Giao dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2023

(BKTO) - Giao dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế năm 2023; quy định vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm… là những nội dung nổi bật được Chính phủ ban hành trong tuần.

3.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: VGP

Dự toán thu bảo hiểm năm 2023 là 514,361 tỷ đồng

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 807/QĐ-TTg giao dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế năm 2023.

Cụ thể, mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế năm 2023 như sau:

Mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội năm 2023 bằng 1,47% dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội (trừ số chi đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng bảo hiểm xã hội) được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội;

Mức chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp năm 2023 bằng 1,47% dự toán thu, chi bảo hiểm thất nghiệp (trừ số chi đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng bảo hiểm thất nghiệp) được trích từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp;

Mức chi phí quản lý bảo hiểm y tế năm 2023 bằng 3,38% tiền đóng bảo hiểm y tế, được trích từ quỹ bảo hiểm y tế.

Chỉ tiêu dự toán: Thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế năm 2023 là 514.361.909 triệu đồng. Tổng chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế năm 2023 là 379.676.710 triệu đồng.

Quyết định nêu rõ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm Xã hội Công an nhân dân, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động thực hiện rà soát, tiết kiệm, cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa thật sự cần thiết trong phạm vi các nội dung chi phí quản lý được giao để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ…

4.jpg
Ảnh minh họa. Ảnh: Internet

Điều kiện cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp bảo hiểm

Chính phủ ban hành Nghị định số 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Trong đó, Nghị định quy định rõ điều kiện về tài chính để được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam.

Theo quy định, tổ chức góp từ 10% vốn điều lệ trở lên thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện quy định tại các Điều 64, 65, 66 Luật Kinh doanh bảo hiểm và điều kiện về tài chính sau:

Tổ chức góp vốn hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu vốn pháp định hoặc vốn điều lệ tối thiểu hoặc vốn tối thiểu phải đảm bảo vốn chủ sở hữu trừ đi vốn pháp định hoặc vốn điều lệ tối thiểu hoặc vốn tối thiểu lớn hơn hoặc bằng số vốn dự kiến góp;

Trường hợp tổ chức góp vốn là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Chứng khoán thì các tổ chức này phải đảm bảo duy trì và đáp ứng các điều kiện an toàn tài chính và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho phép tham gia góp vốn theo quy định của pháp luật. Trường hợp pháp luật liên quan không yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản chấp thuận thì tổ chức góp vốn phải có văn bản xác nhận việc này;

Trường hợp tổ chức góp vốn là doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài thì phải đảm bảo duy trì và đáp ứng các điều kiện an toàn tài chính và được cơ quan có thẩm quyền của nước nơi các tổ chức này đóng trụ sở chính cho phép thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm tại Việt Nam. Trường hợp quy định của nước nơi tổ chức này đóng trụ sở chính không có yêu cầu phải có văn bản chấp thuận thì phải có văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật nước đó;

Có báo cáo tài chính 3 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động được kiểm toán với ý kiến chấp nhận toàn phần.

Nghị định số 46/2023/NĐ-CP cũng nêu rõ, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài khi thành lập chi nhánh tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 67 Luật Kinh doanh bảo hiểm và điều kiện về tài chính.

Đồng thời, Nghị định cũng quy định các điều kiện phải đáp ứng nếu doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm muốn tăng/giảm vốn điều lệ, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam muốn tăng/giảm vốn được cấp.

5.jpg
Ảnh minh họa. Ảnh: Internet

Vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm

Nghị định số 46/2023/NĐ-CP cũng quy định mức vốn điều lệ tối thiểu và vốn được cấp tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và doanh nghiệp tái bảo hiểm.

Cụ thể, vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ:

1- Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm liên kết đơn vị, bảo hiểm hưu trí) và bảo hiểm sức khỏe: 750 tỷ đồng Việt Nam;

2- Kinh doanh bảo hiểm theo quy định (1) nêu trên và bảo hiểm liên kết đơn vị hoặc bảo hiểm hưu trí: 1.000 tỷ đồng Việt Nam;

3- Kinh doanh bảo hiểm theo quy định (1) nêu trên, bảo hiểm liên kết đơn vị và bảo hiểm hưu trí: 1.300 tỷ đồng Việt Nam.

Vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ:

a- Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ (trừ bảo hiểm hàng không, bảo hiểm vệ tinh) và bảo hiểm sức khỏe: 400 tỷ đồng Việt Nam;

b- Kinh doanh bảo hiểm theo quy định (a) nêu trên và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh: 450 tỷ đồng Việt Nam;

c- Kinh doanh bảo hiểm theo quy định (a) nêu trên, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh: 500 tỷ đồng Việt Nam.

Vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe: 400 tỷ đồng Việt Nam.

Nghị định còn quy định: Vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp tái bảo hiểm; vốn được cấp tối thiểu của chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, của chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài./.

Cùng chuyên mục
Giao dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2023