Quang cảnh Phiên họp -Ảnh: Đ. Khoa
Tham dự Phiên họp có các thành viên trong thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách; đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan... Về phía KTNN, tham dự Phiên họp có Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cùng đại diện lãnh đạo, công chức Vụ Tổng hợp.Theo Báo cáo quyết toán NSNN năm 2016 của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải trình bày, việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp đồng bộ nhằm phấn đấu phục hồi tăng trưởng kinh tế, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị đã góp phần tác động quan trọng đến kết quả thu, chi ngân sách năm 2016.
Chi đầu tư phát triển hợp lý, ưu tiên đối với nông nghiệp, nông thôn, các địa phương miền núi; thực hiện nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội; phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; bổ sung kinh phí quốc phòng an ninh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Công tác quản lý, kiểm soát chi NSNN chặt chẽ theo quy định của Luật NSNN và Nghị quyết của Quốc hội. Các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp điều hành dự toán NSNN có hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí…
Tuy nhiên, Báo cáo của Chính phủ cũng nhìn nhận, công tác quản lý NSNN ở một số đơn vị, địa phương còn một số bất cập, hạn chế, cần tiếp tục có giải pháp khắc phục hiệu quả. Điển hình là tình trạng chi chuyển nguồn tăng so với năm trước; tình trạng chi tiêu sai chế độ, định mức vẫn diễn ra; việc triển khai nhiệm vụ chi ngân sách ở một số Bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn chậm so với quy định…
Qua tổng hợp kết quả kiểm toán niên độ ngân sách năm 2016, báo cáo của KTNN đã làm rõ hơn những hạn chế trong quản lý, sử dụng NSNN. Cụ thể, một số Bộ, ngành, địa phương lập, giao dự toán chưa đúng quy định, chưa bao quát hết nguồn thu; tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí từ đó tính thiếu Thuế Giá trị gia tăng, Thuế Thu nhập DN và lợi nhuận còn lại phải nộp NSNN… vẫn diễn ra khá phổ biến tại các DN, đơn vị được kiểm toán (đặc biệt là DN ngoài quốc doanh, DN có vốn đầu tư nước ngoài); tình trạng nợ đọng thuế có xu hướng gia tăng cao so với năm 2015…
Đối với công tác quản lý chi NSNN, tình trạng lập và giao dự toán đầu tư còn chậm; giao chưa đúng đối tượng hoặc vượt tỷ lệ; phân bổ vốn chưa sát thực tế dẫn đến giải ngân thấp; bố trí vốn khi chưa đủ điều kiện, không có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn, không tuân thủ thứ tự ưu tiên…
Việc lập và giao dự toán chi thường xuyên vẫn còn tình trạng các Bộ, ngành, địa phương phân bổ dự toán vượt định mức hoặc ngoài định mức; hỗ trợ kinh phí không đúng quy định; giao dự toán cao hơn biên chế được giao làm tăng chi NSNN…
Về chấp hành dự toán chi NSNN, các sai sót trong chấp hành trình tự đầu tư đã được KTNN phát hiện và kiến nghị trong những năm vừa qua vẫn xảy ra tại không ít các dự án được kiểm toán; tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản còn lớn; việc cơ cấu lại chi NSNN gắn với đổi mới khu vực sự nghiệp công lập theo cơ chế tự chủ còn chậm; chi chuyển nguồn tăng cao nhất trong 3 năm gần nhất.
Nợ công tiếp tục gia tăng so với năm 2015, gần chạm ngưỡng Quốc hội cho phép; hệ số thanh toán trả nợ khá cao, gây áp lực bố trí nguồn trả nợ…
Trên cơ sở báo cáo của Chính phủ và báo cáo của KTNN, Dự thảo Báo cáo thẩm tra quyết toán NSNN năm 2016 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng tập trung phân tích một số hạn chế nổi bật trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách năm 2016. Cơ quan thẩm tra đánh giá: Việc thực hiện một số nội dung liên quan đến chính sách tài khóa năm 2016 chưa thực sự hiệu quả; cơ cấu thu chưa thực sự bền vững; tỷ trọng các khoản thu, chi NSNN còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu phấn đấu của giai đoạn 2016-2020. Việc cơ cấu lại chi ngân sách thực hiện chậm, chưa đi vào thực chất, chưa hiệu quả nên chi thường xuyên trên tổng chi NSNN có xu hướng tăng.
Một số hạn chế liên quan đến điều hành NSNN trong năm 2015 tiếp tục tái diễn trong năm 2016 như: vốn ODA thiếu kế hoạch vốn để giải ngân, giao dự toán thu không sát, phân bổ và giao dự toán chi chưa đúng quy định, chi chuyển nguồn lớn…
Tại Phiên họp, các đại biểu cũng đã tập trung phân tích và đi đến thống nhất về một số nội dung, số liệu quyết toán. Trên cơ sở đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải yêu cầu Bộ Tài chính, KTNN sớm gửi báo cáo chính thức để cơ quan thẩm tra hoàn thiện báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề nghị Chính phủ cần có các giải pháp quyết liệt để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương ngân sách, đặc biệt là tình trạng chi chuyển nguồn ngày càng tăng cao; nợ đọng thuế lớn; giải ngân vốn đạt tỷ lệ thấp…
Cũng tại Phiên họp, các đại biểu đã nghe và thảo luận Báo cáo của Chính phủ, Dự thảo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện NSNN năm 2017, triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2018. Báo cáo này cũng sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 24.
Đ. KHOA