Đề xuất phương án tăng mức chuẩn trợ cấp xã hội

(BKTO) - Hiện nay, có 14 tỉnh, thành phố nâng mức trợ giúp xã hội cao hơn mức quy định tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

untitled-1-2.jpg
Chi trả tiền hỗ trợ của Nhà nước cho người dân. Ảnh: TTXVN

Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cả nước có khoảng 3,7 triệu đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Mức chuẩn trợ giúp xã hội được quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP là 360.000 đồng/tháng. Tổng kinh phí Nhà nước đang chi trả trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, cấp thẻ bảo hiểm y tế khoảng 28.000 tỷ đồng/năm.

Hiện nay đã có 14 tỉnh, thành phố nâng mức trợ giúp xã hội cao hơn mức quy định tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP. Đồng thời, có 32 tỉnh, thành phố quy định thêm các đối tượng thuộc diện trợ cấp, trợ giúp chưa được quy định tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP. Tuy nhiên, chế độ trợ cấp hàng tháng còn thấp, mức trợ cấp xã hội hiện chỉ bằng khoảng 24% chuẩn nghèo nông thôn giai đoạn 2021-2025 (1,5 triệu đồng/tháng), bằng 20% tiền lương cơ sở (1,8 triệu đồng/tháng).

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang đề xuất phương án tăng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng. Theo đó, phương án tăng từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng, áp dụng từ ngày 1/7/2024. Mức đề xuất này tương đương 33% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025. Với mức này, kinh phí thực hiện sẽ khoảng 37.113 tỷ đồng/năm, tăng hơn so với mức quy định hiện tại là 9.465 tỷ đồng.

Phương án hai được đề xuất là nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng từ 360.000 đồng lên 750.000 đồng, tương đương 50% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025. Với mức tăng này, kinh phí thực hiện khoảng 54.000 tỷ đồng/năm, tăng thêm khoảng 26.300 tỷ đồng/năm so với mức quy định hiện tại.

Tháng 4/2024, các địa phương trên cả nước thực hiện trợ cấp xã hội cho 3,387 triệu người, gồm: 1,394 triệu người cao tuổi, 1,667 triệu người khuyết tật, 16 nghìn trẻ em đang hưởng chế độ đối với trẻ em mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng, 150 nghìn trẻ em hưởng chế độ đối với trẻ em dưới 3 tuổi, 80 nghìn đối tượng khác.

Đồng thời, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng cho 389 nghìn hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội. Kinh phí ngân sách nhà nước chi cho thực hiện các chế độ chính sách trợ giúp xã hội khoảng 2.250 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục
Đề xuất phương án tăng mức chuẩn trợ cấp xã hội