Thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương, chính sách, chỉ thị, nghị quyết cũng như kỷ luật của Đảng là yêu cầu bắt buộc đối với mọi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên của Đảng.
Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của đảng viên được quy định trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam là: “Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng”.
Trong quá trình sáng lập, rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề đảng viên phải thực hiện nghiêm túc trách nhiệm, nhiệm vụ của mình trước Đảng, trước nhân dân.
Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh mục đích vào Đảng của đảng viên là để chịu sự quản lý, lãnh đạo của Đảng, chấp hành các quy định, nghị quyết, nhiệm vụ của Đảng. Theo quan điểm của Người: Đảng là do nhiều đảng viên hợp lại theo chủ nghĩa Mác - Lênin, theo mục đích, mục tiêu chung là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Đảng được tổ chức theo nguyên tắc dân chủ tập trung, có đảng chương thống nhất, kỷ luật thống nhất, cơ quan lãnh đạo thống nhất. Đảng quy định rất chặt chẽ cá nhân phải phục tùng đoàn thể, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên và địa phương thì phải phục tùng Trung ương.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ những tiêu chuẩn cần thiết mà người đảng viên phải có để thực hiện tốt nghĩa vụ, nhiệm vụ của mình, trong đó có tiêu chuẩn phải tuyệt đối chấp hành nghị quyết và kỷ luật của Đảng. Người khẳng định đảng viên mà không giữ vững kỷ luật của Đảng, không kiên quyết chấp hành chính sách và nghị quyết của Đảng, không thiết tha quan tâm đến lợi ích của Đảng, là trái với nghĩa vụ người đảng viên của Đảng.
…Muốn cho quần chúng nghe lời mình, làm theo mình, thì người đảng viên, từ việc làm, lời nói cho đến cách ăn ở, phải thế nào cho dân tin, dân phục, dân yêu. Thế là làm cho dân tin Đảng, phục tùng Đảng, yêu Đảng và làm theo chính sách của Đảng và của Chính phủ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng yêu cầu đảng viên phải chấp hành chỉ thị, nghị quyết, kỷ luật của Đảng, ai vi phạm phải bị xử lý, kỷ luật, thậm chí đưa ra khỏi Đảng. Ngày 10/5/1950, khi nói chuyện về bản Tổng cương và Điều lệ của Đảng, Hồ Chủ tịch nêu rõ: “Đảng có những điều kiện kỷ luật bắt buộc mỗi đảng viên phải theo. Không có kỷ luật sắt không có Đảng. Đã vào Đảng thì phải theo tư tưởng của Đảng. Đảng đã chỉ thị nghị quyết là phải làm. Không làm thì đuổi ra ngoài Đảng”.
Từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong thắng lợi chung ấy có sự đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Nhìn chung, cán bộ, đảng viên của Đảng đã đoàn kết thống nhất, tự giác, hăng hái, gương mẫu thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cùng nhân dân vững bước đi lên vì độc lập tự do, ấm no, hạnh phúc của cả dân tộc.
Tuy nhiên, vẫn còn một số cán bộ, đảng viên có hạn chế, khuyết điểm, thậm chí vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật Nhà nước. Đảng kiên trì, kiên quyết đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lãng phí, đã đưa một số đảng viên không còn đủ tiêu chuẩn ra khỏi Đảng, góp phần làm trong sạch Đảng, lấy lại uy tín của Đảng và niềm tin của nhân dân. Chỉ tính trong 10 năm từ 2012-2022, qua công tác kiểm tra, giám sát, các cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp của Đảng đã thi hành kỷ luật 2.741 tổ chức Đảng và 167.748 đảng viên.
Mặc dù vậy, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới vẫn chỉ ra: “Một bộ phận đảng viên năng lực, trình độ, trách nhiệm chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu bản lĩnh chính trị, đấu tranh tự phê bình và phê bình yếu; tinh thần trách nhiệm, ý chí phấn đấu giảm sút; chưa gương mẫu, sống thực dụng; suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm nguyên tắc, kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật”. Trong khi đó, các tổ chức đảng lại: “Chưa làm tốt công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đảng viên, việc chuyển sinh hoạt đảng, xét miễn sinh hoạt đảng còn lỏng lẻo; chưa thường xuyên rà soát, kiên quyết sàng lọc đưa đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng”.
Từ thực tế đó, Nghị quyết xác định nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp quan trọng là phải: Thường xuyên tiến hành việc rà soát, sàng lọc, kiên quyết đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, đòi hỏi Đảng phải tiến hành nhiều giải pháp tổng hợp, đồng bộ với sự nỗ lực của toàn Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân. Xin nhấn mạnh vào hai giải pháp quan trọng dưới đây:
Thứ nhất, yêu cầu quan trọng, cấp thiết là chúng ta phải thực hiện tốt công tác chỉnh đốn xây dựng Đảng, trong đó tập trung thực hiện nghiêm Quy định về những điều đảng viên không được làm. Đảng đã có Quy định về những điều đảng viên không được làm (Quy định số 47-QĐ/TW ngày 01/11/2011 và được thay thế bằng Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021), trong đó, ngay tại Điều 1 đã quy định rõ ràng đảng viên không được: “Nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép”. Quy định trên cũng xác định rõ: “Đảng viên vi phạm Quy định này phải được xử lý nghiêm minh, chính xác, kịp thời theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.
Bản thân đảng viên phải tự giác gương mẫu và chú ý đến sự chấp hành của gia đình, người thân… của mình. Quy định về những điều đảng viên không được làm đã nghiêm cấm đảng viên không được: “Can thiệp, tác động hoặc để vợ (chồng), con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột mình, bên vợ (chồng) và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình để trục lợi”. Hay đảng viên không được: “Can thiệp, tác động để vợ (chồng), con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột mình, bên vợ (chồng), bản thân và người khác đi du lịch, học tập, chữa bệnh bằng nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến ngành, lĩnh vực theo dõi, quản lý”.
Thứ hai, không chỉ tiên phong, gương mẫu thực hiện nghiêm túc, hiệu quả mà đảng viên còn phải tuyên truyền vận động để quần chúng nhân dân cùng đồng thuận thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Ngày 25/3/1951, trên báo Nhân Dân, Hồ Chủ tịch viết: “Mỗi đảng viên là một người thay mặt cho Đảng trước quần chúng, để giải thích chính sách của Đảng và của Chính phủ cho quần chúng hiểu rõ và vui lòng thi hành. Mà muốn cho quần chúng hăng hái thi hành, thì người đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để quần chúng bắt chước, làm theo”. Người nhấn mạnh: “…Muốn cho quần chúng nghe lời mình, làm theo mình, thì người đảng viên, từ việc làm, lời nói cho đến cách ăn ở, phải thế nào cho dân tin, dân phục, dân yêu. Thế là làm cho dân tin Đảng, phục tùng Đảng, yêu Đảng và làm theo chính sách của Đảng và của Chính phủ”.
Tổ chức đảng và đảng viên cần quan tâm, tôn trọng, tạo thuận lợi để quần chúng nhân dân cùng thực hiện, trong đó có việc giám sát của quần chúng. Hồ Chủ tịch từng yêu cầu: “Phải tổ chức thi hành cho đúng. Mà muốn vậy, không có dân chúng giúp sức thì không xong. Phải tổ chức kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được”. Những năm qua, phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đã được Đảng thường xuyên chú trọng triển khai với nhiều kết quả thiết thực.
Tự giác, gương mẫu chấp hành, vận động quần chúng nhân dân cùng thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để đất nước ngày càng giàu mạnh là trách nhiệm, nghĩa vụ, tình cảm sâu sắc mà mỗi đảng viên phải tận tâm, tận lực với Đảng, với nhân dân và với đất nước của mình./.