Để trái phiếu doanh nghiệp không trở thành “trái đắng” khi đáo hạn

(BKTO) - Quý I/2024, phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ giảm khoảng 50% so với cùng kỳ, trong khi áp lực huy động vốn để trả nợ trái phiếu đến hạn tăng lên. Áp lực đáo hạn trái phiếu đang “đè nặng” nhiều doanh nghiệp. Không chỉ thông báo trả chậm gốc và lãi trái phiếu, hàng loạt doanh nghiệp phát hành còn thay đổi cả điều khoản, điều kiện trái phiếu theo hướng bất lợi cho trái chủ…

28..jpg
3 tháng đầu năm nay, phát hành TPDN riêng lẻ giảm khoảng 50% so với cùng kỳ. Ảnh minh họa

Khoảng 35.800 tỷ đồng trái phiếu bất động sản khó khăn trong thanh toán

Tháng 3/2024, có gần chục doanh nghiệp thông báo chậm thanh toán nghĩa vụ trái phiếu, gồm: Công ty TNHH MTV Mirae Asset (Việt Nam), Tập đoàn Novaland, Công ty cổ phần Neo Floor, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển du lịch Phú Quốc, Công ty cổ phần Thương mại đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Unity… Trước đó, tháng 01/2024, có 7 doanh nghiệp công bố chậm trả gốc, lãi trái phiếu với tổng trị giá gần 8.500 tỷ đồng. Tháng 02/2024, cũng có 7 doanh nghiệp công bố chậm trả gốc, lãi trong tháng với tổng giá trị khoảng 6.213 tỷ đồng (gồm lãi và dư nợ còn lại của trái phiếu), chưa kể các mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả gốc, lãi hoặc thời gian mua lại trái phiếu trước hạn.

Không chỉ thông báo chậm trả gốc, lãi trái phiếu, từ đầu năm đến nay, hàng loạt doanh nghiệp cũng thông báo thay đổi điều kiện, điều khoản trái phiếu với nhiều điều khoản bất lợi cho trái chủ. Đơn cử, Công ty TNHH MTV Mirae Asset (Việt Nam) thay đổi điều kiện, điều khoản theo hướng: Tổ chức phát hành có thể ngưng trả lãi hoặc miễn trả lãi (quy định trước đó là chuyển lãi lũy kế sang năm tài chính tiếp theo) nếu kết quả kinh doanh thua lỗ. Ngoài ra, Công ty có quyền gia hạn trái phiếu mà không cần xin ý kiến trái chủ (thay vì phải nhận được sự chấp thuận của trái chủ).

Hiện nay, áp lực đáo hạn trái phiếu của doanh nghiệp BĐS, xây dựng là rất lớn. Chỉ khi tháo gỡ được pháp lý và khó khăn trong tiếp cận vốn, phát hành TPDN, thị trường BĐS mới phục hồi.

Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp

Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, trong 3 tháng đầu năm nay, phát hành TPDN riêng lẻ giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi áp lực huy động vốn để trả nợ trái phiếu đến hạn tăng lên. Nếu trừ đi số lượng trái phiếu mua lại trước hạn quý I/2024 thì lượng TPDN đáo hạn trong 3 quý còn lại lên tới hơn 211.000 tỷ đồng. Áp lực đáo hạn trái phiếu đang “đè nặng” buộc nhiều doanh nghiệp phát hành phải giãn, hoãn nợ, thay đổi điều khoản trả nợ trái phiếu.

Bộ Tài chính cho hay, khối lượng đáo hạn TPDN năm 2024 có giảm so với năm 2023 nhưng vẫn ở mức cao, trong đó tập trung vào các ngành rủi ro thanh toán như: Bất động sản (BĐS), năng lượng tái tạo. Tính đến cuối năm 2023, dư nợ TPDN khoảng 1 triệu tỷ đồng do 432 doanh nghiệp phát hành. Trong đó, tổng giá trị trái phiếu đáo hạn trong năm 2024 là 240.100 tỷ đồng, thấp hơn khối lượng đáo hạn năm 2023 là 261.600 tỷ đồng. Riêng trái phiếu của các doanh nghiệp BĐS là 351.400 tỷ đồng (chiếm 34,8% tổng dư nợ) do 182 doanh nghiệp BĐS phát hành; trong đó, nhà đầu tư tổ chức nắm giữ 58,6%, nhà đầu tư cá nhân nắm giữ 41,4%. Trong số này, trái phiếu có bảo đảm khoảng 285.200 tỷ đồng (81,2%), trái phiếu không có bảo đảm khoảng 66.200 tỷ đồng (18,8%). Đáng nói, trong số trái phiếu không có bảo đảm thì nhà đầu tư cá nhân nắm giữ khoảng 74,7%.

Khối lượng TPDN BĐS đáo hạn trong năm 2024 là 99.600 tỷ đồng do 92 tổ chức phát hành. Trong đó, trái phiếu có bảo đảm khoảng 91.800 tỷ đồng (92,2%). Dựa theo tình hình tài chính của các doanh nghiệp BĐS, Bộ Tài chính dự kiến có khoảng 35.800 tỷ đồng (chiếm 35,9% khối lượng trái phiếu đáo hạn của các doanh nghiệp BĐS) có khó khăn trong thanh toán nợ TPDN. “Thị trường BĐS vẫn còn khó khăn, doanh nghiệp BĐS có dòng tiền yếu, tỷ lệ vay nợ cao và nguồn tiền mặt để trả nợ rất hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, các doanh nghiệp BĐS cần được tiếp tục theo dõi chặt chẽ về khả năng thanh toán nợ trái phiếu” - Báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ.

Giải pháp nào tháo gỡ?

Chuyên gia phân tích Công ty WiGroup cho rằng, tình trạng chậm trả nợ trái phiếu của các doanh nghiệp BĐS thực sự là một vấn đề đáng quan ngại. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, mà còn có thể ảnh hưởng dây chuyền, làm mất lòng tin của nhà đầu tư. Điều này cũng có thể dẫn đến việc siết chặt tín dụng, làm cho việc tiếp cận nguồn vốn trở nên khó khăn hơn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp, hiện nay, áp lực đáo hạn trái phiếu của doanh nghiệp BĐS, xây dựng là rất lớn. Chỉ khi tháo gỡ được pháp lý và khó khăn trong tiếp cận vốn, phát hành TPDN, thị trường BĐS mới phục hồi. Hiện nay, trái phiếu là 1 trong 4 nguồn vốn quan trọng nhất của doanh nghiệp BĐS cùng với tín dụng ngân hàng, nguồn vốn huy động từ nhà đầu tư và vốn chủ sở hữu. Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Fiin Ratings Nguyễn Quang Thuân nhấn mạnh, sự phục hồi của trái phiếu BĐS phụ thuộc phần lớn vào việc tháo gỡ pháp lý các dự án, để các dự án này có thể tiếp cận được vốn, triển khai và mở bán. Ngoài ra, cần có giải pháp đột phá để khơi thông cơ sở nhà đầu tư tổ chức và đẩy mạnh kênh phát hành trái phiếu ra công chúng.

Sự phục hồi của trái phiếu BĐS phụ thuộc phần lớn vào việc tháo gỡ pháp lý các dự án, để các dự án này có thể tiếp cận được vốn, triển khai và mở bán. Ngoài ra, cần có giải pháp đột phá để khơi thông cơ sở nhà đầu tư tổ chức và đẩy mạnh kênh phát hành trái phiếu ra công chúng.

Tổng Giám đốc Fiin Ratings Nguyễn Quang Thuân

Giới chuyên gia khuyến nghị, giải pháp gỡ khó dòng tiền của các doanh nghiệp hiện nay chính là việc nhanh chóng tháo gỡ pháp lý để có thể đưa sản phẩm ra bán, xử lý hàng tồn kho và thu tiền về. Với riêng nhóm doanh nghiệp BĐS, việc thị trường chứng khoán khởi sắc sẽ tạo cơ hội tốt để nhóm doanh nghiệp niêm yết thuộc ngành này phát hành cổ phiếu tăng vốn. Một yếu tố nữa được kỳ vọng sẽ hỗ trợ thị trường trái phiếu là lãi suất. Lãi suất tiết kiệm đã giảm rất mạnh, tạo dư địa cho lãi suất vay giảm thêm, doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn tín dụng. Người mua nhà cũng sẽ quay trở lại thị trường. Điều này giúp khả năng trả nợ của nhóm doanh nghiệp BĐS khả quan hơn. Ngoài ra, với việc mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã thấp hơn nhiều so với lãi suất trái phiếu, các chuyên gia kỳ vọng sẽ giúp chuyển dịch dòng tiền đầu tư quay trở lại với kênh trái phiếu trong thời gian tới.

Mới đây, trong báo cáo gửi một số Bộ, ngành về việc lấy ý kiến Báo cáo thị trường TPDN riêng lẻ năm 2023 và 2024, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ. Trong đó, có các giải pháp kịp thời rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý và trong triển khai dự án BĐS cho các địa phương, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có trái phiếu đáo hạn năm 2024, để các doanh nghiệp hoàn thiện dự án, đưa sản phẩm ra thị trường, khôi phục dòng tiền, qua đó góp phần ổn định thị trường TPDN cũng như tín dụng ngân hàng./.

Cùng chuyên mục
Để trái phiếu doanh nghiệp không trở thành “trái đắng” khi đáo hạn