Để người dân thấy được lợi ích thiết thực của nông thôn mới

(BKTO) - Qua 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, diện mạo nông thôn, đặc biệt là đời sống của người dân nơi đây đã có sự chuyển biến rõ nét.

dsc_5785.jpg
Đổi thay trên mảnh đất Tân Thới - xã đạt chuẩn NTM nâng cao của huyện Phong Điền. Ảnh: N.Lộc

Không chỉ nâng lên về nhận thức, người dân ngày càng ý thức về việc tìm cơ hội làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, nơi người dân chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp... 

Diện mạo nông thôn mới…

Những con đường đổ bê tông được mở rộng, trải dài đến tận thôn, xóm; những ngôi nhà kiên cố thay thế cho nhà mái lá; cùng hệ thống kênh tưới tiêu, trường học ngày càng đầy đủ, khang trang... 

Đó là những hình ảnh dễ thấy khi đến xã NTM Tân Thới (huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ). Cùng với đó, không khí đổi mới, phấn khởi trong lao động lan tỏa tại vùng quê miền Tây từng có nhiều khó khăn này. 

Sự đổi thay ấy là minh chứng rất rõ cho những hiệu quả mà Chương trình xây dựng NTM mang lại trên địa bàn xã Tân Thới. Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao, xã Tân Thới đã có kế hoạch nâng cấp các tiêu chí theo hướng NTM kiểu mẫu; quan tâm công tác nâng cao thu nhập, giảm nghèo…, nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện.

Một trong những bài học được rút ra từ thành công trong xây dựng NTM được Chủ tịch UBND xã Tân Thới Nguyễn Thanh Vũ cho biết, đó là khi triển khai Chương trình, xã xác định lấy người dân làm trung tâm trước khi đưa ra quyết định, cũng như triển khai thực hiện chính sách.

Từ đó tạo ra sức lan tỏa và mang lại hiệu quả thiết thực trên nhiều mặt; đồng thời khẳng định mục tiêu xây dựng NTM kiểu mẫu của xã chỉ thành công, khi có sự chung sức, cùng vào cuộc của người dân…

img_20191202_120409.jpg
Cơ giới hóa nông nghiệp là một trong những kết quả quan trọng được mang lại từ Chương trình xây dựng NTM.
Ảnh: N.Lộc

Xã Tân Thới là một trong hơn 1,3 nghìn xã đạt chuẩn NTM nâng cao, sau 03 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.

Theo Chánh văn phòng Điều phối NTM Trung ương Ngô Trường Sơn, cả nước hiện có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn NTM, trong đó, có 1.331 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 176 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Đằng sau những con số thống kê ấn tượng đó, theo ông Ngô Trường Sơn, người dân đã thấy được lợi ích thiết thực từ xây dựng NTM khi có đường giao thông khang trang; có nước sạch để dùng, các dịch vụ y tế ngày càng được cải thiện; nông nghiệp được cơ giới hóa, người dân được tập huấn và hỗ trợ phát triển kinh tế, giúp thoát nghèo…

Theo đó, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và nguồn lực đầu tư từ ngân sách trong những năm đầu triển khai Chương trình, song các địa phương vẫn duy trì và tăng cường đầu tư các nguồn lực, nâng cấp, xây mới, phát triển các hạng mục hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn.

Trong đó, các chỉ tiêu quan trọng đều cơ bản là đạt và theo đúng kế hoạch đề ra, như: 81,6% số xã đạt tiêu chí Giao thông; 97,2% số xã đạt tiêu chí Thủy lợi và phòng, chống thiên tai; 94,6% số xã đạt tiêu chí Điện; 83,1% số xã đạt tiêu chí Trường học... 

Tính đến tháng 6/2023, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2023 khoảng 1,75 triệu tỷ đồng, trong đó, vốn tín dụng chiếm khoảng 74,1%, vốn doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế khoảng 4%, người dân đóng góp tự nguyện khoảng 2,8%...

Cùng người dân tạo sinh kế, làm giàu tại chỗ

Một trong những dấu ấn nổi bật qua việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM, đó là người dân đã từng bước thay đổi nhận thức, suy nghĩ về việc phát triển kinh tế nông thôn.

Trong đó, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là minh chứng cho tinh thần nhập cuộc quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, với sự hỗ trợ của các nguồn lực từ Chương trình NTM. 

“Chương trình OCOP được triển khai mạnh mẽ, giúp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, giải quyết bài toán kinh tế nông thôn; cũng như là giải pháp hiệu quả để thích ứng với biến đổi khí hậu” - ông Sơn cho biết.

dsc_5693.jpg
Thành công trong xây dựng NTM, xã Tân Thới đã khơi dậy sự vào cuộc của người dân để biến vườn tạp thành đất trồng hoa, các loại cây có giá trị cao khác. Ảnh: N.Lộc

Xác định địa bàn xã với nông nghiệp là chủ đạo, bà Hồ Thị Phương - nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Thới, người từng gắn bó với địa bàn trong thời gian triển khai xây dựng NTM cho biết, xã đã tập trung hỗ trợ người dân phát triển kinh tế từ nông nghiệp, thông qua việc chuyển đổi vườn tạp, diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa hoặc các loại cây có giá trị kinh tế cao.

Điển hình như mô hình trồng sầu riêng, đang mang lại hàng tỷ đồng mỗi năm cho nhà vườn, cũng như giúp tăng thu nhập cho người lao động trên địa bàn.

“Sầu riêng của xã đã được thành phố hỗ trợ làm mã truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Đây là nền tảng để thương hiệu sầu riêng Tân Thới mở rộng thị trường, hướng đến xuất khẩu” - bà Phương chia sẻ; đồng thời khẳng định Chương trình OCOP là hướng đi đúng đắn. 

Đánh giá về Chương trình OCOP, Cục trưởng Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh cho biết, chương trình rất phù hợp để phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên của các địa phương; từ đó mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, giúp người dân thấy được lợi ích thiết thực trong xây dựng NTM.

      Đến nay, cả nước đã đánh giá, phân hạng được 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 66,9% sản phẩm 3 sao; 32,2% sản phẩm 4 sao; 0,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao. Đã có 5.069 chủ thể OCOP, trong đó có 38,5% là hợp tác xã, 24,4% là doanh nghiệp, 34,1% là cơ sở sản xuất, còn lại là tổ hợp tác.

 Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương Ngô Trường Sơn 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá, Chương trình OCOP đã mang đến thay đổi lớn, giúp tạo dựng sinh kế cho người dân, do đó, dù khó khăn đến mấy cũng cần phải cố gắng làm tốt.

Để thực hiện điều này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị cần tiếp tục phát triển Chương trình OCOP, gắn hiệu quả Chương trình với đời sống của người dân trong vùng; đồng thời mỗi tỉnh nên có trung tâm xúc tiến thương mại, đầu tư với chức năng tập huấn cho người dân khởi nghiệp nông nghiệp để có thêm nhiều sản phẩm độc đáo theo đúng tinh thần của Chương trình: mỗi xã một sản phẩm. 

Cùng chuyên mục
Để người dân thấy được lợi ích thiết thực của nông thôn mới