Đề xuất giải pháp cổ phần hóa DNNN trong chiến lược tái cấu trúc nền kinh tế

(BKTO) - TS. NGUYỄN ĐẠI LAI Chuyên gia tài chính, ngân hàng



Từ 2010 đến nay, tốc độ cổ phần hóa (CPH) DNNN chậm dần, khó dần và đặc biệt là ngày càng vướng phải những khó khăn mới do số DN còn lại đều là những DN thuộc loại “nhạy cảm”, được đóng vai “chủ lực, chủ đạo” và từng được gọi là những “quả đấm thép” của Nhà nước, trực thuộc thẳng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Việc tiến hành CPH các đối tượng này đã vấp phải nhiều thách thức rất lớn, đó là những xung đột lợi ích, những gánh nặng chằng chịt về sở hữu chéo với ngân hàng, với tư nhân, với nước ngoài và với DNNN khác không cùng nghề... Trong khi đó, những lối thoát cho các phương án tiền và hậu CPH vẫn rất tù mù.

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương công bố tại Hội thảo khoa học ngày 27/5/2016, tổng số vốn bằng tiền và giá trị tài sản của Nhà nước đang nằm tại các DN mà Nhà nước có sở hữu từ 50% đến 100% vốn điều lệ là 5,4 triệu tỷ đồng, lớn hơn 125% GDP 2016! Trong khi khu vực kinh tế Nhà nước tạo ra không đến 35% GDP bình quân 5 năm qua.

Theo công bố chính thức của Tổng cục Thống kê, cơ cấu thành phần kinh tế làm ra GDP của Việt Nam năm 2013 là: khu vực tư nhân chiếm 48,2%; khu vực nhà nước chiếm 32,2% ; khu vực FDI chiếm 19,6%. Cơ cấu này đến nay vẫn cơ bản không thay đổi đáng kể.
Để có thể tiếp tục thực hiện CPH các “quả đấm thép” của Nhà nước, tôi xin đề xuất ý tưởng và các giải pháp cơ bản sau đây:

Về tư duy chiến lược

Nhà nước phải khẳng định thái độ dứt khoát rằng: CPH DNNN tức là Nhà nước bán DNNN cho các cổ đông, thu tiền về, trả cho các đối tượng đã làm nên tổng giá trị DNNN cho đến ngày bán. Trong đó, phần của Nhà nước sẽ thu về nhập vào NSNN để làm nguồn mồi kích thích các thành phần kinh tế phi nhà nước phát triển theo cơ chế thị trường hoàn hảo, phù hợp với chiến lược tái cấu trúc nền kinh tế quốc gia; chi hỗ trợ cho đào tạo phát triển nhân tài; gia tăng các chi tiêu cho phúc lợi và an sinh xã hội; nhập vào NSNN nuôi bộ máy công chức và lực lượng vũ trang, an ninh gọn nhẹ, chuyên nghiệp từ trung ương đến địa phương; thực tế nhất là để giảm nghĩa vụ đóng thuế của người dân cho NSNN... Cần chấm dứt tình trạng CPH xong nhưng người của Nhà nước vẫn nằm tại DN hậu CPH với mục đích trông coi tiền nhà nước.

Về quan điểm hành động

CPH DNNN là để từng bước chuyển từ Nhà nước kinh doanh sang Nhà nước quản lý, cầm cân nảy mực, “mặc áo trọng tài trên sân cỏ”, “bật đèn xanh” cho các hoạt động phát triển kinh tế sáng tạo, bền vững, thống nhất, minh bạch và văn minh, hiện đại theo thời cuộc. Chuyển từ Nhà nước tự tạo doanh thu một cách độc tài, không hiệu quả sang Nhà nước căn bản không kinh doanh, có chăng là chỉ đứng ra thuê đơn vị kinh doanh trong một số lĩnh vực cần thiết nhưng khó sinh lời, như: vệ sinh môi trường, đào tạo người khuyết tật, phục hồi nhân phẩm... Theo đó Nhà nước cũng không cần phải cử người đại diện vốn nhà nước hay tham gia bầu và ứng cử vào HĐQT tại các đại hội ở những DN hậu CPH mà Nhà nước chưa thoái hết vốn.

Thay vào đó, Nhà nước có thể và nên thành lập mới một tổng cục quản lý vốn nhà nước tại các DN, đặt tổng hành dinh trong Bộ Kế hoạch và Đầu tư để làm chức năng quản lý, giám sát và theo dõi việc sử dụng vốn và việc thu của ngành thuế từ các nguồn vốn nhà nước còn nằm tại DN hậu CPH. Cụ thể là, Nhà nước chỉ thu vào NSNN từ thuế, từ giá trị cho thuê quyền sử dụng đất công của toàn dân, từ lợi tức ưu đãi trên số vốn cổ phần ưu đãi bằng tiền của công còn nằm tại DN theo Luật Đầu tư, từ lợi tức thu về nhờ các quỹ đầu tư khởi nghiệp hay quỹ đầu tư mạo hiểm bằng nguồn NSNN và từ một số dịch vụ hành chính công.

Trong cấu trúc mới về kinh tế - chính trị - xã hội, Nhà nước phải là Nhà nước của dân, do dân bầu, do dân nuôi và phục vụ nhân dân như đã ghi trong Hiến pháp... Mọi tài sản của Nhà nước và của công đều là tài sản của nhân dân một cách có địa chỉ và có tổ chức. Với quan điểm đó, Nhà nước cần phải sớm xây dựng và ban hành Luật CPH DNNN để tạo lối ra cho quá trình CPH bằng cách luật pháp hóa những tư duy chiến lược và quan điểm hành động như Hiến pháp.

Về phương thức CPH các DNNN còn lại cũng như quá trình thoái vốn nhà nước khỏi các DN hậu CPH

Trong lúc chưa có Luật CPH thì quá trình CPH vẫn phải tiến hành theo ý tưởng chiến lược thông qua một nghị quyết của Quốc hội về CPH DNNN mà sau này luật sẽ thể chế hóa. Nội dung chính của phương thức CPH cũng như thoái vốn nhà nước nên tiến hành theo quan điểm và các giải pháp cụ thể sau đây:

Một là, nhất thiết phải tái cấu trúc, làm sạch, làm rõ giá trị ròng có phân biệt theo các hình thức và nơi tồn tại tài sản của DNNN, làm rõ phương án trả nợ và tận thu trước khi công bố tổng số cổ phiếu được phép phát hành trên sàn chứng khoán.

Hai là, phải lập được công thức phân chia một tỷ lệ cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi cho các thế hệ người lao động có các bội số 5 năm làm việc tại DNNN đó. Tỷ lệ cổ phần này không nên thấp hơn 25% và không quá 35% tổng cổ phần được phép để chia cho tổng suất 5 năm làm việc của người lao động từng làm việc trong DN. Số cổ phần còn lại sẽ bán trên thị trường tài chính, thu tiền về để Nhà nước dùng vào 3 việc:
Dành một tỷ lệ từ 15 đến 20% hỗ trợ cho DN đó tái cấu trúc sản xuất, kinh doanh theo hướng chiến lược của Nhà nước;
Dành một tỷ lệ nhỏ hơn, từ 10 đến 15% trợ giúp số cán bộ, nhân viên hiện hữu được đào tạo lại nhằm ổn định công việc ở DN hậu CPH hoặc tự nguyện thuyên chuyển đi tìm việc nơi khác;Phần còn lại chiếm 65 đến 75% sẽ chuyển về nhập vào NSNN, chi theo Luật NSNN.

Ba là, nếu cổ phần không bán hết thì tổng mệnh giá còn lại chính là vốn góp của Nhà nước vẫn còn tại DN hậu CPH. Số cổ phần này phải chuyển thành cổ phần ưu đãi để Nhà nước hưởng cổ tức cố định mà không cần cử người đại diện nằm tại DN hậu CPH đó nữa. Cơ quan quản lý vốn nhà nước sẽ theo dõi tất cả vốn nhà nước còn lại ở mọi DN hậu CPH nếu ở đó chưa bán hết cổ phần theo Luật. Ngay khi DN làm ăn khấm khá, Nhà nước sẽ thoái dần và nhanh chóng thoái hết vốn đó khỏi DN để rút vốn về NSNN.

Bốn là, đối với những loại DN mà hàng hóa thuộc loại thông thường, không cấm thì không cho phép các đơn vị đặc biệt như công an, quân đội làm kinh doanh, mà cần bán hoặc Nhà nước thu về để thuê thành phần kinh tế phù hợp hoặc sáp nhập với các DN hậu CPH mà Nhà nước chưa thoái hết vốn để Nhà nước hưởng lợi tức ưu đãi. Các lực lượng vũ trang có thể sản xuất vũ khí, phương tiện quân sự chuyên dùng, nhưng nghiêm cấm kinh doanh dưới mọi hình thức.

Năm là, đối với những DNNN đã căn bản phá sản, không có tương lai phát triển, nếu CPH cũng không có người mua… thì cương quyết thanh lý cho phá sản theo luật phá sản.

Về các giải pháp chiến lược cho hậu CPH

Trước hết, cùng với việc khẩn trương xây dựng và ban hành Luật CPH thì Nhà nước phải từng bước nhất thể hóa pháp luật ở mọi ngành, mọi lĩnh vực và thống nhất cho mọi thành phần kinh tế. Luật pháp về kinh tế không phân biệt theo thành phần kinh tế.

Thứ hai, khuyến khích các tổ chức và cá nhân hình thành các quỹ đầu tư khởi nghiệp và quỹ đầu tư mạo hiểm để quỹ và các đối tượng hưởng lợi từ quỹ cùng “chia ngọt sẻ buồn” theo một tỷ lệ lời ăn lỗ chịu công khai trong quy chế hoạt động quỹ.

Thứ ba, mọi quỹ của Nhà nước (từ NSNN) dành cho kích hoạt hay đỡ đầu cho nền kinh tế nên chuyển về các ngân hàng thương mại do Nhà nước chỉ định cho thuê để vận hành quỹ theo quy chế từng loại quỹ, không để rải rác ở các Bộ, ngành, địa phương như hiện nay. Nhà nước ban hành khung quy chế hoạt động cho các quỹ để biến mọi quỹ thành nguồn nội lực nuôi dưỡng nhân tài, kích thích sáng tạo, tài trợ khởi nghiệp có hoàn trả và tạo niềm tin cho DN tiếp cận các nguồn vốn trên thị trường tài chính.

Thứ tư, phát triển các mô hình bảo lãnh, liên kết để tạo vốn và vay vốn. Nhà nước cần xóa dần và xóa triệt để các kênh bao cấp, phải chuyển Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam sang cơ chế hoạt động bảo lãnh hoặc Quỹ đầu tư khởi nghiệp và Quỹ mạo hiểm theo quy chế quỹ nhằm xóa triệt để cơ chế xin - cho trong nền kinh tế. Không trộn lẫn chính sách an sinh xã hội thuộc trách nhiệm của NSNN và cộng đồng với cơ chế thị trường.

Thứ năm, Nhà nước cần sửa Luật Đầu tư nước ngoài 1988 theo hướng bắt buộc sử dụng công nghệ tiên tiến, phải chuyển giao công nghệ, hình thành chuỗi giá trị gia tăng liên thông nội - ngoại; xóa bỏ các khu FDI “kín cổng cao tường thuần ngoại”; khẳng định chủ quyền dân tộc về pháp luật, đất đai, tiền tệ và chọn lọc đối tác FDI phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam theo hướng phát huy lợi thế, mũi nhọn đầu tư, công nghệ hiện đại, bền vững, tránh trốn lậu thuế, tránh tạo bãi thải công nghiệp vượt chỉ giới khoa học cho phép trên đất Việt Nam...

Tóm lại, thời gian đổi mới cấu trúc kinh tế của nước ta đã khá dài và rất gian truân. Bài học kinh nghiệm từ bên trong, bên ngoài đã khá dày đặc và cũng đã phải trả giá nhiều cho những đổi mới theo hướng đẩy lùi cơ chế bao cấp để bước vào cơ chế thị trường. Tuy nhiên, so với các quốc gia cùng điều kiện sau chiến tranh để tiến vào xây dựng nền kinh tế thị trường thì Việt Nam đang tiến quá chậm (nhất là so với Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia).

Nền kinh tế nước ta đã căn bản chia thành 3 nền kinh tế độc lập và kìm hãm lẫn nhau, thậm chí mọc rễ, đan xen sở hữu lẫn nhau để tuồn và hút nội lực của nhau, nhưng ít tạo ra giá trị mới gia tăng. Điều này khiến cho nền kinh tế tuy không còn “tem phiếu” nhưng lại tồn tại những vị thế ưu ái rất khác nhau giữa các thành phần kinh tế. Kinh tế nhà nước, tư nhân, FDI trên cùng một thị trường nên kìm hãm nhau, tạo thành một nền kinh tế căn bản bán hàng thô - mua hàng tinh - lắp ráp - ô nhiễm và lạc hậu…

Từ những thực trạng đó, những đề xuất nói trên rất cần được các nhà lãnh đạo chỉ đạo hoàn thiện, nhanh chóng CPH DNNN và tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam đi vào một thị trường hoàn hảo, chỉ còn cạnh tranh bằng chất lượng - thị hiếu và giá cả trong nền kinh tế mở cửa, tự chủ và cùng có lợi.
Cùng chuyên mục
Đề xuất giải pháp cổ phần hóa DNNN trong chiến lược tái cấu trúc nền kinh tế