Thị trường chứng khoán lao dốc thảm hại vì tác động của dịch Covid-19 - Nguồn: Sưu tầm |
Thị trường chứng khoán "đỏ lửa"
Trong phiên giao dịch đầu tuần 9/3, thị trường tài chính khắp các quốc gia đều "đỏ lửa" khi chứng khoán lao dốc thảm hại vì tác động của dịch Covid-19. Giá dầu cũng sụt giảm nghiêm trọng.
Trên sàn chứng khoán Tokyo của Nhật Bản, chỉ số chứng khoán Nikkei giảm 5,6%; thị trường hàng hóa của Australia giảm 5,9%; chỉ số Kospi của Hàn Quốc tụt 3,5%.
Tương tự, bức tranh thị trường chứng khoán tại Hồng Kông (Trung Quốc) và Trung Quốc đại lục cũng không mấy sáng sủa khi chỉ số chứng khoán Hang Seng của Hồng Kông (Trung Quốc) giảm 3,87% xuống còn 25.134,02 điểm. Chỉ số chứng khoán tổng hợp Thượng Hải mất 1,56% xuống còn 2.987,18 điểm và chỉ số tổng hợp Thâm Quyến giảm 1,66% xuống mức 1.883,35 điểm.Còn tại Singapore, chỉ số Straits Times Index của thị trường chứng khoán giảm 118,76 điểm.
Còn tại Mỹ, giới phân tích dự báo tại Phố Wall, mọi dấu hiệu cho thấy chỉ số Dow Jones sẽ sụt giảm hơn 1.200 điểm khi mở cửa trong phiên giao dịch 9/3. Các chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng đối mặt với khả năng lao dốc tương tự.
Cũng trong phiên giao dịch sáng nay, giá dầu đã giảm hơn 20%, mức giảm mạnh nhất tính theo ngày kể từ năm 1991. Theo đó, giá dầu thô Brent tương lai giảm 9,62 USD xuống mức 35,65 USD/thùng trong phiên giao dịch hỗn loạn. Còn giá dầu thô Mỹ đã giảm 8,91 USD xuống còn 32,37 USD/thùng.
Cùng với đó, lãi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ kỳ hạn 10 năm sụt xuống dưới 0,5%. Lãi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 30 năm cũng lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 1%.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, theo nhiều nhà kinh tế cho rằng do giới đầu tư đang "tháo chạy" khỏi thị trường chứng khoán và tìm đến các tài sản an toàn hơn.
Liệu có suy thoái kinh tế ?
Theo nhận định một số chuyên gia kinh tế, cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra mà thế giới đang phải đối đầu sẽ tác động tiêu cực đến lĩnh vực kinh tế nhiều hơn là đến sức khỏe con người. Phân tích sâu hơn, các chuyên gia này cho rằngCOVID-19 đã "luồn lách" và tìm ra chính xác 2 "lỗ hổng" của thời đại hiện nay, khi phá vỡ các chuỗi sản xuất làm chặn nguồn cung, và sự thống trị của cảm xúc lan truyền nhờ các mạng xã hội. Điều đó dẫn đến tác động tiêu cực kéo dài với cấu trúc kinh tế
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) mới đây cũng đã đưa ra cảnh báo Covid-19 đang đẩy kinh tế thế giới vào tình trạng suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Theo OECD, tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay nhiều khả năng chỉ đạt 2,4% - giảm 0,5 điểm % so với dự đoán hồi tháng 11-2019 và là mức thấp nhất kể từ năm 2009.
Còn trong báo cáo công bố ngày 8/3, Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển nhận định sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ khiến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu giảm 5-15% so với các dự báo được đưa ra trước đó.
Ở tâm dịch, cán cân thương mại toàn cầu của Trung Quốc đã ghi nhận mức thâm hụt hơn 7 tỷ USD trong hai tháng đầu năm 2020. Các nhà sản xuất điện thoại thông minh, đồ chơi và các mặt hàng tiêu dùng khác trên thế giới đã mở cửa trở lại song hiệu suất hoạt động sẽ phụ thuộc vào việc chuỗi cung ứng bắt đầu hoạt động trở lại như thế nào. Các chuyên gia dự báo cho biết các ngành công nghiệp khó có thể trở lại sản xuất bình thường trước tháng 4/2020.
Còn tại châu Âu, theo nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 sẽ đẩy kinh tế Italy rơi vào suy thoái và rộng hơn sẽ tác động tới cả nền kinh tế châu Âu, đặc biệt là các quốc gia dựa nhiều vào lĩnh vực thương mại như Đức, Pháp và Vương quốc Anh cũng gặp khó khăn do chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn và hoạt động đi lại của người dân bị hạn chế do sự bùng phát của dịch COVID-19.
Nhà kinh tế học người MỹRoubini - một trong số nhà kinh tế học xuất sắc từng dự đoán chính xác về cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp đã có những dự báo về ảnh hưởng của dịchCOVID-19 đến kinh tế toàn cầu. Vị chuyên gia nàycho rằng khủng hoảng sẽ khiến thị trường chứng khoán thế giới sụt giảm 30-40%, và tác động nghiêm trọng hơn nhiều dự đoán của các nhà đầu tư đối với kinh tế Trung Quốc và phần còn lại của thế giới.
Còn các nhà kinh tế của Bloomberg Economics cũng đưa ra 4 kịch bản tác động của dịch virus corona chủng mới (Covid-19) đối với kinh tế toàn cầu.Theo họ, trong kịch bản lạc quan quan nhất, Trung Quốc sớm khống chế hoàn toàn dịch Covid-19 và các hoạt động sản xuất ở nước này khôi phục hoàn toàn vào quí 2, giúp hạn chế tổn thất cho kinh tế toàn cầu. Trong kịch bản tồi tệ nhất, tức dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu và biến thành đại dịch. Tăng trưởng toàn cầu sẽ rơi về mức zero và GDP toàn cầu có thể mất mát khoảng 2.700 tỉ đô la Mỹ so với mức dự báo hồi đầu năm. Tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tụt về mức 3,5%, mức thấp nhất kể từ khi dữ liệu tăng trưởng của nước này được thống kê vào năm 1980. Trong khi đó, tăng trưởng của Mỹ, Nga, Brazil, Nhật, Đức, Pháp, Nhật Bản đều rơi vào vùng âm.
NAM SƠN (tổng hợp)