Sáng 14/5, tại Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chính phủ đã trình UBTVQH báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện NSNN năm 2017, tình hình triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2018.
Nội dung đáng chú ý trong báo cáo này là Chính phủ trình UBTVQH xem xét, cho ý kiến để Chính phủ trình Quốc hội cho phép thực hiện phát hành trái phiếu chính phủ nhận nợ với BHXH Việt Nam để chuyển 22.090 tỷ đồng kinh phí từ NSNN vào Quỹ BHXH (năm 2018 là 6.000 tỷ đồng, năm 2019 là 7.000 tỷ đồng, năm 2020 là 9.090 tỷ đồng) đóng BHXH cho người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01/01/1995 theo đúng thời hạn tại Nghị quyết số 1083/2015/UBTVQH ngày 16/12/2015 của UBTVQH.
Báo cáo của Chính phủ khẳng định, việc phát hành trái phiếu chính phủ nhận nợ với BHXH Việt Nam như trên không làm tăng bội chi NSNN năm 2018, ảnh hưởng không lớn đến cân đối NSNN và nợ công giai đoạn 2018-2020 (ngân sách trung ương tăng chi trả nợ lãi trong 2 năm 2019, 2020 khoảng 1,1 nghìn tỷ đồng, nợ công giai đoạn 2018-2020 tăng thêm khoảng 0,4% GDP).
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, về vấn đề này, UBTVQH đã có Nghị quyết số 1083/2015/UBTVQH13 ngày 16/12/2015. Theo đó, Nghị quyết yêu cầu Chính phủ thực hiện việc chuyển kinh phí từ NSNN hằng năm vào Quỹ BHXH để đóng BHXH cho người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01/01/1995 theo quy định của Luật BHXH và hoàn thành vào năm 2020.
Tại Báo cáo số 214/BC-UBTVQH14 ngày 13/11/2017 của UBTVQH về tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018, UBTVQH đã đề nghị Chính phủ chủ động bố trí nguồn hằng năm, thực hiện đúng nội dung trên theo Nghị quyết của UBTVQH.
Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với phương án Chính phủ trình. Theo cơ quan thẩm tra, trước tình hình cân đối NSNN khó khăn trong thời gian khá dài, NSNN chưa bố trí được nguồn để trả nợ Quỹ BHXH, việc phát hành trái phiếu nhận nợ như Chính phủ trình sẽ không ảnh hưởng lớn đến nợ công giai đoạn 2018-2020 và không làm tăng bội chi NSNN năm 2018 nhưng làm minh bạch khoản nợ, góp phần đảm bảo an toàn Quỹ.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị, trong điều hành cân đối NSNN, Chính phủ phải kiên quyết bảo đảm tổng mức vay của NSNN được Quốc hội quyết định trong kế hoạch trung hạn và nợ công trong giới hạn cho phép.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ,Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng nhấn mạnhmột số hạn chế, vướng mắctrong quản lý, sử dụng NSNNkéo dài đến năm 2018. Cụ thể, theo kết quả kiểm toán, số liệu kiểm toán kiến nghị xử lý tăng thu, xuất toán thu hồi và giảm cấp phát do chi sai chế độ còn khá lớn.Năm 2015, KTNN kiến nghị tăng thu NSNN: 10.112 tỷ đồng; các khoản xuất toán và giảm cấp phát do chi sai chế độ: 4.210 tỷ đồng; năm 2016, KTNN kiến nghị tăng thu 19.108 tỷ đồng, giảm chi thường xuyên 8.332 tỷ đồng, giảm chi đầu tư 10.129 tỷ đồng… Một số khoản chuyển nguồn chưa đúng quy định, kéo dài nhiều năm (khoản chuyển nguồn kế hoạch vốn từ năm 2015 trở về trước chưa giải ngân, các khoản chuyển nguồn qua nhiều năm chưa thực hiện chi, chuyển nguồn kinh phí hết nhiệm vụ chi...).Điều này cho thấy kỷ luật NSNN chưa được thực hiện nghiêm và những yếu kém vẫn không được khắc phục trong quản lý tài chính của bộ máy nhà nước.Ủy ban Tài chính - Ngân sáchđề nghị Chính phủ có chế tài mạnh hơn để khắc phục triệt để tình trạng này. |
Đ. KHOA