Để áo dài Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản của nhân loại

(BKTO) - Việt Nam đang trong quá trình tích cực chuẩn bị xem xét, công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) quốc gia và tiến tới đệ trình ghi danh tại danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại theo tiêu chí của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO). Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để trang phục này được UNESCO công nhận là di sản của nhân loại vẫn còn nhiều thách thức.




Cần nhận diện, đánh giá đầy đủ về những giá trị văn hóa, xã hội, nghệ thuật và bản sắc văn hóa của áo dài Việt Nam. Ảnh minh họa

Trang phục áo dài là biểu tượng của văn hóa Việt Nam

Gắn với lịch sử phát triển của mỗi dân tộc, cùng với tiếng nói, chữ viết thì trang phục luôn là một yếu tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc. Áo dài gắn bó với đời sống của người Việt Nam, là biểu tượng, hồn cốt của phụ nữ Việt. Trang phục áo dài, văn hóa mặc áo dài là một nét văn hóa sống động, đại diện cho văn hóa Việt Nam cần được bảo vệ và phát huy giá trị trong bối cảnh đương đại.

Đánh giá tầm quan trọng của việc bảo vệ, phát huy cũng như nâng cao nhận thức về giá trị của áo dài, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam Bùi Hoài Sơn nhìn nhận, dù Nhà nước chưa ra một văn bản luật chính thức nào khẳng định áo dài là “quốc phục” Việt Nam nhưng từ lâu nay, nó đã được đa số nhân dân mặc định là “áo dài dân tộc” hay “trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam”. Mặc dù có một lịch sử lâu đời và phổ biến trong đời sống hiện đại song các giá trị gắn với áo dài vẫn chưa có được vị thế của một DSVHPVT cấp quốc gia. Đối với công chúng, nhiều người vẫn chưa hiểu đúng về lịch sử văn hóa, giá trị của áo dài cũng như tập quán sử dụng chúng.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Trịnh Thị Thủy cho biết, chúng ta đang trong quá trình tích cực chuẩn bị xem xét, công nhận áo dài là DSVHPVT quốc gia. Việc nhận diện đầy đủ, khoa học về những giá trị và nội hàm DSVHPVT này, một mặt sẽ giúp cho việc xây dựng thành công hồ sơ trang phục áo dài Việt Nam đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia và tiến tới đệ trình ghi danh tại danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại theo tiêu chí của UNESCO. Mặt khác, việc nghiên cứu một cách thấu đáo về trang phục này nhằm tìm ra những giải pháp quản lý, bảo vệ phù hợp để đảm bảo sức sống của áo dài theo tinh thần Công ước năm 2003 của UNESCO và Luật Di sản văn hóa của Việt Nam. Bà Thủy khẳng định, trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra sâu rộng như hiện nay thì việc bảo vệ, phát huy giá trị áo dài là rất cần thiết và cấp bách. Trong đó, vấn đề nâng cao nhận thức của nhân dân trong bảo vệ giá trị di sản văn hóa tốt đẹp của áo dài Việt Nam và quảng bá mạnh mẽ hơn nữa những giá trị văn hóa này ra thế giới có vị trí hết sức quan trọng.

Đường đến UNESCO còn nhiều thách thức

Theo Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL), các di sản đã được UNESCO vinh danh có những điểm tương đồng, gần gũi với hồ sơ áo dài Việt Nam. Hiện có 27 di sản của 25 quốc gia có liên quan đến kỹ thuật sản xuất, kỹ thuật dệt, nghệ thuật dệt lụa, dệt thảm, dệt thổ cẩm truyền thống, như: Batik của Indonesia; truyền thống dệt thảm ở Chiprovsti (Bulgaria); cách làm và sử dụng khăn trùm đầu bằng lụa cho phụ nữ ở Azerbaijan; áo vỏ cây Uganda… Từ kinh nghiệm của các di sản đã và đang đề cử vào danh sách của UNESCO, có thể thấy, việc lập hồ sơ “Trang phục áo dài Việt Nam” trình UNESCO sẽ rất khả quan.

Theo ông Bùi Hoài Sơn, đối với UNESCO, lịch sử truyền thống là vô cùng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là truyền thống đó được sử dụng như thế nào trong đời sống đương đại. Áo dài của Việt Nam có một lịch sử lâu đời, trong bối cảnh hiện thời, áo dài có tác động với văn hóa, xã hội và con người Việt Nam là điều UNESCO quan tâm. Mặt khác, đời sống của di sản trong xã hội đương đại và đóng góp của di sản đó trong cuộc sống đương đại, đó là điểm nhấn mà UNESCO mong muốn các di sản thể hiện và họ sẽ tôn vinh các di sản phi vật thể đại diện theo một trong những tiêu chí quan trọng đó.

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, để có thể vinh danh áo dài là DSVHPVT quốc gia, tiến tới được xếp vào danh sách DSVHPVT đại diện cho nhân loại, Bộ VH-TT&DL, các cơ quan chức năng cần nhận diện, đánh giá đầy đủ về những giá trị văn hóa, xã hội, nghệ thuật và bản sắc văn hóa của áo dài Việt Nam. Phó Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật quốc gia Việt Nam Nguyễn Thị Hiền chia sẻ, muốn xây dựng hồ sơ di sản trình UNESCO, Việt Nam cần xác định khía cạnh phi vật thể của áo dài để đưa ra tên, nội hàm, xác định cộng đồng chủ thể, trung tâm di sản, vùng lan tỏa và kiểm kê di sản.

Đặc biệt, trước khi xây dựng hồ sơ, các địa phương được coi là trung tâm của di sản áo dài cũng phải thực hiện kiểm kê để đưa di sản này vào danh mục kiểm kê quốc gia; làm hồ sơ để đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia theo quy định của chính sách bảo vệ di sản của Việt Nam. “Mọi người đều nghĩ, áo dài Việt Nam rất xứng đáng để ghi danh, tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, áo dài là hiện vật và chúng ta có thể chạm vào được. Thời gian tới, chúng ta phải tiếp tục xin ý kiến các chuyên gia về di sản, các nhà sưu tầm để xem giá trị phi vật thể áo dài là gì để có thể xác định rõ ràng các yếu tố đưa vào hồ sơ” - bà Hiền cho biết.

LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
Để áo dài Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản của nhân loại