Rà soát việc khoanh, xóa nợ thuế, đảm bảo đúng đối tượng

(BKTO) - Tại Nghị quyết Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, Quốc hội giao Kiểm toán nhà nước (KTNN) tập trung kiểm toán hoạt động khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội. Trước đó, qua kiểm toán, KTNN đã chỉ ra nhiều sai sót, bất cập trong thực hiện chính sách này.

23.jpg

Quốc hội yêu cầu rà soát, bảo đảm việc khoanh, xóa nợ thuế đúng đối tượng. Ảnh minh họa

Nhiều trường hợp khoanh, xóa nợ không đúng quy định

Ngày 26/11/2019, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 94/2019/QH14 (Nghị quyết 94) về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế (NNT) không có khả năng nộp NSNN. NNT được khoanh nợ, xóa nợ là người đã chết, mất tích hoặc giải thể, phá sản, thực tế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế, không còn khả năng nộp thuế… Nghị quyết này thực hiện trong 3 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2020).

Năm 2022, đánh giá tình hình khoanh nợ tiền thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp năm 2020 và 2021 theo Nghị quyết 94, KTNN cho biết, theo báo cáo của cơ quan thuế và cơ quan hải quan, tổng số khoanh nợ, xóa tiền phạt, tiền chậm nộp lũy kế đến ngày 31/12/2021 gồm: Khoanh nợ 637.369 NNT với số nợ 27.410,9 tỷ đồng, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp 226.661 NNT với số tiền 5.292,2 tỷ đồng.

Qua kiểm toán cho thấy, tại cơ quan thuế, số khoanh nợ đến hết năm 2021 là 27.186 tỷ đồng, vượt 5.145 tỷ đồng so với số dự kiến khoanh khi Chính phủ xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết 94, trong khi đến tháng 6/2023, Nghị quyết mới hết hiệu lực. Qua chọn mẫu kiểm toán, có 3/7 địa phương có số nợ thuế được khoanh vượt số nợ thuế dự kiến.

Chọn mẫu danh sách NNT được khoanh, xóa nợ đến ngày 31/12/2021 của 7 cục thuế để đối chiếu, KTNN chỉ ra, có trường hợp các chi nhánh ở tình trạng “không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh” trong khi công ty của các chi nhánh này thuộc tình trạng “đang hoạt động” hoặc “tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn” tại website tracuunnt.gdt.gov.vn nhưng được khoanh, xóa nợ tiền thuế là chưa phù hợp quy định của Luật Quản lý thuế năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2020). Bên cạnh đó, có tình trạng NNT “ngừng hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký” có ngày thay đổi thông tin trên website tracuunnt.gdt.gov.vn của Tổng cục Thuế phát sinh sau ngày các chi nhánh được khoanh nợ thuế, xóa nợ tiền chậm nộp.

KTNN cũng phát hiện tình trạng tại website tracuunnt.gdt.gov.vn của Tổng cục Thuế, NNT thuộc diện “ngừng hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký” nhưng tại website: https://dichvuthongtin.dkkd.go... của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì NNT đang có trạng thái “đang hoạt động”. Nguyên nhân của tình trạng này, theo giải thích của Tổng cục Thuế, là do cơ quan kế hoạch và đầu tư chưa cập nhật đúng trạng thái của NNT trên cơ sở hồ sơ cơ quan thuế gửi sang.

Tại cơ quan hải quan, qua rà soát danh sách khoanh nợ tiền thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp do Tổng cục Hải quan cung cấp cho thấy, có 4 trường hợp được khoanh nợ thuế, 1 trường hợp xóa tiền phạt, tiền chậm nộp không thuộc các trường hợp được khoanh nợ, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo quy định của Nghị quyết 94; có 24 NNT có số nợ được khoanh 9,7 tỷ đồng nhưng không có thông tin nợ thuế tại sổ nợ thuế chuyên thu/tạm thu ngày 31/12/2021 của Cục Hải quan địa phương.

Ngoài ra, 54 NNT có số nợ được khoanh 75,2 tỷ đồng, cao hơn 28,5 tỷ đồng so với số nợ tồn trên sổ nợ của các cơ quan hải quan, trong đó 24 NNT có số nợ thuế khoanh bao gồm cả nợ tiền chậm nộp và tiền phạt chậm nộp với số nợ là 4,76 tỷ đồng không phù hợp quy định tại Nghị quyết 94. Đồng thời, có 31 NNT có ngày thay đổi thông tin gần nhất tại website tracuunnt.gdt.gov.vn sau ngày Cục Hải quan ban hành quyết định khoanh nợ với số nợ khoanh 27 tỷ đồng và số nợ xóa 1,7 tỷ đồng; có 25 NNT với số nợ thuế được khoanh thấp hơn 17,7 tỷ đồng so với số nợ thuế trên sổ nợ. Có 23 NNT có tình trạng “ngừng hoạt động và đã đóng MST” nhưng còn phát sinh số nợ theo dõi tại cơ quan hải quan 4,4 tỷ đồng đã được khoanh nợ 4,03 tỷ đồng và xóa nợ 0,199 tỷ đồng khi chưa làm rõ nghĩa vụ của NNT là chưa phù hợp quy định.

Cần có giải pháp hiệu quả

Cập nhật tình hình xử lý nợ theo Nghị quyết 94, Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua cho hay, tính đến hết năm 2022, cơ quan quản lý thuế đã khoanh nợ với 705.475 NNT, với tổng số tiền thuế nợ được khoanh là 29.897 tỷ đồng. Trong đó, có 259.627 tổ chức, doanh nghiệp được khoanh nợ 27.548 tỷ đồng và 445.848 cá nhân, cá nhân kinh doanh, hộ gia đình, hộ kinh doanh được khoanh nợ 2.349 tỷ đồng.

Cơ quan quản lý thuế đã xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với 317.469 NNT là tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, hộ kinh doanh với tổng số tiền là 7.631 tỷ đồng. Trong đó, có 123.224 NNT là tổ chức, doanh nghiệp với số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp được xóa là 7.066 tỷ đồng và 194.245 NNT là cá nhân, cá nhân kinh doanh, hộ gia đình, hộ kinh doanh với số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp được xóa là 565 tỷ đồng. Như vậy, đã có 1.022.944 NNT được khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp với tổng số tiền hơn 37.500 tỷ đồng.

Thảo luận về vấn đề này, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, số tiền khoanh nợ hằng năm đều tăng cho thấy “sức khỏe” của nền kinh tế chưa ổn, nguy cơ tiềm tàng phá sản của các doanh nghiệp lớn và không có khả năng nộp thuế. Các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần lưu ý về nợ thuế, công tác xử lý nợ thuế; rà soát việc khoanh nợ thuế, xóa nợ thuế theo Nghị quyết 94 và có những phân tích, có giải pháp hiệu quả cho nội dung này vì việc xóa nợ thuế sẽ tương ứng làm giảm thu NSNN.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, tại Nghị quyết Phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, hoàn thiện hồ sơ và xem xét xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đến hết ngày 30/6/2023 đảm bảo đúng đối tượng, đúng thẩm quyền; tổng kết thực hiện Nghị quyết 94 và báo cáo Quốc hội khi trình quyết toán NSNN năm 2022. Đồng thời, Quốc hội giao KTNN tập trung kiểm toán hoạt động khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo Nghị quyết 94; báo cáo kết quả trong Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2022./.

Qua kiểm toán chọn mẫu chi nhánh kinh doanh khoanh nợ năm 2021 có số nợ từ 10 triệu đồng trở lên; khoanh năm 2020 có số nợ từ 3 triệu đồng trở lên của TP. Hà Nội cho thấy, cơ quan thuế đã xóa nợ thuế của 12 chi nhánh với số nợ 0,47 tỷ đồng, khoanh nợ thuế năm 2020, 2021 số tiền 27,797 tỷ đồng của 40 NNT đang hoạt động. Kết thúc kiểm toán đến ngày 13/3/2023, TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1482/QĐ-UBND hủy xóa đối với các trường hợp này.

Cùng chuyên mục
Rà soát việc khoanh, xóa nợ thuế, đảm bảo đúng đối tượng