Đề cương văn hóa là "sợi chỉ đỏ", góp phần định hướng và phát triển nền văn hóa mới Việt Nam

Trải qua 80 năm triển khai và kiểm nghiệm trong thực tiễn, Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) đã thể hiện tầm nhìn xa, tư duy lý luận sắc bén, khả năng đúc kết thực tiễn của Đảng. Theo GS,TS. Từ Thị Loan (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam), cho đến nay, nhiều luận điểm, nguyên tắc, chủ trương của Đề cương vẫn giữ nguyên giá trị, được Đảng ta kế thừa, phát huy trong công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam thời kỳ đổi mới, hội nhập.

dsc_0139-1600x1200-.jpg
Những giá trị cốt lõi của Đề cương văn hóa đã góp phần quan trọng vào việc phát triển nền văn hóa dân tộc trong thời kỳ mới. Ảnh tư liệu

Văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hóa còn nguyên giá trị cốt lõi

Theo GS,TS. Từ Thị Loan, Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời trong bối cảnh tương đối đặc biệt. Trong tiến trình đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, để chống lại chính sách văn hoá phản động của phát xít Pháp - Nhật và tay sai của chúng,... năm 1943, Đảng ta đưa ra bản Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua trong Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương vào tháng 2/1943.

Bản Đề cương đã vạch rõ tính chất phản động trong chính sách văn hóa ngu dân của thực dân Pháp; nêu lên nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa trong xây dựng nền văn hóa mới. Đề cương đã vũ trang những lý luận căn bản cho cán bộ hoạt động văn hóa – tư tưởng. Đề cương xác định, văn hoá là một trong ba mặt trận cách mạng (chính trị, kinh tế và văn hóa). Đề cương nêu rõ nguy cơ của nền văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp; phân tích mối quan hệ giữa cách mạng chính trị và cách mạng văn hoá; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng văn hóa.

Cho đến hôm nay, không ai có thể phủ nhận giá trị lịch sử to lớn của bản Đề cương cũng như vai trò tiên phong mở đường, đặt nền móng lý luận cho công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam. Tinh thần chung của bản Đề cương vẫn là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt các văn kiện sau này của Đảng ta về văn hóa, văn nghệ, góp phần định hướng và dẫn đạo nền văn hóa Việt Nam cất cánh lên những tầm cao mới.

- GS,TS. Từ Thị Loan -

Bản Đề cương thể hiện tầm nhìn xa, tư duy lý luận sắc bén, khả năng đúc kết thực tiễn của một Đảng non trẻ mới có 12 năm lãnh đạo cách mạng. “Đến nay, chúng ta có điều kiện nhìn lại để khẳng định những giá trị trường tồn của bản Đề cương, đồng thời có những điều chỉnh, bổ sung, phát triển để phù hợp hơn với bối cảnh mới” - GS,TS. Từ Thị Loan cho biết.

Nêu một cách ngắn gọn, theo GS,TS. Từ Thị Loan, một số giá trị cốt lõi của Đề cương là: Đặt nền móng lý luận cho sự phát triển của nền văn hóa mới Việt Nam, góp phần thống nhất nhận thức, tư tưởng, định hướng học thuật cho những người làm văn hóa, tạo nền tảng cho đường lối văn hóa văn nghệ sau này; Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng nền văn hóa mới; Khả năng dự báo chính xác, tầm nhìn vượt thời gian về tương lai, sự phát triển của văn hóa Việt Nam; Lôi cuốn, quy tụ, tập hợp được các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trí thức, văn nghệ sĩ tham gia cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới; Có giá trị thực tiễn lớn lao khi chỉ ra ba nguyên tắc vận động của văn hóa Việt Nam là dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa.

“Thực tế đã chứng minh, ba nguyên tắc nêu trên đã có tác dụng to lớn biến nền văn hóa Việt Nam từ một nền văn hóa chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa phong kiến, thực dân, nô dịch trở thành nền văn hóa độc lập, tự chủ, vừa tiên tiến, vừa đậm đà bản sắc dân tộc sau này” - GS,TS. Từ Thị Loan khẳng định.

Xây dựng nền văn hóa mới trên nền tảng dân tộc và khoa học hóa 

Nhấn mạnh giá trị của nguyên tắc dân tộc hóa đã góp phần xây dựng một nền văn hóa độc lập, tự cường, mang đậm bản sắc dân tộc, thúc đẩy cuộc đấu tranh về tiếng nói, chữ viết, thống nhất làm giàu tiếng nói dân tộc, GS,TS. Từ Thị Loan cho biết, đây là một trong ba nguyên tắc vận động của văn hóa Việt Nam được đề ra từ Đề cương về văn hóa đang được Đảng ta kế thừa và phát huy, đồng thời có sự mở rộng và phát triển phù hợp với sự thay đổi của thời đại và hội nhập quốc tế. Cụ thể:

Một là, bên cạnh việc "chống mọi sự nô dịch, đồng hóa của văn hóa bên ngoài", dân tộc hóa hiện nay còn là đề cao khả năng tiếp biến, "Việt hóa" những ảnh hưởng tốt đẹp của văn hóa thế giới, bồi bổ, làm giàu và nâng tầm cho văn hóa dân tộc. Chúng ta không chỉ "chống" mà còn "thu nạp", "thâu hóa" tinh hoa văn hóa nhân loại. Sự điều chỉnh, bổ sung này được thể hiện rất rõ trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII: "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" cũng như trong các văn kiện về văn hóa, văn nghệ sau này.

Hai là, với ý nghĩa "chống văn hóa phong kiến thoái hóa", dân tộc hóa không có nghĩa là phủ định sạch trơn, đoạn tuyệt hoàn toàn với quá khứ. Đảng ta đã kiên quyết chấn chỉnh những biểu hiện quá khích, ứng xử cực đoan với văn hóa truyền thống (phá bỏ đình chùa, cấm đoán lễ hội, chụp mũ mê tín dị đoan, coi nhẹ y, dược học cổ truyền...). Hiện nay, di sản văn hóa đã trở thành nguồn tài nguyên nhân văn to lớn để phát triển kinh tế - xã hội, củng cố sức mạnh nội sinh của đất nước.

Ba là, dân tộc hóa không có nghĩa là độc tôn văn hóa, sa vào chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, đả phá các tông phái, khuynh hướng văn học nghệ thuật "khác mình". Hiện nay, Đảng ta luôn cởi mở để mọi trường phái, trào lưu văn hóa, nghệ thuật tự do phát triển. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, văn hóa Việt Nam ngày càng phát triển phong phú, đa dạng, tiếp cận được với tất cả các khuynh hướng, trường phái văn hóa, nghệ thuật của thế giới.

Bốn là, dân tộc hóa phải có chỗ dựa vững chắc là bản sắc văn hóa dân tộc. Bản sắc dân tộc được kết tinh trong ý thức dân tộc, tâm hồn dân tộc, tính cách dân tộc, tâm lý dân tộc, di sản văn hóa dân tộc... Bản sắc dân tộc sẽ đảm bảo sự trưởng tồn của dân tộc, tạo nên bản lĩnh, nội lực, giúp chúng ta "hòa nhập mà không hòa tan" để đứng vững trong cơn lốc toàn cầu hóa, tạo sức đề kháng và đối trọng chống lại sự xâm lăng văn hóa.

Năm là, dân tộc hóa phải đi đôi với quốc tế hóa, tức là mang các giá trị văn hóa của dân tộc quảng bá ra thế giới, thâm nhập vào các nền văn hóa khác. Có như vậy, chúng ta mới không chỉ "nhận" mà còn "cho", có những đóng góp thiết thực vào sự phát triển của văn hóa nhân loại.

Đặc biệt, theo GS,TS. Từ Thị Loan, xác định rõ những nguy cơ trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, đó là sự tiềm ẩn của yếu tố lạc hậu, mê tín trong tín ngưỡng dân gian, Đảng ta luôn có sự xem xét để bổ sung, phát triển các nguyên tắc khác trong vận động văn hóa, trong đó có nguyên tắc khoa học hóa để củng cố và làm bền vững yếu tố dân tộc trong văn hóa.

Theo đó, khoa học hóa là đấu tranh chống lại mọi hình thức lạc hậu, thần bí, phản khoa học, cản trở sự phát triển của văn hóa. Khoa học hóa cũng là đặt mọi vấn đề của văn hóa trên cơ sở khoa học, đề cao tư tưởng, học thuật, phát triển các ngành khoa học.

“Đây là nguyên tắc cực kỳ cần thiết và chính xác, góp phần đấu tranh về nhận thức và tư tưởng, đả phá những học thuyết sai trái, trang bị cho giới trí thức, văn nghệ sĩ công cụ lý luận chống lại văn hóa bảo thủ, thần bí, duy tâm, phong kiến… bảo vệ sự đúng đắn của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử” - GS,TS. Từ Thị Loan nói và cho biết thêm rằng, trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, văn hóa Việt Nam sẽ không thể phát triển nếu không nhanh chóng tiếp thu những tư tưởng mới, những thành tựu mới của khoa học - công nghệ. Hay nói cách khác, khoa học sẽ giúp cho yếu tố dân tộc trong văn hóa được củng cố, phát huy bền vững và hội nhập quốc tế.

Cùng chuyên mục
Đề cương văn hóa là "sợi chỉ đỏ", góp phần định hướng và phát triển nền văn hóa mới Việt Nam