phê duyệt các Quy hoạch tỉnh trong năm 2023 theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết 90/NQ-CP ngày 16/6/2023 của Chính phủ và Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 25/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Các Bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tham gia ý kiến rõ ràng, đúng thời hạn trong quá trình lấy ý kiến, thẩm định, rà soát hồ sơ Quy hoạch tỉnh; trường hợp quá thời hạn mà không có văn bản tham gia ý kiến thì được coi như là đồng ý và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng./.

Cùng chuyên mục
  • Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội đã triển khai ra sao?
    một năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (TBTCO) - Hiện nay đã có 20 tỉnh công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay làm nhà ở xã hội, theo chương trình gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, với nhu cầu vay vốn là 25.884 tỷ đồng. Tuy nhiên, số vốn được giải ngân chỉ khoảng 83,1 tỷ đồng trên tổng số 1.095 tỷ đồng.
  • Vay để trả nợ gốc có xu hướng tăng
    một năm trước Tài chính
    (BKTO) - Số tuyệt đối cũng như tỷ lệ vay để trả nợ gốc có xu hướng tăng; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024 khoảng 24-25%, đã tiệm cận mức trần theo Nghị quyết của Quốc hội - Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội lưu ý.
  • Mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5-7% là vô cùng khó khăn
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tăng trưởng kinh tế năm 2024-2025 có thể phục hồi tốt hơn so với năm 2023, tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm khoảng 6,5-7% và cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020 (6,25%) là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn.
  • LNG - Tương lai của ngành năng lượng Việt Nam
    một năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Công nghệ hóa lỏng khí được biết đến vào cuối thế kỷ 19. Đến nay, loại khí này ngày càng được sử dụng phổ biến tại nhiều nước trên thế giới và trở thành con “át chủ bài” của xu thế năng lượng mới. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia sáng giá trên thị trường LNG thế giới.
  • Thủ tướng: Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, những tháng cuối năm 2023, sẽ tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng; phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, trong đó, tăng trưởng GDP đạt trên 5%, lạm phát khoảng 3,5-4%.
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt Quy hoạch 12 địa phương