Đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải gắn với đầu ra

(BKTO) - Theo giới chuyên gia, chất lượng nguồn nhân lực nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Để khắc phục “điểm yếu” này, các ngành, các địa phương đã có nhiều nhiều mô hình và hình thức dạy nghề phù hợp. Tuy nhiên, đào tạo nghề vẫn cần những giải pháp thiết thực hơn để gắn với đầu ra.

nghe.jpg
Đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn phải chú trọng gắn với cơ hội việc làm của lao động sau khi được đào tạo. Ảnh minh họa

Chất lượng lao động chưa đáp ứng nhu cầu

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH), từ năm 2010 đến nay, đã có trên 10 triệu lao động nông thôn được học nghề; tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 89,3%.

Gần 1,2 triệu người đã được các doanh nghiệp tuyển dụng sau học nghề, trên 2,3 triệu lao động sau học nghề tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất lao động tăng từ 10 - 20%. 134.845 lượt hộ đã thoát nghèo và 261.361 hộ có thu nhập cao khi có người tham gia học nghề, có việc làm.

Đáng ghi nhận, người nông dân cũng nhận thức hơn về nghề nghiệp, từ chỗ học theo phong trào, học để nhận tiền hỗ trợ chuyển sang học nghề để tìm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp. Học nghề đã giúp nhiều lao động nông thôn nắm vững khoa học kỹ thuật, từng bước thay đổi thói quen canh tác theo hướng tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ, nâng cao thu nhập.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu đang tác động lớn đến lực lượng lao động Việt Nam, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Năng lực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế; các điều kiện đảm bảo chất lượng còn thấp. Đây chính là nguyên nhân khiến kỹ thuật, kỹ năng, hành vi và các kỹ năng mềm khác của lao động Việt Nam còn yếu.

Trong khi đó, công tác phối hợp đào tạo gắn với giải quyết việc làm giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp chưa thực sự phát huy được hiệu quả. Thống kê từ Bộ LĐTBXH cho thấy, trong tổng số 55 triệu lao động cả nước, mới chỉ có 64,5% qua đào tạo, trong đó, 24,5% có bằng cấp chứng chỉ; tuyển sinh trong giáo dục nghề nghiệp chỉ đạt khoảng 2,2 triệu người/năm, còn quá thấp so với nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo các chuyên gia lao động, thách thức lớn nhất của giáo dục nghề nghiệp hiện nay là vừa phải đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề cao cho các ngành kinh tế mũi nhọn, vùng kinh tế trọng điểm, vừa đào tạo phục vụ chuyển dịch cơ cấu lao động (đặc biệt là ở nông thôn), vừa đào tạo lại cho người lao động trong doanh nghiệp để thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đào tạo gắn với đầu ra

Trước thực tế này, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTBXH đã “bắt tay” với các tỉnh để phối hợp đào tạo nguồn nhân lực. Thông qua việc ký kết hợp tác, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ định hướng cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho lực lượng lao động hiện có của địa phương.

Cùng với đó, nhiều địa phương đã chủ động thay đổi phương thức đào tạo nghề. Trong đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn không chỉ huy động các cơ sở dạy nghề mà còn thu hút được các nhà khoa học của các viện nghiên cứu, trường đại học, các lao động kỹ thuật từ các doanh nghiệp, những nghệ nhân, người có tay nghề cao trong các làng nghề tham gia giảng dạy...

Một số mô hình đã bước đầu triển khai có hiệu quả như: Mô hình đào tạo nghề cho lao động ở các vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu cây công nghiệp như thuốc lá, chè... (có sự phối hợp giữa địa phương và các doanh nghiệp); mô hình dạy nghề cho lao động trong các làng nghề (có sự phối hợp giữa địa phương, các cơ sở dạy nghề và các làng nghề); mô hình dạy nghề ngắn hạn cho người nông dân ở cộng đồng (có sự phối hợp giữa địa phương, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các trung tâm khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư)...

Nông thông trong 10 năm tới vẫn là nguồn cung lao động cho các ngành phi nông nghiệp và khu vực thành thị thông qua chuyển dịch cơ cấu lao động. Dự báo, đến năm 2025, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp sẽ chỉ còn dưới 30% và tiếp tục giảm xuống dưới 15% vào năm 2035. Chính vì vậy, việc đào tạo nghề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực nông thôn là hết sức cần thiết.

Theo TS. Trịnh Xuân Việt (Học viện Chính trị), để nâng chất lượng nguồn nhân lực khu vực này, cần phải xây dựng, điều chỉnh lại quy hoạch đào tạo nguồn lao động nông nghiệp, nông thôn cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Theo đó, mục tiêu đào tạo nghề cần chuyển dần từ chỉ chuyên đào tạo kỹ năng lao động nghề nghiệp để người lao động có thể làm được một công việc nào đó (may, lái xe, thêu...) sang việc cung cấp hàng loạt các kỹ năng tổng hợp khác (tạo sản phẩm, tìm thị trường, sáng chế mẫu mã sản phẩm, tiếp thị...).

“Đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn phải chú trọng gắn với cơ hội việc làm của lao động sau khi được đào tạo. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta chưa giải quyết được mối liên kết giữa đô thị hóa và hiện đại hóa nông thôn. Lao động nông thôn còn bị hạn chế về khả năng tiếp cận dịch vụ cơ bản, khó khăn trong việc tìm kiếm các cơ hội việc làm”- TS. Trịnh Xuân Việt nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, hiện nay, các ngành kinh tế đô thị phát triển không dựa trên mối liên kết với nông thôn, trong khi khu vực nông thôn lại không đủ điều kiện để phát triển các ngành chế biến và dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp. Đối với lao động nông thôn, con đường ra đô thị vừa dễ, vừa khó, dễ ra, song khó hội nhập vào nơi đến.

Theo kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước đều thực hiện chính sách thúc đẩy công nghiệp ở vùng nông thôn. Chẳng hạn, Nhật Bản đặc biệt coi trọng phát triển công nghiệp ở vùng nông thôn; có chính sách, kế hoạch, quy hoạch để thúc đẩy ngành công nghiệp ở các thành phố lớn, sau đó lan tỏa về nông thôn. Thái Lan dành rất nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp về đầu tư ở nông thôn.

Hàn Quốc cũng thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy sự phát triển công nghiệp vùng nông thôn như ban hành Luật Phát triển công nghiệp địa phương, thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp ở khu vực thành thị về vùng nông thôn. Đây là những kinh nghiệm mà Việt Nam cần nghiên cứu, học hỏi để áp dụng vào thực tiễn, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn sau khi được đào tạo./.

Cùng chuyên mục
  • Tổ chức Tuần phim kỷ niệm 80 năm "Đề cương về Văn hóa Việt Nam" và 48 năm Ngày giải phóng miền Nam
    một năm trước Xã hội
    Diễn ra từ ngày 24 - 27/4, Tuần phim kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943 – 2023) và 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2023) do Cục Điện ảnh phối hợp với Điện ảnh quân đội nhân dân tổ chức tại Rạp chiếu phim Điện ảnh Quân đội nhân dân (17 Lý Nam Đế, TP. Hà Nội).
  • Tăng cường bảo vệ, phát huy hiệu quả giá trị các bảo vật quốc gia
    một năm trước Xã hội
    Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) vừa ban hành văn bản về việc tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị của bảo vật quốc gia.
  • U22 Việt Nam đặt mục tiêu bảo vệ ngôi vô địch tại SEA Games 32
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Huấn luyện viên (HLV) trưởng đội tuyển U22 Việt Nam Philippe Troussier nhận định Thái Lan là đội mạnh nhất SEA Games 32, nhưng mục tiêu của U22 Việt Nam là bảo vệ thành công chức vô địch.
  • Nhiều sự kiện đặc sắc tại Lễ hội Đền Hùng 2023
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Lễ giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023 sẽ được tổ chức từ ngày 21/4 đến 29/4 (tức ngày 2/3 đến hết ngày 10/3 năm Quý Mão) tại tỉnh Phú Thọ, với nhiểu sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc.
  • Hải Dương đứng thứ 6 cả nước về chỉ số xanh
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Năm 2022, tỉnh Hải Dương đứng thứ 6 cả nước về chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI). Lần đầu tiên VCCI công bố PGI để đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường từ thực tiễn kinh doanh mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp; trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp; mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải gắn với đầu ra