Để xuất khẩu tiếp tục là “cứu cánh” cho nền kinh tế

HỒNG NHUNG (thực hiện) | 04/01/2024 06:10

(BKTO) - Trả lời phỏng vấn Báo Kiểm toán, TS. Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho rằng, thành tựu xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023 là một kỳ tích, một “cứu cánh”. Năm 2024, chúng ta có rất nhiều tiềm năng và khả năng để có thể giữ được tốc độ xuất khẩu như năm 2022, 2023 nhưng đòi hỏi phải làm rất nhiều việc trong nội địa...

a-kien.jpg
TS. Nguyễn Đức Kiên

Thưa ông, năm 2023 vừa khép lại. Nhìn lại một năm đã qua, theo ông, đâu là “điểm sáng” của nền kinh tế Việt Nam trong năm qua?

Có thể nói, “điểm sáng” của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 là chúng ta vẫn tăng trưởng. Trong bối cảnh quốc tế có rất nhiều thay đổi và biến động khó lường, so với tốc độ tăng trưởng của một số nước trong khu vực và trên thế giới, thì Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định kinh tế - xã hội để tạo đà cho năm 2024 và năm 2025. Tạo đà ở đây là các hoạt động về ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế đã tạo ra một không gian kinh tế cho các ngành kinh tế hoạt động.

Đơn cử, tháng 9/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh thương mại - đầu tư Trung Quốc - ASEAN. Theo đó, Trung Quốc cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Hay, tháng 12/2023, tại Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ tư, Thủ tướng đã đề xuất kết nối đường sắt liên vận. Điều này tạo ra một không gian mới, bởi hiện nay, chúng ta còn đang thảo luận tốc độ cho đường sắt tốc độ cao là 220km/h hay 350km/h, nhưng nếu kết nối với Lan Thương để đi châu Âu thì chỉ có 220km/h. Riêng thực hiện một cam kết như đề xuất của Thủ tướng thì bài toán về chủ trương đầu tư rất rõ. Như vậy, chúng ta có thể bắt tay thiết kế, đàm phán mua công nghệ, đấu thầu xây dựng và cuối năm 2025 có thể thi công phần nền. Đây chính là đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, 1 đồng đầu tư công thu hút được 5-7 đồng đầu tư tư.

Ngoài ra, chúng ta còn không gian về xuất khẩu. Hàng hóa nông sản của Việt Nam xuất khẩu đi các nước rất tốt. Tại sao chúng ta cứ nghĩ phải xuất khẩu sang thị trường châu Âu xa xôi có 400 triệu dân, trong khi thị trường Trung Quốc ngay bên cạnh với 1,4 tỷ dân thì chúng ta không làm. Chưa kể, Trung Quốc mở cửa, tiêu chuẩn hàng hóa đơn giản và gần hơn sao chúng ta không làm.

Ông vừa đề cập đến vấn đề xuất khẩu. Vậy, ông đánh giá ra sao về thành tựu xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023 vừa qua?

Tôi cho rằng, thành tựu xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023 là một kỳ tích bởi thị trường nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đều giảm. Nước Mỹ thì lạm phát lên cao, sức mua tiêu dùng giảm, thị trường EU thì gần như bên bờ vực suy thoái kinh tế nên sức mua đều giảm khoảng 20-25%. Tuy vậy, xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023 vẫn là một “cứu cánh”. Bên cạnh sự nỗ lực của những doanh nghiệp FDI, mảng doanh nghiệp nội địa như: Dệt may, da giầy vẫn tăng trưởng; nông sản, thủy sản tăng trưởng tốt; chỉ có gỗ hơi giảm một chút so với năm 2022.

Đặc biệt, thị trường Hoa Kỳ chính là một thị trường “cứu cánh” cho nền kinh tế Việt Nam trong mấy năm vừa qua. Xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ tăng trưởng rất lớn và rất nhanh với hai con số. Số lượng, mã số hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ là rất lớn, chỉ sau Trung Quốc, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam - Hoa Kỳ đứng thứ hai.

Bên cạnh những “điểm sáng” như ông vừa chia sẻ thì những khó khăn, thách thức mà chúng ta tiếp tục phải giải quyết trong năm 2024 và những năm tiếp theo là gì, thưa ông?

Tôi cho rằng, khó khăn mà chúng ta tiếp tục phải giải quyết trong năm 2024 và những năm tiếp theo chính là tái cơ cấu nền kinh tế. Điều chúng ta hay vấp phải là cứ nghĩ tái cơ cấu là xây lại một mô hình mới, nhưng chúng ta quên mất một điều, chúng ta xây thì bắt đầu phải làm từ móng, muốn làm từ móng thì phải cần thời gian và vật liệu. Mà vật liệu đầu tiên xây dựng nền móng chính là các doanh nghiệp nhà nước thì chúng ta làm không tốt. Chúng ta chưa tận dụng được nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước - nơi đang nắm giữ 3,5 triệu tỷ đồng về tài sản, 1,4 triệu tỷ đồng về vốn. Nếu chúng ta không tận dụng được nguồn lực rất lớn đấy thì nguồn lực này có thể “chết”.

a-kien-1.jpg
Thành tựu xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023 là một kỳ tích. Ảnh: ST

Vậy, ông dự báo như thế nào về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam nói chung và triển vọng xuất khẩu nói riêng trong năm 2024 này?

Tôi cho rằng, năm 2024, nếu các điều kiện đầu vào vẫn như tháng 12/2023, tức là cuộc xung đột Nga - Ukraina chưa có hồi kết, xung đột Israel - Hamas chưa đi đến kết quả, giá dầu trên thế giới tính trung bình cả năm vẫn dao động 70-80 USD/thùng và với chỉ đạo quyết liệt như thời gian vừa qua, chúng ta có thể tăng trưởng GDP trên 5%. Còn nếu chúng ta muốn đạt tốc độ GDP từ 6-6,5%/năm thì phải có hai điều kiện. Thứ nhất, phải tận dụng được tất cả các cơ hội mà chính trị, ngoại giao đã tạo ra cho nền kinh tế, đấy là kinh tế đối ngoại. Thứ hai, phải huy động được tất cả các nguồn lực trong nước thì chúng ta mới đủ vốn để đạt tốc độ phát triển nhanh cho nền kinh tế.

Về triển vọng thị trường xuất khẩu, chúng ta thấy mùa Noel 2023 và Tết Dương lịch 2024 vừa qua, không khí đón Tết của các nước trên thế giới tương đối trầm lắng. Điều này phản ánh sức mua của thị trường sẽ tiếp tục khó khăn. Tuy nhiên, một thị trường rất mới mà lại là cũ của hàng Việt Nam xuất khẩu, đấy là thị trường Trung Quốc, đặc biệt là vùng phía Tây của nước này. Nếu không thay đổi cách nhìn đối với hàng xuất khẩu đi Trung Quốc thì chúng ta sẽ rất khó để tận dụng được thị trường với thu nhập bình quân đầu người trên 10.000 USD/1 người/1 năm này.

Vấn đề ở đây, hàng hóa phải tập trung với khối lượng lớn, tiêu chuẩn chất lượng cao. Đặc biệt, chúng ta phải xây dựng được Bộ tiêu chí hàng xuất khẩu của Việt Nam với một số mặt hàng phải bằng hoặc cao hơn tiêu chí của các nước chúng ta xuất khẩu sang. Ví dụ, Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, chúng ta lại chưa xây dựng được tiêu chuẩn cà phê xuất khẩu của Việt Nam để Hiệp hội Cà phê thế giới chấp nhận. Chúng ta cứ xuất khẩu theo giá thị trường mà chúng ta quên mất một điều, ai chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường thì người đấy quyết định giá của thị trường. Cà phê của Việt Nam chiếm tới 30-40% thị phần của thế giới, tại sao chúng ta không định ra tiêu chí xuất khẩu?

Hay, lần thứ hai Việt Nam có loại gạo ngon nhất thế giới. Có điều, chúng ta lại cãi nhau đó là gạo của Lộc Trời hay của ST. Đấy là biểu hiện của sản xuất nhỏ, manh mún, vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam rất yếu. Vấn đề bây giờ, chúng ta định ra tiêu chuẩn gạo của Việt Nam chưa? Với tiêu chí gạo ngon nhất thế giới thì chúng ta đặt ra tiêu chí gạo xuất khẩu loại 1, loại 2, loại 3 của Việt Nam thế nào, giá bán bao nhiêu? Năm 2024, chúng ta có rất nhiều tiềm năng và khả năng để có thể giữ được tốc độ xuất khẩu như năm 2022, 2023 nhưng đòi hỏi chúng ta phải làm rất nhiều việc trong nội địa. Nếu chúng ta không làm được thì sẽ rất khó.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

Cùng chuyên mục
  • Giữ đà đi lên của nền kinh tế
    4 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Kinh tế vĩ mô ổn định, giải ngân vốn đầu tư công tăng mạnh; xuất khẩu dần phục hồi; thể chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện… được đánh giá là những điểm sáng nổi bật của kinh tế Việt Nam năm 2023. Những yếu tố này cũng là động lực quan trọng, tạo đà cho nền kinh tế tiếp tục phát triển trong năm 2024.
  • Trình tự, thủ tục giám định chất lượng dây chuyền công nghệ trong dự án đầu tư
    4 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định 33/2023/QĐ-TTg quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện giám định chất lượng và giá trị máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ trong dự án đầu tư.
  • Tăng trưởng tín dụng năm 2023 đạt khoảng 13,5%
    4 tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Năm 2023, điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) đã góp phần ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát khoảng 3,2-3,4%. Lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng hơn 2%/năm so với cuối năm 2022. Đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 13,5%.
  • Nền kinh tế Mỹ khởi đầu tốt đẹp trong năm 2024
    4 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Sự gia tăng đáng kể trong chi tiêu tiêu dùng trong kỳ nghỉ lễ, cùng với tăng trưởng thực tế của mức lương trong 9 tháng qua và sự tăng vọt của niềm tin người tiêu dùng đã tạo ra những dấu hiệu tích cực cho sự khởi đầu thuận lợi của nền kinh tế Mỹ trong năm 2024.
  • Năm 2023, Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam nộp ngân sách tăng 41%
    4 tháng trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Năm 2023, Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (TKV) không chỉ hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh mà còn nộp ngân sách kỷ lục, tăng 41%.
Để xuất khẩu tiếp tục là “cứu cánh” cho nền kinh tế