Tháo gỡ tối đa vướng mắc về đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế

(BKTO) - Với hàng loạt quy định của pháp luật về đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế được ban hành trong thời gian gần đây đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong mua sắm thuốc, thiết bị y tế. Bộ Y tế cũng đang tích cực hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai công tác đấu thầu nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc cục bộ.

thuoc-1709435577796210574590-0-0-1244-1990-crop-1709435581093665390031.jpg
Hàng loạt quy định của pháp luật về đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế được ban hành trong thời gian gần đây. Ảnh minh họa

Tích cực hoàn thiện hành lang pháp lý

Nhằm bảo đảm thuốc, thiết bị y tế đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã xây dựng, trình Quốc hội, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội cho phép các thuốc đủ điều kiện được gia hạn duy trì hiệu lực lưu hành đến hết năm 2024; Nghị định số 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế; Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/3/2023 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.

Bộ Y tế cũng đã ban hành các thông tư nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế. Điển hình như Thông tư số 06/2023/TT-BYT ngày 12/3/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2019/TT-BYT ngày 11/7/2019 quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập; Thông tư số 14/2023/TT-BYT ngày 30/6/2023 quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị tại các cơ sở y tế công lập…

"Các văn bản được ban hành đã cơ bản tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc do bất cập của một số quy định như: Không được mua, bán thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua, bán cao hơn giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua, bán; giá gói thầu được xác định từ ít nhất 3 báo giá của các nhà cung cấp khác nhau trên địa bàn tại thời điểm gần nhất, tối đa không quá 90 ngày trước ngày trình cơ quan thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu…" - Bộ trưởng Đào Hồng Lan dẫn chứng.

Cùng với đó, Bộ Y tế đã tham gia phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội và các cơ quan liên quan xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15. Trong đó, Luật có một chương quy định về đấu thầu thuốc, thiết bị y tế; bổ sung các quy định nhằm tháo gỡ vướng mắc, bao quát các tình huống, trường hợp trong thực tiễn như: Đấu thầu tập trung, đàm phán giá vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế; mua sắm tập trung đối với thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít; chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách để phòng, chống dịch bệnh, khám bệnh, chữa bệnh; hóa chất, vật tư xét nghiệm dùng cho thiết bị y tế; mua thuốc không thuộc danh mục thuốc do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả, mua vaccine để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ; mua sắm của các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân. Trên cơ sở Nghị định số 24/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, Bộ Y tế đã ban hành liên tiếp 4 Thông tư liên quan đến nội dung này, đảm bảo thực hiện hiệu quả các quy định của Luật Đấu thầu.

“Gỡ rối” trong tổ chức thực hiện

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu đã xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng chủ thể, tạo điều kiện khuyến khích các bệnh viện chủ động, linh hoạt cho các bệnh viện trong việc mua thuốc, thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh, cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế.

Bộ trưởng cho biết, tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế chỉ xảy ra cục bộ do một số nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng hậu đại dịch Covid-19 và chiến tranh tại châu Âu dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu (Albumin, Globulin…). Bên cạnh đó cũng có nguyên nhân chủ quan như các cơ sở y tế, địa phương chưa sát sao trong việc chỉ đạo đảm bảo cung ứng thuốc (thiếu chủ động trong dự trù, xác định nhu cầu, lập kế hoạch, thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm…). Do đó, Bộ Y tế đã và đang tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị, địa phương trong việc đấu thầu, mua sắm trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật.

Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc làm việc của lãnh đạo Bộ Y tế với các bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh mới đây, đại diện các bệnh viện khu vực phía Nam đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế… như các văn bản hướng dẫn đấu thầu, quy định về đấu thầu không thể theo kịp thực tiễn; việc đấu thầu, lựa chọn nhà thầu theo các tiêu chí gặp nhiều khó khăn…

Để “gỡ rối” cho các bệnh viện, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị thành lập tổ công tác giải quyết khó khăn trong đấu thầu. Tham gia tổ công tác này gồm có Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế, Kho bạc…

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng lưu ý, ngoài danh mục thuốc đấu thầu tập trung, có những danh mục thuốc các cơ sở phải chủ động. Trường hợp nguồn nhân lực, năng lực thiếu thì được phép thuê các tổ chức đấu thầu, không để xảy ra thiếu thuốc. Bên cạnh đó, khi các đơn vị đưa ra hồ sơ mời thầu, chấm thầu cần nghiên cứu kỹ về thực lực của nhà thầu, tránh tình trạng nhà thầu thiếu thuốc. “Để đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ, các bệnh viện cần có kế hoạch mua sắm thuốc cho năm sau ngay từ quý IV. Các đơn vị cần nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn đấu thầu để thực hiện đấu thầu công khai, minh bạch” - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh./.

Cùng chuyên mục
Tháo gỡ tối đa vướng mắc về đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế