Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công

(BKTO) - Việc xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phải đảm bảo đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, cực tăng trưởng, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia...



                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

   

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, siết chặt kỷ luật, kỷ cương

Để bảo đảm chất lượng và tiến độ xây dựng, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầukiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; từng Bộ, cơ quan, địa phương phải tập trung rà soát kỹ, giảm mạnh số lượng dự án, nhất là các dự án khởi công mới; kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho” và chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá thực hiện và khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng.

Tập trung chỉ đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và bảo đảm phối hợp chặt chẽ, kịp thời ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị.

         
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phải bám sát và cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, 3 đột phá nêu tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua, bảo đảm vì mục tiêu, lợi ích chung của quốc gia, dân tộc...
Kế hoạch đầu tư công trung hạn phải được xây dựng theo phương châm kế thừa, phát huy kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm của giai đoạn 2016-2020; khắc phục triệt để các hạn chế; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo vì mục tiêu chung.

Tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí, định mức và thứ tự ưu tiên bố trí vốn theo quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và văn bản pháp luật có liên quan.

Thực hiện trình tự lập, thẩm định theo đúng quy định tại Điều 55 Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan; trong đó dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của các địa phương phải được HĐND cấp tỉnh cho ý kiến trước khi được tổng hợp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn quốc gia.

Cắt bỏ những dự án chưa cần thiết, kém hiệu quả

Chỉ thị nêu rõ, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần triển khai ngay các nhiệm vụ: Khẩn trương tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổ chức rà soát toàn bộ các dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; kiên quyết cắt bỏ những dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả; cắt giảm số lượng các dự án khởi công mới...

         
Không bố trí vốn ngân sách trung ương cho các dự án khởi công mới nhóm C của địa phương, trừ trường hợp đã có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Các chương trình, dự án thực hiện 2 kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn phải bảo đảm đúng quy định, không vượt quá 20% tổng số vốn theo quy định. Mục tiêu tổng số dự án đầu tư công từ nguồn ngân sách trung ương của cả nước giai đoạn 2021 - 2025 là khoảng 5.000 dự án.
Chủ động sử dụng vốn ngân sách trung ương được thông báo (không bao gồm số vốn thu hồi ứng trước, dự án trọng điểm, dự án có tính liên kết vùng, đường ven biển được thông báo tại văn bản số 419/TTg-KTTH ngày 02/4/2021) để bố trí thu hồi vốn ứng trước của danh mục dự án chưa được tổng hợp, báo cáo trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và không được cấp có thẩm quyền cho phép hoãn thu hồi vốn ứng trước (nếu có).

Bố trí vốn ngân sách trung ương tối thiểu bằng mức vốn được thông báo tại Văn bản số 419/TTg-KTTH đối với các mục tiêu, nhiệm vụ, các dự án trọng điểm, dự án có tính liên kết vùng, đường ven biển; trường hợp bố trí vốn thấp hơn, phần chênh lệch nộp trả về ngân sách trung ương; bố trí ngân sách địa phương để thực hiện nhiệm vụ đền bù, giải phóng mặt bằng và phần còn thiếu so với tổng mức đầu tư được duyệt để hoàn thành, phát huy hiệu quả đầu tư của dự án.

Chỉ đạo các đơn vị khẩn trương hoàn thiện thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án khởi công mới để tổng hợp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, thủ tục phê duyệt Quyết định đầu tư, dự toán, thiết kế… của các dự án trọng điểm, dự án có tính liên kết vùng, đường ven biển, hạ tầng giao thông, năng lượng… để có thể triển khai được ngay sau khi kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được thông qua.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương rà soát, hoàn thiện phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; hướng dẫn, xử lý các tình huống phát sinh theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định./.
HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công