Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại
Nghệ thuật Bài Chòi của vùng Trung Trung Bộ được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại từ năm 2018. Người dân Trung Trung Bộ nói chung và người dân Quảng Nam nói riêng luôn xem hát Bài Chòi là món ăn tinh thần không thể thiếu trong hoạt động sinh hoạt văn hóa nghệ thuật. Nhận thức được ý nghĩa, sự gần gũi, thân quen của loại hình nghệ thuật này với đời sống, những cán bộ truyền thông của BHXH tỉnh Quảng Nam đã nảy ra sáng kiến: đưa di sản hát Bài Chòi trở thành phương thức tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Bà Đỗ Thị Bích Hoa - Trưởng phòng Truyền thông (BHXH Quảng Nam) cho biết ý tưởng dùng Bài Chòi tuyên truyền BHXH tự nguyện xuất phát từ việc kết hợp hình thức văn hóa dân gian của địa phương và nội dung tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, tạo nên hình thức tuyên truyền mới, dễ lôi cuốn, thu hút nhiều người dân quan tâm. Đối tượng được tuyên truyền thông qua hình thức văn nghệ dân gian mộc mạc, gần gũi này phần lớn là người dân, người lao động tự do. Tham dự các buổi tuyên truyền, người dân vừa được thưởng thức văn hóa tinh thần vừa được tìm hiểu về chính sách an sinh xã hội.
Là đơn vị phối hợp với BHXH Quảng Nam triển khai sáng kiến này, bà Nguyễn Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Văn hoá tỉnh Quảng Nam chia sẻ: “Ngay khi BHXH tỉnh đề xuất ý tưởng sử dụng Bài Chòi vào tuyên truyền chính sách, chúng tôi khá lo lắng, trăn trở nhưng đầy quyết tâm thực hiện. Bởi, đây là cách vừa bảo tồn, phát huy di sản, vừa tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và mục đích cuối cùng là hướng về người dân”.
Để tuyên truyền chính sách bằng hát Bài Chòi, cái khó nhất, cũng là cái tài của người nghệ sĩ, đó là phải làm sao lồng ghép những con số, những chính sách pháp luật vốn khô cứng thành những ca từ mượt mà, có vần điệu, mộc mạc, dễ hiểu, dễ nhớ với người dân. Đạo diễn Lê Công Danh (Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam) - người viết kịch bản hát Bài Chòi tuyên truyền BHXH, BHYT cho biết, ông phải dành hơn 2 tháng nghiên cứu chính sách BHXH, BHYT để xây dựng kịch bản tuyên truyền.
“Bài Chòi vốn là truyền thống của người Quảng Nam có từ bao đời. Rất may là hát Bài Chòi không bị mai một mà vẫn mãi mãi ở trong lòng của người dân Quảng Nam. Chính vì thế, khi muốn chuyển tải chính sách BHXH, ta phải dựa vào làn điệu có sẵn trong tổng hợp dân ca Bài Chòi Quảng Nam, để rồi vận dụng, lồng chính sách vào đó. May mắn là, với sự nhiệt huyết của cán bộ BHXH, cán bộ văn hoá tỉnh, các kịch bản chương trình biểu diễn được viết rất nhanh, dễ hiểu và gần gũi nhất. Khi bà con đã thích xem Bài Chòi rồi, người ta sẽ dễ nghe và luôn luôn đồng hành với mình trong mọi chương trình” - Đạo diễn Lê Công Danh chia sẻ.
“Ươm mầm” an sinh…
Hiện nay, tuyên truyền qua hát Bài Chòi đang được tỉnh Quảng Nam triển khai dưới nhiều hình thức. Đó là, tuyên truyền tại cơ sở thông qua tổ chức biểu diễn tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đêm hội Bài Chòi thường diễn ra trong khoảng 60 phút với ba nội dung, gồm một bài hát về ngành và bài hát do địa phương tổ chức tham gia, mini game tìm hiểu về BHXH tự nguyện và phần chính là hô hát Bài Chòi về BHXH tự nguyện, nhằm lồng ghép các nội dung về chính sách nhân văn, lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, cách thức tham gia, mức đóng… vào các câu hát Bài Chòi. Qua đó nâng cao sự hiểu biết và hình thành thói quen cho người dân về việc tham gia BHXH tự nguyện để tích lũy khi về già, hết tuổi lao động.
Không còn là những khẩu hiệu khô khan, thông qua loại hình nghệ thuật dân gian hô hát Bài Chòi, với những giai điệu, lời hát vui nhộn, các thẻ bài của trò chơi truyền thống, kết hợp hình thức hỏi đáp, đêm Hội Bài Chòi đã truyền tải các thông điệp chính sách đến người dân một cách gần gũi, dễ hiểu nhất, được người dân hào hứng đón nhận. Tại mỗi buổi biểu diễn, viên chức của BHXH tỉnh và diễn viên còn kết hợp phát tờ rơi tuyên tuyền, đặt bàn tư vấn chính sách khi người dân có nhu cầu; kết hợp trao phần thưởng cho những người trả lời đúng các câu hỏi mini game và trúng thưởng hô hát Bài Chòi.
Mỗi đêm hội Bài Chòi, khi thấy bà con vây kín vòng trong vòng ngoài, rồi sự mong ngóng, chờ đợi những chương trình tiếp theo của bà con thì ai nấy đều rất phấn khởi và gieo cho chúng tôi rất nhiều hy vọng rằng “mưa dầm thấm lâu” “lưới an sinh” của Quảng Nam sẽ được mở rộng thông qua điệu Bài Chòi mộc mạc, gần gũi.
Bà Nguyễn Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam
Trong hai năm qua, mặc dù gặp trở ngại bởi tình hình dịch Covid-19, nhưng Trung tâm Văn hoá tỉnh Quảng Nam đã tổ chức được hơn 20 đêm diễn Bài Chòi tuyên truyền về BHXH, BHYT tới người dân tại nhiều địa phương, từ khu vực đồng bằng, vùng biển đến bà con miền núi xa xôi.
“Có những đêm biểu diễn, số lượng người xem lên đến gần 1.000 người. Họ hưởng thụ văn hóa và cảm nhận được ý nghĩa của việc tuyên truyền này. Dù chưa đánh giá được cụ thể số lượng người tham gia BHXH, BHYT qua những đêm diễn, song chắc chắn rằng, cách tuyên truyền này đã gieo vào tâm thức người dân những hiểu biết nhất định về chính sách BHXH, BHYT” - bà Nguyễn Thị Hương cho hay.
Ngoài những buổi biểu diễn trực tiếp phục vụ người dân ở cơ sở, BHXH Quảng Nam còn ghi hình, ghi âm phát trên các phương tiện truyền thông, trên không gian mạng, đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn.
Ông Nguyễn Thanh Danh - Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam khẳng định: “Nghệ thuật hát Bài Chòi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Chúng tôi càng nhận thức sâu sắc hơn về tầm ảnh hưởng của nghệ thuật hát Bài Chòi tới đời sống nhân dân. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, đây là cơ hội lớn để chuyển tải nội dung chính sách BHXH, BHYT. Trước hết, chúng tôi làm mới lại nội dung nghệ thuật hát Bài Chòi và cũng sẽ làm nhiều kịch bản với nhiều cách thức khác nhau, linh hoạt hơn các hình thức để nâng cao hiệu quả hô hát Bài Chòi tuyên truyền về BHXH, BHYT” - ông Danh cho biết thêm.
Với hình thức tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT thông qua nghệ thuật truyền thống hát Bài Chòi của Quảng Nam, đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân hiểu hơn về ý nghĩa nhân văn của các chính sách an sinh xã hội; góp phần mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Ý nghĩa hơn, thông qua phương thức tuyên truyền này đã khẳng định sức sống và giá trị của di sản nghệ thuật hát Bài Chòi trong cuộc sống hiện đại hôm nay…