Để “giữ chân” dòng vốn ngoại bền vững

(BKTO) - Đến cuối năm 2022, tổng giá trị vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đạt khoảng 3 tỷ USD. Để “giữ chân” dòng vốn ngoại bền vững, các cơ quan quản lý của Việt Nam cần nghiên cứu tầm nhìn của nhà đầu tư nước ngoài về thị trường, các ngành và doanh nghiệp (DN) trong nước; đồng thời nâng cao vai trò của nhà đầu tư tổ chức.

13.jpg
Việt Nam sở hữu yếu tố thuận lợi để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh minh họa

Nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và thị trường

Dòng vốn FII bắt đầu chảy vào Việt Nam từ năm 1991. Đến cuối năm 2022, tổng giá trị vốn đầu tư nước ngoài vào TTCK Việt Nam đạt hơn 70.000 tỷ đồng (khoảng 3 tỷ USD) tính theo giá trị danh mục đầu tư. Dòng vốn này mang đến nhiều lợi ích cho các DN trong nước, góp phần gia tăng nguồn lực tài chính và khả năng quản trị DN, đồng thời thúc đẩy phát triển hệ thống các nhà đầu tư, nhất là các tổ chức đầu tư trên TTCK. Có thể kể đến Dragon Capital, Mekong Capital, Vina Capital cũng như nhiều quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư mô phỏng chỉ số ETF đang đầu tư sâu rộng trên TTCK Việt Nam. Thêm vào đó, bức tranh sáng với lợi nhuận liên tục thiết lập các kỷ lục mới của Sabeco, Nhựa Bình Minh, Dược Hậu Giang, PVI, Traphaco… đã cho thấy sự thay đổi lớn theo chiều hướng đi lên của nhiều DN có vốn nước ngoài đầu tư lớn.

Bên cạnh việc đổ vốn vào DN với mục tiêu đầu tư dài hạn, tìm kiếm lợi nhuận, đặc trưng của dòng vốn FII trên TTCK Việt Nam có tính thanh khoản cao. Mục đích của FII là kỳ vọng tỷ suất lợi tức cao với một mức độ rủi ro nhất định. Bởi vậy, các nhà đầu tư luôn có xu hướng thay đổi chứng khoán hoặc tài sản nắm giữ. Tính bất ổn này vừa có tác dụng thúc đẩy giao dịch, thanh khoản của thị trường nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro, trong đó có tính dễ đảo chiều của dòng vốn. Đơn cử, giai đoạn tháng 10/2022 - 01/2023, dòng vốn ngoại đã ồ ạt đổ vào Việt Nam mua ròng, tận dụng nhịp giảm mạnh của VN-Index cùng một số thông tin hỗ trợ như việc USD giảm giá, Trung Quốc mở cửa trở lại sau thời gian dài theo đuổi chính sách Zero-Covid. Tuy nhiên, khối ngoại đã bắt đầu bán ròng từ giữa tháng 02/2023 dù có đợt review tăng tỷ trọng Việt Nam của VNM ETF và đợt huy động mới từ Fubon ETF trong tháng 3/2023.

Theo Giám đốc Trung tâm phân tích Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) Trần Anh Tuấn, việc khối ngoại bán ròng trên TTCK Việt Nam những năm gần đây gồm 2 giai đoạn: Năm 2021, khi TTCK Việt Nam tăng trưởng rất tốt, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng với mong muốn chốt lời; và năm 2022, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu siết chặt chính sách tiền tệ thông qua việc liên tục điều chỉnh tăng mặt bằng lãi suất và nhà đầu tư bắt đầu rút ròng khỏi các thị trường mới nổi và cận biên, bao gồm Việt Nam. “Đây là xu hướng chung toàn cầu. Việt Nam đã bị các nhà đầu tư nước ngoài rút trước khi chu kỳ của Fed nâng lãi suất nên khả năng sắp tới, dòng tiền về Việt Nam sớm hơn các quốc gia khác” - ông Tuấn nhận định.

Còn theo Giám đốc Trung tâm phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán SSI Hoàng Việt Phương, việc khối ngoại bán ròng mạnh năm 2023 đến từ sự đảo chiều rút ròng từ các quỹ ETF và xu hướng rút ròng chung của các quỹ đầu tư đa quốc gia rút khỏi các thị trường mới nổi. Ngược lại, nhóm quỹ chủ động ở Việt Nam gần như chỉ rút ròng nhẹ trong 4 tháng qua. Nguyên nhân đến từ chênh lệch lãi suất thực của Mỹ và các quốc gia còn lại, bên cạnh chính sách tiền tệ của Việt Nam phân kỳ với chính sách tiền tệ của Mỹ và một phần đến từ hoạt động chốt lời sau giai đoạn mua ròng mạnh.

Bên cạnh xu hướng bán ròng, dòng vốn ngoại vẫn âm thầm đổ vào thị trường qua các thương vụ mua cổ phần chiến lược. Điển hình, SMBC mua 15% cổ phần VPBank trong đợt chào bán riêng lẻ với giá trị khoảng 1,5 tỷ USD hồi giữa năm 2023; Daytona Investments mua cổ phần Sữa Quốc tế (IDP); Hana Securites trở thành cổ đông chiến lược của Chứng khoán BSC; ASKA Pharmaceutical liên tục tăng sở hữu tại Dược Hà Tây (DHT) qua các đợt chào bán riêng lẻ.

Ngoài ra, hoạt động mua bán, sáp nhập ngoài sàn chứng khoán cũng được nhà đầu tư nước ngoài thúc đẩy những năm gần đây. Đơn cử, SMBC mua 49% cổ phần FE Credit từ VPBank năm 2021 với giá trị thương vụ khoảng 1,4 tỷ USD; AEON chi 180 triệu USD mua 100% vốn góp tại Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF) từ SeABank; ESR bỏ ra 450 triệu USD mua cổ phần BW Industrial; Krungsri mua 50% vốn SHB Finance từ SHB.

Giải pháp nào thu hút và nắm giữ?

Dự báo xu hướng dịch chuyển của dòng vốn ngoại năm 2024, ông Trần Anh Tuấn cho hay, chu kỳ mới về dòng tiền đã và sẽ tiếp tục diễn ra, tức khi lãi suất của Fed đã chạm đỉnh thì dòng tiền sẽ có xu hướng tìm đến các thị trường có sự tăng trưởng tốt, đặc biệt là các thị trường cận biên như Việt Nam để hưởng mức lãi suất cao hơn thị trường Mỹ. Thông số từ WB và IMF cho thấy, dòng tiền đã được phân bổ dần dần vào một số quốc gia. Chẳng hạn, dòng tiền bắt đầu quay trở lại TTCK, bất động sản Trung Quốc khi quốc gia này có các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản. Với Việt Nam, chính sách của Chính phủ và các cơ quan quản lý đã hỗ trợ DN và nền kinh tế. Ngoài ra, Chính phủ cũng rất quyết liệt trong việc đưa TTCK Việt Nam nâng hạng. Điều này sẽ thu hút được dòng tiền lớn từ nước ngoài.

Chủ tịch Dragon Capital Dominic Scriven cũng khẳng định, Việt Nam hiện sở hữu yếu tố thuận lợi để thu hút lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, dân số hơn 100 triệu người với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong bối cảnh quốc gia châu Á khác dân số già. Bên cạnh đó, không có quốc gia nào, ngoài Việt Nam, có kênh đối thoại cùng lúc với các quốc gia lớn gồm: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ. Chưa kể, sự kiện Việt Nam và Mỹ nâng tầm quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện cũng ảnh hưởng tích cực đến GDP Việt Nam.

Để dòng vốn ngoại gắn bó với TTCK Việt Nam bền vững, giới chuyên gia khuyến nghị, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu tầm nhìn của nhà đầu tư nước ngoài về thị trường, các ngành và DN trong nước. Chủ tịch Dragon Capital kiến nghị có chính sách khuyến khích các DN tư nhân đưa cổ phiếu lên niêm yết, đẩy mạnh quan hệ với cộng đồng đầu tư trong và ngoài nước, sự minh bạch và các bước tiến triển liên quan đến thị trường vốn.

Một yếu tố đáng lưu ý khác, theo chuyên gia này, là vốn quốc tế đầu tư vào Việt Nam rất nhỏ. Hiện chỉ có 3/50 quỹ hưu trí Mỹ đầu tư vào Việt Nam do tâm lý thận trọng, trong khi tổng vốn của các quỹ này lên đến 500 tỷ USD. “Với những yếu tố trên, các nhà đầu tư ngoại không chỉ quan tâm, tìm hiểu mà phải đầu tư vào Việt Nam” - ông Dominic Scriven nhận định, đồng thời đề nghị nâng cao vai trò của nhà đầu tư tổ chức, bên cạnh việc quan tâm tới vai trò của nhà đầu tư cá nhân - vốn chiếm phần lớn giao dịch trên thị trường./.

Cùng chuyên mục
Để “giữ chân” dòng vốn ngoại bền vững