Để chính sách tài chính - tiền tệ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

(BKTO) - Tại Hội thảo “Chính sách tài chính - tiền tệ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức mới đây, các chuyên gia bình luận rằng, chính sách tài chính - tiền tệ đang đi đúng hướng nhưng độ trễ còn lớn, chậm đi vào cuộc sống. Do đó, tăng trưởng 6 tháng cuối năm được dự báo cao hơn mức tăng 5,73% của 6 tháng đầu năm, song khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong cả năm.



Nhiều thách thức đối với tăng trưởng kinh tế

Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng năm 2017 và những năm tiếp theo, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh, cần phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức đến từ việc cải cách kinh tế, đặc biệt là vấn đề cơ cấu, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN còn chậm, khu vực kinh tế tư nhân còn yếu, lạm phát được kiểm soát nhưng còn nguy cơ tăng trở lại. Sự biến động của thị trường tài chính quốc tế, đặc biệt là xu hướng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn tạo áp lực lên tỷ giá. Giải ngân đầu tư công chậm, nợ công chạm trần Quốc hội cho phép, bội chi ngân sách vẫn khó kiểm soát…

Muốn vượt qua những thách thức này, kết quả nghiên cứu của Học viện Chính sách và Phát triển chỉ ra rằng, bên cạnh các giải pháp dài hạn như cải cách thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách DNNN, phát triển khu vực kinh tế tư nhân…, cần phải tập trung vào các giải pháp thuộc về chính sách tài chính - tiền tệ.

Phân tích tổng quan về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, các chuyên gia của Học viện Chính sách và Phát triển đánh giá, xu hướng tăng trưởng kinh tế đang hồi phục rõ rệt và có cơ hội đạt mức tăng trưởng 2 quý cuối năm cao hơn 2 quý đầu năm. Tốc độ tăng trưởng 2 quý đầu năm cao hơn nhiều so với lạm phát phần nào phản ánh chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Tập trung nghiên cứu sâu về lạm phát từ 2001-2016 cho thấy, khi lạm phát tăng ở mức độ nhất định, 2 quý đầu năm không ảnh hưởng nhiều tới tăng trưởng, 2 quý tiếp theo lạm phát sẽ thúc đẩy tăng trưởng, từ quý sau trở đi lạm phát sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng.

Song song với đó, kết quả nghiên cứu số liệu cung tiền Việt Nam từ 2001-2016 chứng tỏ, khi cung tiền tăng sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng với độ trễ 2 quý. Mức cung tiền mới 6 tháng đầu năm 2017 chỉ ở mức gần 5,69%, thấp hơn so với mục tiêu cả năm (16-18%). Vì vậy, còn có thể tăng cung tiền để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2017. Nghiên cứu về tỷ giá từ 2001-2016 cho thấy, tỷ giá tăng sẽ làm lạm phát tăng ngay trong tháng tiếp theo.

Đáng chú ý, qua nghiên cứu số liệu thu NSNN và chi tiêu thường xuyên của Chính phủ giai đoạn 2001-2016 thấy rằng, tỷ lệ thu ngân sách/GDP tăng và tăng chi tiêu thường xuyên của Chính phủ sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế, không còn nhiều dư địa về trần nợ công và bội chi ngân sách để mở rộng chính sách tài khóa.

Động lực từ chính sáchtài chính - tiền tệ

Đồng quan điểm với các chuyên gia của Học viện, tại Hội thảo, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ quan điểm phải phân tích, đánh giá tình hình và góp ý các chính sách vĩ mô; nhất là chính sách tài chính - tiền tệ nhằm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn trong thời gian tới. Với bối cảnh hiện nay, trong phạm vi tác động của chính sách tài chính - tiền tệ, tăng trưởng tín dụng đóng vai trò quan trọng đối với thúc đẩy tăng trưởng, cung tiền quyết định đến ổn định và kiểm soát lạm phát, vẫn còn dư địa để giảm lãi suất và có nhiều áp lực lên tỷ giá.

Dự báo về thị trường tài chính - tiền tệ 6 tháng cuối năm, TS.Cấn Văn Lực - Chuyên gia tài chính - cho rằng, rủi ro tài chính - tiền tệ ở mức cao do tác động của thế giới, tiêu biểu như việc FED có thể tăng lãi suất thêm 1 lần nữa vào năm 2017 và 2 lần năm 2018. Trong nước, việc theo đuổi mục tiêu tăng trưởng ở mức cao trong ngắn hạn và thiếu các động lực tăng trưởng bền vững tiềm ẩn nhiều rủi ro với kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính ngân hàng trong dài hạn; tiến trình xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến mục tiêu hạ lãi suất cho vay và lành mạnh hệ thống tài chính tín dụng; hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục chịu áp lực lớn về vốn và các gói tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế. Do đó, cần triển khai các giải pháp như mở rộng tăng trưởng cung tiền và tín dụng ở mức hợp lý, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các tổ chức tài chính tín dụng và triển khai Nghị quyết xử lý nợ xấu.

Ông Đào Văn Hùng - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển - cũng có chung nhận định, áp lực tăng tỷ giá trong thời gian tới là rất lớn, nếu không kiểm soát tốt và để tỷ giá tăng quá cao sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm. Để tỷ giá không tác động đến tăng trưởng, cơ quan quản lý cần tiếp tục kiểm soát tỷ giá trong biên độ phù hợp từ 2-3%.

Nhiều ý kiến cho rằng, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm là hạn chế, do độ trễ của chính sách tín dụng tác động đến GDP sau khoảng một năm. Việc Ngân hàng Nhà nước giảm mức lãi suất điều hành 0,25% và 0,5% trần lãi suất cho vay ngắn hạn của tổ chức tín dụng của một số lĩnh vực ưu tiên từ ngày 07/7/2017 là rất tích cực, tạo cơ hội giảm lãi suất cho vay và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Các chính sách tín dụng được đưa ra vào những tháng cuối năm sẽ tạo đà cho tăng trưởng năm 2018.

HỒNG THOAN
Theo tuần Báo ra ngày 20-7-2017
Cùng chuyên mục
  • Tín dụng tăng nhanh:  Niềm vui xen lẫn nỗi lo
    7 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Nhìn vào bức tranh hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm nay, dễ nhận thấy, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là một điểm sáng. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu đáng mừng, việc tín dụng tăng trưởng nhanh trong khi huy động vốn lại thấp khiến nhiều chuyên gia quan ngại về những hệ lụy có thể xảy ra đối với nền kinh tế.
  • Quy định mới về xử lý tài sản bảo đảm: kỳ vọng và băn khoăn
    7 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Dự thảo Nghị quyếtvề xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Dự thảo Nghị quyết) đang được Quốchội thảo luận và dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 này. Qua hai lần thảo luận tại hội trường, những khó khăntrong xử lý tài sản bảo đảm để khai thông nợ xấu được nhiều đại biểu nêu lênvới hy vọng Dự thảo Nghị quyết sẽ có những quyđịnh mới hiệu quả hơn cho tiến trình khai thông tiền tệ.
  • Kho bạc Nhà nước huy động được thêm 5.893 tỷ đồng trái phiếu
    7 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Kho bạc Nhànước tuần qua đã huy động thành công 5.893 tỷ đồng/6.000 tỷ đồng trái phiếuchính phủ gọi thầu. Lãi suất có sự phân hóa nhẹ, tăng nhẹ ở kỳ hạn 5 năm, nhưngvẫn giảm ở 3 kỳ hạn trúng thầu còn lại.
  • Mua sắm tập trung thuốc quốc gia:  Khắc phục bất cập  trong đấu thầu thuốc?
    7 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Bộ Y tế vừa thành lập Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia có chức năng tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc thuộc danh mục thuốc mua sắm tập trung quốc gia do Bộ Y tế ban hành. Sự ra đời của Trung tâm này được kỳ vọng sẽ làm tăng tính minh bạch, thống nhất về giá và hạ giá thành thuốc… vốn là những vấn đề nhức nhối trong đấu thầu thuốc bấy lâu nay. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là quy chế vận hành, tổ chức đấu thầu thuốc tập trung quốc gia sẽ được thực hiện như thế nào để đem lại lợi ích thiết thực nhất.
  • Lấp lỗ hổng trong hoạt động  kiểm soát nội bộ ngân hàng
    7 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Sau khi nhiều đại án ngân hàng bị phanh phui và đưa ra xét xử, vấn đề kiểm soát nội bộ (KSNB) được các tổ chức tín dụng (TCTD), đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước quan tâm và chú trọng nhiều hơn. Minh chứng là mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra lấy ý kiến góp ý để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện và sớm ban hành Dự thảo Thông tư quy định về hệ thống KSNB của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Để chính sách tài chính - tiền tệ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế