Cụ thể,Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở GDNN thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức học phí của năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021. Đồng thời tiếp tục thực hiện miễn học phí cho các đối tượng theo quy định tại khoản 2 Điều 62 Luật GDNN và thực hiện công khai học phí theo quy định.
Bộ LĐ-TB&XH đề nghị giữ nguyên mức học phí hiện hành trong năm học tới để chia sẻ, hỗ trợ cho người học và gia đình |
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, việc giữ ổn định mức học phí nhằm chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, học sinh, người dân do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đồng thời để giữ ổn định trong khi chờ Nghị định thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 được ban hành.
Trước đó, để chia sẻ khó khăn với học sinh trường nghề, Tổng cục GDNN cũng đã tham mưu với Bộ LĐ-TB&XH trình Thủ tướng nhiều giải pháp thiết thực để hỗ trợ học sinh sinh viên trường nghề. Trong đó có phương án hỗ trợ 2 triệu đồng/học sinh sinh viên các cơ sở GDNN tại 26 tỉnh, thành có dịch phải thực hiện giãn cách xã hội để giúp các em trang trải chi phí học tập.
Kết quả tuyển sinh trung cấp, cao đẳng, tính đến tháng 5/2021 đạt 29.369 người, bằng 5% kế hoạch năm 2021 và bằng 120% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó: cao đẳng 11.213 người, trung cấp 18.156 người. Một số ngành, nghề có kết quả tuyển sinh tốt như: máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, du lịch… |
Theo Tổng cục GDNN, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này với những diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động của lĩnh vực GDNN. Một số địa điểm của 26 tỉnh, thành phố trên cả nước có dịch đã phải thực hiện giãn cách xã hội. Các hoạt động kinh tế theo đó bị đình trệ dẫn đến tình hình kinh tế của gia đình học sinh viên bị ảnh hưởng. Các em gặp rất nhiều khó khăn trong việc trang trải chi phí học tập, sinh hoạt khi trở lại trường.
Cùng với đề xuất Bộ LĐ - TB&XH chỉ đạo các đơn vị không tăng học phí, trước tác động to lớn của dịch bệnh đến toàn xã hội, Tổng cục GDNN đã nhanh chóng tổ chức triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo tại các địa phương, hỗ trợ kinh phí đào tạo cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tổng cục GDNN cũng đã đề xuất sử dụng nguồn kinh phí từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp nhằm hỗ trợ cho các đối tượng tham gia các khóa đào tạo nghề để chuyển nghề, chống thất nghiệp. Trước mắt tập trung thực hiện đối với một số ngành nghề sử dụng nhiều lao động và bị tác động nặng nề do dịch bệnh (dệt may, da giày, lắp ráp, chế biến) theo hướng giảm điều kiện hỗ trợ.