Đề xuất đầu tư trước 02 đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

(BKTO) - Trong 9 tuyến được đề xuất ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2030, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với 2 đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP.HCM, sẽ ưu tiên làm trước.



                
   

Đường sắt tốc độ cao là động lực lan tỏa và phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội - Ảnh minh họa: TTXVN

   

Hiện nay, sự mất cân đối của hệ thống giao thông vận tải (GTVT) làm phát sinh các hệ lụy đối với nền kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng hóa và nền kinh tế.

Thực hiện chủ trương “ưu tiên đầu tư đường sắt”, Bộ GTVT Việt Nam đang nghiên cứu đề xuất đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao chạy trên trục Bắc - Nam (chiều dài khoảng 1.559 km) mang tính xương sống giữ vai trò chủ đạo là động lực lan tỏa và phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội.

Tại Dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT) đề xuất, giai đoạn 2021-2030 ưu tiên thực hiện đầu tư 9 tuyến đường sắt mới với chiều dài 2.368 km.

Trong đó, ưu tiên hàng đầu là 02 đoạn thuộc tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam: Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP. HCM, có chiều dài khoảng 651 km, với tổng nhu cầu vốn của dự án cho giai đoạn này là 112.325 tỷ đồng; từ 2030-2050 thực hiện đầu tư đoạn Vinh - Nha Trang.

Nhằm trao đổi về những nội dung mà các nhà thầu chưa rõ, cũng như tăng cường tính công khai, minh bạch và cạnh tranh trong đấu thầu, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tiền đấu thầu gói thầu “Tư vấn thẩm tra đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam”.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ và phản hồi về những câu hỏi liên quan tới đấu thầu và các điều khoản tham chiếu đối với gói thầu này của các nhà tư vấn, nhà thầu.

Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho biết, theo các quy định hiện hành, Bộ KH&ĐT tiếp tục làm rõ các thủ tục và chỉnh sửa hồ sơ mời thầu đối với những nội dung cần chỉnh sửa và sẽ tiếp tục gửi trên mạng internet theo đúng địa chỉ đăng tải hồ sơ mời thầu. Do vậy, Bộ đề nghị các công ty tư vấn, các nhà thầu tiềm năng theo dõi và cập nhật thường xuyên.
         
Dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, đặt mục tiêu đến năm 2030, vận tải hàng hóa đạt 11,8 triệu tấn, chiếm thị phần khoảng 0,3%; vận tải hành khách đạt 460 triệu khách, chiếm thị phần 1,08%. Để đạt mục tiêu này, mạng lưới đường sắt quốc gia thời kỳ 2021-2030 được quy hoạch theo 16 tuyến với chiều dài 4.746,4 km. Cụ thể, có 7 tuyến chính hiện hữu với chiều dài 2.378,4 km và quy hoạch để chuẩn bị, thực hiện đầu tư 9 tuyến đường sắt mới; trong đó có 2 đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP.HCM thuộc tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam.

LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
Đề xuất đầu tư trước 02 đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam