Thể hiện sự “hụt hẫng” khi một loạt các dự án luật về y tế và sức khỏe không được đưa vào Chương trình, đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP. Hà Nội) đề nghị Quốc hội cần có kế hoạch để sửa đổi sớm 2 luật là Luật Bảo hiểm y tế và Luật Khám, chữa bệnh.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu thảo luận - Ảnh: quochoi.vn |
Đại biểu Trí phân tích: Hoạt động khám, chữa bệnh đang thay đổi rất nhiều. Khám bệnh bây giờ không phải nhìn, sờ, gõ, nghe mà chủ yếu dựa vào thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm. Phẫu thuật thì có thể đã được thực hiện bởi máy móc, bác sĩ kê đơn từ xa, không cần phải ngồi ngay cạnh bệnh nhân. Cuộc cách mạng 4.0 đã bao phủ đời sống nhân loại. Chuyển đổi số đang diễn ra trong nhiều lĩnh vực, nhất là đối với lĩnh vực y tế khi dịch bệnh liên miên, tác động mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu. Cùng với đó, quy mô số lượng, mệnh giá, nhu cầu tham gia bảo hiểm y tế của xã hội Việt Nam đã khác trước rất nhiều.
“Bởi vậy, Luật Khám, chữa bệnh và Luật Bảo hiểm y tế rất cần được sửa đổi. Nội dung sửa đổi phải chứa đựng và làm nổi bật cho được những thay đổi đó của đời sống, của xã hội và của con người” - đại biểu Nguyễn Anh Trí đề xuất.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nguy hại khó lường, đại biểu Nguyễn Anh Trí kiến nghị, Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có một nghị quyết khẩn cấp về việc phòng, chống đại dịch Covid-19, thể hiện quyết tâm chính trị của Quốc hội trong công cuộc chống dịch Covid-19 ở Việt Nam.
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) đề xuất, Quốc hội cần đưa vào Chương trình dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi), coi như luật khung để Bộ Y tế dựa vào đó ban hành các thông tư hướng dẫn trong những lĩnh vực cụ thể.
Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, ngoài việc bổ sung cho Luật Khám, chữa bệnh hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập trong suốt nhiều năm qua, Luật sửa đổi sẽ lần đầu tiên luật hóa một hình thức khám, chữa bệnh mới rất quan trọng trong giai đoạn bùng phát đại dịch mà chưa biết đến bao giờ kết thúc. Đó chính là khám, chữa bệnh từ xa.
“Là Bệnh viện triển khai hình thức khám này từ hơn một năm nay, chúng tôi (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – PV) gặp rất nhiều khó khăn vì hầu như chưa có luật khung hướng dẫn. Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã rất cố gắng ban hành các thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, vì không có trong luật nên gặp rất nhiều khó khăn để thực hiện áp dụng trên diện rộng, như: việc cho phép bác sĩ khám, chữa bệnh từ xa, kê đơn thuốc và được chịu trách nhiệm về đơn thuốc đó hay quyền lợi của người bệnh, của bệnh viện trong quá trình khám, chữa bệnh từ xa như thế nào, hiện nay cũng rất vướng mắc” - đại biểu Hiếu chia sẻ thực tế.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu phát biểu thảo luận - Ảnh: quochoi.vn |
Thay mặt lực lượng tuyến đầu chống dịch, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cảm ơn sự ủng hộ của các đại biểu Quốc hội trong công cuộc phòng, chống dịch, đồng thời nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn cần sự ủng hộ này và cần hơn nữa một hành lang pháp lý để chúng tôi yên tâm chống dịch, không phải lo đến những quy định, thủ tục rườm rà mà đôi khi vì yêu cầu khẩn cấp là sức khỏe con người lên trên hết, tặc lưỡi bỏ qua là vi phạm quy định”.
Trong khi đó, đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV xem xét, giao cho Chính phủ sửa đổi ngay Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm vào kỳ họp tiếp theo cuối năm nay để có công cụ pháp lý quản lý và điều hành, trong đó Luật sẽ sửa đổi các quy định đã rất lạc hậu của Luật hiện hành, đồng thời chuyển tải các nội dung liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn.