Đề xuất thành lập cơ quan thanh tra bảo hiểm xã hội đồng bộ từ Trung ương tới địa phương

(BKTO) - Trên cơ sở quy định của Luật Thanh tra (sửa đổi), Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đề xuất thành lập cơ quan thanh tra BHXH theo hai cấp.

thanhtra-01_20180726091328am.jpg
Việc thành lập cơ quan thanh tra BHXH từ Trung ương đến địa phương nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động. Ảnh minh họa: BHXH Việt Nam.

Việc thành lập cơ quan thanh tra BHXH sẽ không làm tăng biên chế, tăng đầu mối mà tăng trách nhiệm và hiệu lực, hiệu quả quản lý, góp phần ngăn ngừa kịp thời các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động.

Mang lại hiệu quả tích cực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Theo BHXH Việt Nam, qua 7 năm BHXH Việt Nam được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), công tác này đã và đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho công tác quản lý của Ngành, có tác dụng răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động (NLĐ), đồng thời thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

“Trong 7 năm thực hiện chức năng thanh tra, đã bảo vệ quyền lợi cho 370 nghìn NLĐ với số tiền truy đóng 1.020 tỷ đồng, xử phạt hoặc kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính trên 170 tỷ đồng” - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn chia sẻ.

Sau khi Luật Thanh tra được thông qua, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức, nghiên cứu, xây dựng dự thảo, trong đó có đề xuất việc thành lập cơ quan thanh tra BHXH Việt Nam.

Theo ông Lò Quân Hiệp - Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra (BHXH Việt Nam), từ lý luận và thực tiễn nêu trên cho thấy, việc thành lập cơ quan thanh tra ở BHXH Việt Nam là cần thiết, đáp ứng tình hình thực tiễn và phù hợp với các quy định của pháp luật.

Theo đó, BHXH Việt Nam đề xuất thành lập cơ quan thanh tra của Ngành ở 02 cấp trên cơ sở giữ nguyên tổ chức bộ máy hoạt động thanh tra hiện có theo hệ thống dọc từ Trung ương đến địa phương và đang thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

Tại Trung ương, cơ quan Thanh tra BHXH Việt Nam là đơn vị tương đương cấp vụ thuộc BHXH Việt Nam trên cơ sở chuyển đổi nguyên trạng từ Vụ Thanh tra - Kiểm tra thành Thanh tra BHXH Việt Nam.

Tại địa phương, thành lập cơ quan Thanh tra BHXH tỉnh là đơn vị tương đương cấp phòng thuộc BHXH tỉnh trên cơ sở chuyển đổi từ Phòng Thanh tra - Kiểm tra của BHXH tỉnh.

“Việc thành lập cơ quan thanh tra ở 02 cấp của Ngành BHXH Việt Nam không tăng biên chế, không tăng đầu mối mà tăng nhiệm vụ, trách nhiệm để tăng hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, phù hợp với tinh thần Nghị Quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa… theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian” - ông Lò Quân Hiệp nêu rõ.

Cần thiết và khả thi

Từ đề xuất của BHXH Việt Nam, tại Hội thảo khoa học “Đề xuất thành lập cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ tại BHXH Việt Nam” do BHXH tổ chức mới đây, các đại biểu đều cho rằng, việc thành lập cơ quan thanh tra ở BHXH Việt Nam là cần thiết, nhất là trong bối cảnh các vi phạm về BHXH, BHYT ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi chính đáng của người lao động.

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm, việc thành lập cơ quan thanh tra tại BHXH Việt Nam, chiếu theo luật định là hoàn toàn phù hợp. Bởi Luật Thanh tra đã có quy định rõ ràng về việc thành lập cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ. Hơn nữa, BHXH Việt Nam đã có đội ngũ làm công tác thanh tra hết sức chuyên nghiệp, được bố trí từ Trung ương tới địa phương. Những kết quả thanh tra chuyên ngành mà BHXH Việt Nam đạt được trong những năm vừa qua cũng là minh chứng cho việc thành lập cơ quan thanh tra tại đây là hết sức đúng đắn và khả thi.

Đồng tình với đề xuất của BHXH Việt Nam, ông Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) cho rằng, một bất cập hiện nay là dù cơ quan BHXH phát hiện rất nhiều vi phạm về BHXH, BHYT nhưng lại không có thẩm quyền xử phạt, khiến các doanh nghiệp ỷ lại, gây khó khăn và ảnh hưởng tới quyền lợi của NLĐ; đến khi không thể giải quyết được thì mới bị khởi kiện, nhưng hầu như cũng chưa giải quyết được gì. Vì vậy, việc thành lập cơ quan thanh tra ở BHXH Việt Nam là hợp lý.

Tuy nhiên, theo ông Minh, nếu được thành lập thì các cán bộ làm công tác thanh tra cần phải có sự chuẩn bị để thích ứng kịp thời với chuyên môn thanh tra của một cơ quan Thanh tra chính thức, nhân lực thanh tra cần được đào tạo bài bản.

Bà Nguyễn Quỳnh Liên - Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cũng cho rằng, BHXH là ngành dọc, có độ phủ sóng rộng lớn từ Trung ương đến địa phương, phạm vi hoạt động và đối tượng phụ trách rất lớn. Do đó, việc thành lập cơ quan thanh tra BHXH xuống tận cấp tỉnh là rất phù hợp.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng lưu ý, việc thành lập cơ quan thanh tra phải đảm bảo tránh chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan khác có thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về BHXH, BHYT. Đồng thời, phải có sự gắn kết, liên thông, chia sẻ với các Bộ, ngành, địa phương để thay đổi căn bản về quy trình, cách thức vận hành, mang lại giá trị mới cho người dân, người tham gia BHXH, BHYT; cũng như tăng năng suất lao động, năng lực quản trị của ngành BHXH Việt Nam.

Cùng chuyên mục
Đề xuất thành lập cơ quan thanh tra bảo hiểm xã hội đồng bộ từ Trung ương tới địa phương