Đầu tư nghìn tỷ đồngnhưng hiệu quả rất thấp
Nhìn vào điểm số của môn thi ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh tại Kỳ thi năm nay, nhiều chuyên gia ngán ngẩm cho rằng, đây vẫn là câu chuyện từ nhiều năm trước. Tức là, nhiều người đã và đang kỳ vọng vào sự đổi mới trong dạy và học tiếng Anh. Nhưng đổi lại, kết quả môn thi đã lột tả sự thật là việc giảng dạy tiếng Anh trong nhà trường phổ thông hiện nay vẫn chưa mang lại kết quả khả quan. Phân tích phổ điểm thi THPT quốc gia môn tiếng Anh từ năm 2017-2019 của Bộ GD&ĐT cho thấy, điểm trung bình của học sinh cả nước trong 3 năm đều dưới 5, mức điểm đạt nhiều nhất chỉ 3 - 4 điểm.
Ông Sái Công Hồng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) - cho rằng, kết quả thi THPT quốc gia môn tiếng Anh của học sinh cả nước năm 2019 đã có chuyển biến tích cực nhưng chủ yếu vẫn ở các tỉnh, thành phố lớn; khu vực khó khăn như miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long không có thay đổi. Tuy nhiên, nhìn chung, mức điểm bình quân còn thấp, chưa đạt được kỳ vọng của xã hội.
Điều đáng nói, Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” (gọi chung là Đề án) đã được triển khai từ nhiều năm với kinh phí lên đến hơn 9.000 tỷ đồng nhưng vẫn chưa thể thay đổi thực tế yếu kém của tình trạng dạy và học ngoại ngữ hiện nay. Dù là một Đề án được quan tâm đầu tư và rất được kỳ vọng, thế nhưng, bản thân Đề án này trong quá trình thực hiện cũng có nhiều hạn chế, bất cập dẫn đến hiệu quả mang lại rất thấp. Kết quả này đã được KTNN chỉ ra khi thực hiện kiểm toán Đề án tại thời điểm năm 2017.
Cụ thể, kết quả kiểm toán việc thực hiện Đề án giai đoạn 2015-2016 cho thấy, tính đến năm 2016, cả 4 mục tiêu của Đề án đặt ra theo từng giai đoạn đều đạt kết quả thấp về số lượng, chất lượng và ở tất cả các bậc học. Cá biệt có mục tiêu không thực hiện được (mục tiêu “Đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ trong chương trình giáo dục thường xuyên với nội dung, chương trình đào tạo phù hợp với các cấp học, trình độ đào tạo, góp phần tích cực vào công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, viên chức”); hoặc mục tiêu “Triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ đối với giáo dục nghề nghiệp” chỉ đạt 1% so với yêu cầu đề ra là 60%...
Chú trọng cải thiện chất lượng giáo viên
Lý giải nguyên nhân của việc điểm thi tiếng Anh năm nào cũng thấp ở mức gần như đội sổ trong danh sách các môn thi THPT quốc gia, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, chất lượng dạy và học tiếng Anh phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ giáo viên. Trong khi đây lại là điểm yếu hiện nay, điều này dẫn đến chất lượng môn học chưa đạt như kỳ vọng.
Tại Tọa đàm Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên - yếu tố then chốt nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ do Bộ GD&ĐT tổ chức mới đây, thực trạng chất lượng giáo viên và tác động của yếu tố này đến chất lượng dạy và học tiếng Anh đã được trao đổi, làm rõ.
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) - nêu thực trạng, nhiều giáo viên chưa thực sự hướng vào việc giảng dạy mà vẫn đặt nặng thành tích thi cử. Thời gian đầu, sau khi tham gia bồi dưỡng, họ dạy rất tốt, chú trọng phương pháp mới, nhưng qua một thời gian, không ít giáo viên lại quay về phương pháp cũ. Thông tư số 26/2012/TT-BGDĐT về quy chế bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên đã quy định, hằng năm, giáo viên phải tự đăng ký nội dung bồi dưỡng. Tuy nhiên, không ít giáo viên lựa chọn nội dung không xuất phát từ nhu cầu, việc đánh giá kết quả bồi dưỡng chưa đạt hiệu quả, việc giám sát bồi dưỡng còn hạn chế...
Hiệu quả từ việc nâng cao chất lượng giáo viên ngoại ngữ đã được chứng minh trong thực tế. Từ một địa phương có kết quả dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh không cao, 3 năm gần đây, Nam Định đã có sự bứt phá để liên tục nằm trong top 10 địa phương có kết quả trung bình môn tiếng Anh cao nhất cả nước. Để đạt được kết quả này, theo ông Bùi Văn Khiết - Sở GD&ĐT Nam Định, ngành giáo dục tỉnh đã tập trung cải thiện chất lượng của đội ngũ giáo viên. Thực hiện Đề án, địa phương đã rà soát, phân loại để đưa ra giải pháp bồi dưỡng cho từng đối tượng giáo viên khác nhau. Do đó đến nay, chỉ còn 10% giáo viên ngoại ngữ không đạt chuẩn năng lực.
Còn theo bà Nguyễn Thị Phương Nga - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, mặt bằng điểm môn tiếng Anh hiện nay cho thấy chất lượng giảng dạy giữa các vùng miền, địa phương đang có sự phân hóa, chênh lệch lớn và nhìn chung còn thấp. Để cải thiện tình trạng này, bà Nga cho rằng, cùng với việc nâng cao năng lực cho giáo viên, các yếu tố như: chương trình học, quy trình kiểm tra, đánh giá... cũng cần phải được xây dựng cho phù hợp. “Chẳng hạn như bồi dưỡng cho giáo viên đạt chuẩn năng lực, thì chương trình, hình thức kiểm tra, đánh giá cũng phải phù hợp tương ứng để giáo viên phát huy năng lực” - bà Nga dẫn chứng và cho rằng, về tổng thể, việc thực hiện chiến lược phát triển dạy và học ngoại ngữ nói chung và Đề án nói riêng vẫn còn nhiều bất cập.
Theo Báo Kiểm toán số 31 ra ngày 01-8-2019