Để ngành Quản lý quỹ Việt Nam phát triển tương xứng tiềm năng

(BKTO) - Theo đánh giá, ngành quản lý quỹ Việt Nam có tiềm năng lớn, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ngành vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu. Để ngành phát triển tương xứng với tiềm năng, các cơ quan quản lý cần có giải pháp, chính sách thúc đẩy hơn nữa trong thời gian tới.

28.jpg
Ngành quản lý quỹ ở Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển nhưng có tiềm năng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của đất nước. Ảnh minh họa

Còn khá non trẻ

Chia sẻ tại Hội thảo “Phát triển ngành quản lý quỹ Việt Nam”, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) - ông Lương Hải Sinh - nhấn mạnh, ngành quản lý quỹ ở Việt Nam còn khá non trẻ, chỉ mới bắt đầu hình thành và phát triển trong gần 20 năm trở lại đây. Giai đoạn 2017-2022, tổng tài sản quản lý của toàn bộ thị trường có tốc độ tăng trưởng khoảng 25% mỗi năm, tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ tăng trưởng với mức trung bình khoảng 42% mỗi năm (ngoại trừ năm 2022). Tuy nhiên, kết quả hoạt động chưa tương xứng với vai trò của ngành và tiềm năng của thị trường.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý quỹ VinaCapital (VCFM) - ông Brook Taylor - đánh giá, hiện nay, ngành quản lý quỹ ở Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển nhưng có tiềm năng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của đất nước. Trước tiên và quan trọng nhất, ngành cung cấp những sản phẩm hiệu quả với chi phí thấp, giúp tiết kiệm các mục tiêu và kế hoạch hưu trí; từ đó sẽ cải thiện mức sống và an ninh tài chính của người dân, đồng thời giúp giảm gánh nặng cho nhà nước trong việc hỗ trợ an sinh xã hội khi người dân nghỉ hưu.

Bên cạnh đó, ngành giúp nâng cao hiệu quả của thị trường vốn bằng cách tập hợp vốn của nhiều nhà đầu tư vào các dự án lớn và phức tạp hơn so với khả năng mà các nhà đầu tư cá nhân có thể tự thực hiện, giúp hướng dòng vốn đến nơi cần thiết nhất và có thể được sử dụng hiệu quả nhất. Ngành cũng thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua đầu tư vào các doanh nghiệp và công nghệ mới. Đơn cử, ngành là nhà đầu tư chính trong các công ty khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ, tạo thêm việc làm.

Ngoài ra, ngành hỗ trợ ổn định hệ thống tài chính bằng cách cung cấp tính thanh khoản cho thị trường, giúp ngăn ngừa khủng hoảng tài chính. Chẳng hạn, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, ngành đóng vai trò then chốt trong việc ổn định hệ thống tài chính toàn cầu. “Điều quan trọng là UBCKNN, các cơ quan Chính phủ, các công ty quản lý quỹ và các định chế tài chính khác cần phối hợp với nhau để thúc đẩy ngành quản lý quỹ phát triển năng động và mạnh mẽ” - ông Brook Taylor đề nghị.

Ngành quản lý quỹ ở Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển và có đủ cơ hội cho tất cả chúng ta thành công.

Ông Brook Taylor - Tổng Giám đốc VCFM

5 giải pháp thúc đẩy

Để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành quản lý quỹ ở Việt Nam, Tổng Giám đốc VCFM đề xuất 5 nhóm giải pháp, đồng thời khuyến nghị tất cả các bên liên quan nên cùng nhau thực hiện để đạt được mục tiêu đề ra.

Một là, phải có tầm nhìn dài hạn. Theo ông Brook Taylor, những năm tới, chúng ta có thể kỳ vọng dòng tiền của khách hàng cá nhân sẽ chảy vào các sản phẩm của ngành như đã diễn ra ở các quốc gia khác trong hơn 50 năm qua. Hiện tổng tài sản được quản lý (AUM) của các quỹ đầu tư chứng khoán và quỹ ETF tại Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 2,5 tỷ USD, tương đương 0,2% GDP năm 2022.

Nếu tỷ lệ tài sản quản lý trên GDP tương tự của Thái Lan được áp dụng cho GDP năm 2022 của Việt Nam, thì ngành quản lý quỹ hiện nay của Việt Nam sẽ có tài sản quản lý là 102 tỷ USD. Nếu sử dụng tỷ lệ của Đài Loan, nó sẽ là 245 tỷ USD và nếu sử dụng tỷ lệ của Hàn Quốc, nó sẽ là 274 tỷ USD. Con số này lớn hơn 100 lần so với AUM của Việt Nam hiện nay và là bằng chứng rõ ràng cho thấy, ngành sẽ mang đến những cơ hội to lớn cho tất cả các thành viên của ngành quỹ trong những năm tới.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của ngày mai, không phải câu chuyện của hôm nay. Bởi lẽ, “Hôm nay, điều cần thiết là chúng ta phải hợp tác cùng nhau để xây dựng một ngành công nghiệp bền vững và không chấp nhận những rủi ro khiến các mục tiêu dài hạn hay thành công của chúng ta chịu rủi ro hoặc bị trì hoãn” - ông Brook Taylor nhấn mạnh.

Hai là, nâng cao hiểu biết về tài chính. Một trong những thách thức lớn nhất đối với ngành quản lý quỹ ở Việt Nam là sự thiếu hiểu biết về tài chính của các nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư không hiểu những rủi ro và lợi ích của việc đầu tư, điều này có thể dẫn đến những quyết định đầu tư sai lầm.

Đây không chỉ là thách thức đối với riêng các sản phẩm của ngành mà còn là thách thức của cả lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng và chứng khoán. “Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp trong ngành phải làm việc cùng nhau để thúc đẩy hiểu biết về tài chính cho các nhà đầu tư. Điều này giúp bảo vệ các nhà đầu tư và đảm bảo cho họ đạt được mục tiêu đầu tư mà không gặp rủi ro quá mức” - Tổng Giám đốc VCFM khuyến nghị.

Ba là, chấp nhận khách hàng phù hợp. Theo lãnh đạo VinaCapital, điều này vốn đi đôi với hiểu biết về tài chính. Khách hàng phù hợp là khách hàng hiểu họ đang đầu tư cái gì, sản phẩm đang đầu tư phục vụ nhu cầu của họ ra sao. Nếu sự liên kết này không tồn tại, thì cuối cùng sẽ dẫn đến các vấn đề bất cập lớn.

“Chúng ta có thể khó từ chối tiền của khách hàng, nhưng tất cả chúng ta cần tuân thủ các nguyên tắc đó vì lợi ích lâu dài của ngành. Các công ty quản lý quỹ hàng đầu toàn cầu đã làm điều này và chúng ta cũng nên làm như vậy” - ông Brook Taylor lưu ý.

Bốn là, hoàn thiện hành lang pháp lý. Ngành quản lý quỹ ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu và cần có các điều luật rõ ràng, hiệu quả, được ban hành kịp thời để phát triển bền vững.

Theo đó, việc nhanh chóng áp dụng các chính sách và thông lệ quốc tế sẽ cho phép các cơ quan quản lý dành nhiều thời gian hơn để giải quyết tình trạng không tuân thủ và củng cố sự vững mạnh của toàn ngành.

Cuối cùng, chú trọng công tác đào tạo và phát triển. Tất cả các thành viên trong ngành đều có rất nhiều điều để học hỏi và cần tận dụng mọi cơ hội để học hỏi từ nhau và từ thế giới./.

Cùng chuyên mục
Để ngành Quản lý quỹ Việt Nam phát triển tương xứng tiềm năng