Chiều 21/8, tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã thông tin đến đại biểu Quốc hội và cử tri về tình hình thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã.
Việc sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư đã được giải quyết khá cơ bản
Theo Báo cáo của Chính phủ, sau 4 năm Nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã có hiệu lực, vẫn còn 58/706 cán bộ, công chức cấp huyện, 1.405/9.694 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư chưa được sắp xếp, giải quyết chế độ.
Bên cạnh đó, có 5/6 đơn vị hành chính, chiếm 83,33% đô thị cấp huyện hình thành sau sắp xếp chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đô thị; 43/152 ĐVHC cấp xã hình thành sau sắp xếp chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch và 58/104 ĐVHC đô thị cấp xã hình thành sau sắp xếp.
Dẫn số liệu trên, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn Bắc Kạn) cho rằng, một trong những nguyên nhân của các tình trạng trên là do đa số các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, gặp khó khăn về nguồn kinh phí để thực hiện. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết giải pháp căn cơ để tháo gỡ vấn đề này.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư tại các địa phương giai đoạn 2019-2021 đã được giải quyết khá cơ bản. Theo thống kê của Bộ Nội vụ, đến nay, số cán bộ, công chức dôi dư ở cấp huyện là 58 người (chiếm 8,22%) và ở cấp xã dôi dư là 1.405 người (chiếm 14,49%).
Thời gian qua, chúng ta thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã với số cán bộ, công chức dôi dư lên tới trên 18.000 người, nhưng đến nay đã giải quyết được như vậy là khá cơ bản.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đánh giá cao nỗ lực của nhiều địa phương trong việc sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư, điển hình như Quảng Ninh, Thanh Hóa…; đồng thời, cũng chia sẻ với các địa phương còn gặp khó khăn trong giải quyết vấn đề này do số lượng ĐVHC cấp xã lớn.
Để tiếp tục giải quyết những tồn đọng của giai đoạn 2019-2021 và chuẩn bị cho giai đoạn 2023-2030, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trên tinh thần Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của UBTVQH về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định quan trọng để giải quyết vấn đề này, như: Nghị định 29/2023/NĐ-CP ngày 3/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế, trong đó dành riêng một khoản cho sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư; Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố…
Với số cán bộ, công chức dôi dư còn lại không nhiều, Bộ trưởng mong muốn các địa phương quan tâm, tập trung thực hiện trên cơ sở các chính sách hiện có. Hiện nay có tới 46/54 địa phương nằm trong diện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã đã có Nghị quyết của HĐND để hỗ trợ thêm cho cán bộ, công chức dôi dư, ngoài Nghị định 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ.
“Trách nhiệm trước hết là ở phía các địa phương, các đồng chí rà soát, xem xét công khai, dân chủ, công bằng, tiếp tục vận dụng các chính sách hiện có của Trung ương và của địa phương để giải quyết dứt điểm cán bộ, công chức dôi dư để hoàn thành vào năm 2025” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Liên quan đến việc chậm điều chỉnh quy hoạch đô thị và phân loại đô thị hình thành sau sắp xếp giai đoạn 2019-2021 như đại biểu nêu, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thừa nhận, đây cũng là vấn đề tồn đọng. Nguyên nhân chủ yếu là do việc sắp xếp ĐVHC diễn ra trước khi kịp thực hiện điều chỉnh quy hoạch. Bởi vì, theo Luật Quy hoạch thì phải xây dựng quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, sau đó mới rà soát để quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn… Chính vì vậy các địa phương thực hiện còn chậm trễ.
“Các địa phương cần nỗ lực hơn, quyết tâm cao để hoàn thành được việc quy hoạch này, đáp ứng được yêu cầu khi sắp xếp ĐVHC phải đồng bộ với quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch liên quan” - Bộ trưởng đề nghị.
Mới giải quyết được 40,39% trụ sở dôi dư
Quan tâm đến vấn đề xử lý tài sản công sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC, ĐBQH Triệu Quang Huy (Đoàn Lạng Sơn) đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết các giải pháp căn cơ để giúp các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức tại các ĐVHC ở cấp huyện, cấp xã nhằm phát huy hiệu quả của việc xử lý tài sản công sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thông tin, giai đoạn 2019-2021, khi thực hiện sắp xếp 21 ĐVHC cấp huyện, 1.056 ĐVHC cấp xã để giảm 8 ĐVHC cấp huyện và 651 ĐVHC cấp xã thì có dôi dư 864 trụ sở.
Đến nay mới giải quyết được 349 trụ sở, tương đương 40,39%. Có thể nói, tỷ lệ giải quyết tài sản dôi dư sau sắp xếp ĐVHC còn rất lớn - Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng nguyên nhân lớn nhất là việc xác định giá đất, giá tài sản gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là phương pháp định giá và thuê doanh nghiệp thẩm định giá để xác định giá trị tài sản. Điều này khiến nhiều địa phương lúng túng, khó khăn chưa thực hiện được.
“Tuy nhiên, đến nay cũng đã có những giải pháp tháp gỡ. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Nghị định nhằm tháo gỡ những vấn đề căn cốt nhất cho các địa phương trong việc thực hiện sắp xếp tài sản dôi dư" - Bộ trưởng cho biết.
Giai đoạn tới, việc sắp xếp tài sản dôi dư là việc rất cần thiết. Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 771 /CĐ-TTg ngày 29/8/2023 và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã Công điện số 02/CĐ-BTC ngày 18/12/2023 hướng dẫn rất cụ thể trình tự các bước để thực hiện việc sắp xếp tài sản công cũng như trụ sở. Chúng tôi mong muốn các địa phương cố gắng thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
Bên cạnh cơ sở, căn cứ pháp lý, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng nhấn mạnh vai trò của các địa phương trong việc sắp xếp ĐVHC gắn với sắp xếp tài sản dôi dư. Theo đó, các địa phương cần tiếp tục tập trung rà soát, hoàn thiện các cơ sở, điều kiện, nhất là cơ sở pháp lý để thực hiện tốt việc sắp xếp tài sản dôi dư.