Nếu được khai thác tốt, thị trường VCGTCT có thể đóng góp cho ngân sách vài tỷ USD mỗi năm. Ảnh minh họa
Phát triển vui chơi giải trícó thưởng gắn với du lịch
Tại nhiều nước trên thế giới, ngành công nghiệp VCGTCT phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu của xã hội và đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách. Tuy vậy, tại Việt Nam, do sự kỳ thị của tâm lý xã hội, e dè trong quản lý nhà nước nên lĩnh vực này đang phát triển "cầm chừng" theo kiểu "vừa đi vừa dò đường". Vì vậy, quy mô hoạt động còn "rất khiên tốn". Cho đến năm 2017, cơ sở pháp lý cho hoạt động VCGTCT mới chỉ được hoàn chỉnh ở cấp nghị định của Chính phủ. Theo đó, có 3 loại hình VCGTCT được phép kinh doanh có điều kiện gồm: đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài. Đến nay, đã có 8 DN kinh doanh casino, 61 điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng và 1 DN kinh doanh đặt cược đua chó được cấp phép đi vào hoạt động với tổng doanh thu năm 2019 đạt trên 19.000 tỷ đồng, nộp NSNN gần 4.900 tỷ đồng.
Trưởng phòng Đầu tư nước ngoài, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Văn Sử cho biết, đối với lĩnh vực trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, doanh thu cả nước năm 2019 đạt hơn 13.200 tỷ đồng, tăng 22,8% so với năm 2017, gấp 2 lần so với năm 2013. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế này là chưa cao do các nguyên nhân: Đối tượng đang hướng đến là cho người nước ngoài; chúng ta chưa coi đây là ngành kinh doanh chính và doanh thu còn phụ thuộc nhiều vào số lượng du khách ưa thích lĩnh vực này.
Theo GS,TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài, năm 2019, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, tuy nhiên, du lịch Việt Nam cũng có nhiều điểm cần khắc phục. Vì vậy, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, không thể không xây dựng ngành công nghiệp giải trí. Tuy nhiên, dù nhiều DN nước ngoài và trong nước được cấp phép đã đi vào hoạt động lĩnh vực này nhưng kết quả còn quá khiêm tốn, gây lãng phí vốn đầu tư, nguồn nhân lực vì không khai thác hiệu quả tiềm năng đã có. Nguyên nhân một phần vì nhận thức và quan điểm coi đây là lĩnh vực “nhạy cảm”, chưa có cách tiếp cận đa chiều, hệ thống luật pháp còn thiếu. Mặt khác, chưa có tổ chức xã hội để liên kết các DN hoạt động du lịch kết nối văn hóa - thể thao - giải trí để chia sẻ thông tin, quảng bá du lịch, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác cùng có lợi.
Mở cửa nhưng phải có “lưới”an toàn
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nếu được khai thác tốt, ngành công nghiệp VCGTCT không chỉ đóng góp cho Nhà nước vài tỷ USD mỗi năm mà còn tránh “chảy máu” ngoại tệ qua các ổ cá cược “đen” bất hợp pháp và qua việc người Việt Nam chơi casino ở nước ngoài. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để vừa khai thác được dư địa của ngành công nghiệp VCGTCT vừa đảm bảo được an ninh, trật tự xã hội, tránh được tác động xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân.
Với nhiều năm kinh nghiệm tham gia trực tiếp vào các hoạt động trong lĩnh vực VCGTCT, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, Chủ tịch VABIS Group Nguyễn Ngọc Mỹ ủng hộ quan điểm nên mở cửa cho tất cả các loại hình VCGTCT nói chung và cá cược thể thao nói riêng. Tuy nhiên, các cánh cửa cũng cần phải có “lưới” phù hợp để ngăn chặn sự xâm nhập của những phần tử có hại, gây tác động xấu đến văn hóa, xã hội. Cần có bộ máy quản lý điều hành tốt, khai thác được tối đa các lợi ích kinh tế mà ngành cá cược thể thao mang lại, trong khi vẫn đảm bảo an toàn và trật tự xã hội. Đồng thời, nên quản lý cá cược thể thao bằng công nghệ 4.0, bởi đây là xu thế tất yếu đảm bảo chính xác, minh bạch, an toàn và chống thất thu ngân sách.
Trong khi đó, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) Nguyễn Minh Tiến cho biết, hoạt động VCGTCT được xác định là bộ phận cấu thành, hỗ trợ phát triển ngành du lịch. Do đó, thời gian tới, sẽ thực hiện kinh doanh VCGTCT, đặt cược theo hướng đấu thầu công khai, minh bạch, hạn chế kinh doanh bất hợp pháp, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách. “Bộ Tài chính tiếp tục rà soát Nghị định số 03/2017/NĐ-CP về kinh doanh casino để sửa đổi theo hướng hình thành các tổ hợp giải trí quy mô lớn, vốn tối thiểu 2 tỷ USD, với đủ các dịch vụ như: du lịch, khách sạn, vui chơi giải trí, đảm bảo tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển” - ông Tiến cho hay.
Chia sẻ góc nhìn từ một nhà đầu tư nước ngoài, ông Michael Efron - Chủ tịch kiêm CEO Vietnam Sport Player - cho rằng, công ty của ông đã tham gia lĩnh vực thể thao đua ngựa từ năm 1977. Do đó, công ty đã làm việc với nhiều DN, câu lạc bộ đua ngựa lớn ở Australia và có nhiều kinh nghiệm về cá cược đua ngựa, thể thao. Góp ý cho thể chế, ông Michael Efron cho hay, tại Australia, công ty của ông thành lập Ủy ban phi Chính phủ, chia ra 3 lĩnh vực quản lý: thể thao, đua ngựa và casino. Ủy ban này sẽ đưa ra những góp ý, đề xuất cho Chính phủ để xây dựng hệ thống pháp luật đối với các lĩnh vực này một cách minh bạch và hiệu quả nhất có thể.
LÊ HÒA