Nơi giảm, nơi tăng lãi suất huy động
Những ngày đầu tháng 9, một số ngân hàng đã giảm lãi suất đối với các kỳ hạn dài 24, 36 tháng. Chẳng hạn, tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), lãi suất huy động kỳ hạn 7 - 8 tháng giảm 0,1%/năm xuống còn 5,1%/năm, kỳ hạn 9 - 11 tháng giảm 0,3%/năm xuống còn 5,2%/năm, kỳ hạn 12 tháng giảm 0,4% xuống còn 5,6%/năm. Với việc giảm lãi suất lần thứ hai liên tiếp trong hơn 1 tháng qua, ABBank không còn là ngân hàng có mức lãi suất huy động tiền gửi cao nhất thị trường.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng giảm 0,2% lãi suất ở các kỳ hạn từ 24 - 36 tháng về còn 5,8%/năm. Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) giảm từ 0,1- 0,2% lãi suất tiền gửi ở hầu khắp các kỳ hạn, trong đó, đáng chú ý, những kỳ hạn từ 18 - 36 tháng, lãi suất huy động chỉ còn 5,95%/năm đối với khách hàng gửi từ 1 tỷ đồng (trước đó, với kỳ hạn này, lãi suất là 6,05%/năm).
Lãi suất huy động của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) còn giảm sâu hơn ở kỳ hạn 15 - 36 tháng, chỉ còn 5,95%/năm so với mức lãi suất trước đó áp dụng 6,2%/năm. Mặc dù vậy, để hưởng được mức lãi suất 5,95%/năm, khách hàng phải gửi số tiền từ 10 tỷ đồng trở lên.
Ở chiều ngược lại, nhằm khuyến khích người dân gửi tiền trong bối cảnh tín dụng tăng trở lại, một số ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động ở các kỳ ngắn hạn. Sau hơn 2 tháng không thay đổi biểu lãi suất, từ ngày 06/9, Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Đại Dương (OceanBank) đã tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn từ 1-15 tháng.
Theo biểu lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân vừa được OceanBank công bố, lãi suất kỳ hạn 1 - 2 tháng tăng 0,4%/năm lên 3,8%/năm. Lãi suất các kỳ hạn 3 - 5 tháng cũng tăng 0,4%/năm, lên mức 4,2%/năm.
Lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn 6 - 8 tháng tăng 0,2%/năm, lên 5%/năm. Như vậy, OceanBank trở thành nhà băng tiếp theo tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 - 8 tháng ở mức 5%/năm trở lên.
OceanBank cũng điều chỉnh tăng thêm 0,2%/năm, lên 5,1%/năm đối với lãi suất tiền gửi trực tuyến các kỳ hạn 9 - 11 tháng. Lãi suất các kỳ hạn 12 - 13 tháng của Ngân hàng này cũng tăng nhẹ 0,1%/năm lên 5,6%/năm, trong khi kỳ hạn 15 tháng cũng tăng tương tự lên 5,8%/năm.
Diễn biến trên thị trường cho thấy, một số ngân hàng áp dụng mức lãi suất huy động đặc biệt dao động từ 7,5%/năm đến 9,5%/năm, song chỉ dành cho các khoản tiền gửi từ vài trăm đến hàng nghìn tỷ đồng.
Cùng với OceanBank, Ngân hàng TMCP Đông Á (Dong A Bank) cũng đã thông báo lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng tăng 0,2 - 0,4%/năm, lãi suất huy động kỳ hạn từ 9 - 13 tháng tăng 0,3 - 0,6%/năm kể từ ngày 05/9. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 9 - 11 tháng tăng 0,6%/năm lên mức 5,5%/năm. Lãi suất huy động các kỳ hạn 18 - 36 tháng tăng mạnh nhất (tăng 0,8%/năm) lên mức 6%/năm. Đây là lần tăng lãi suất thứ ba liên tiếp của Dong A Bank tính từ đầu tháng 8/2024.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng đã tăng lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn 1 và 2 tháng đối với các khoản tiền gửi thông thường tại quầy, đưa lãi suất những kỳ hạn này lên mức 3,15%/năm.
Để khuyến khích khách hàng gửi tiết kiệm online, hầu hết các ngân hàng đều tăng thêm khoảng 0,1% so với biểu lãi suất niêm yết gửi tại quầy. Tuy nhiên, mức lãi suất tăng thêm giảm nhẹ so với thời gian trước.
Trước đó, trong tháng 7/2024, có 20 ngân hàng tăng lãi suất huy động và trong tháng 8/2024, có 15 ngân hàng tăng lãi suất huy động. Một số ngân hàng tăng lãi suất 2 lần trong tháng.
Đà tăng lãi suất huy động có chậm lại?
Trong Báo cáo triển vọng kinh tế nửa cuối năm 2024 vừa được công bố mới đây, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam dự báo, cầu tín dụng kỳ vọng hồi phục kéo theo nhu cầu huy động vốn, từ đó khiến đà tăng của lãi suất huy động tiếp diễn vào cuối năm.
Chung nhận định lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng vào cuối năm song các chuyên gia VNDirect cho rằng, tốc độ tăng sẽ giảm dần và sẽ chủ yếu được thúc đẩy bởi triển vọng tăng trưởng tín dụng. VNDirect điều chỉnh dự báo lãi suất huy động bình quân 12 tháng sẽ tăng lên mức 5,2 - 5,3% vào cuối năm nay thay vì 5,3 - 5,6% như dự báo hồi giữa năm.
Dự báo của VNDirect dựa trên khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất nhiều hơn dự kiến. Nếu điều này xảy ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm dư địa để điều hành linh hoạt hơn chính sách tiền tệ - các chuyên gia VNDirect nhận định.
Lạm phát của Việt Nam dự kiến duy trì ở mức khoảng 4% cho đến cuối năm 2024. Điều này có thể hạn chế khả năng Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, dồn trọng tâm về quản lý lạm phát và VND.
Ông Suan Teck Kin - Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu UOBTác giả trích dẫn
Biên bản họp của Ủy ban Thị trường mở liên bang Mỹ (FOMC) được công bố vừa qua cho thấy các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Fed đang tiến dần tới khả năng cắt giảm lãi suất trong tháng 9.
Nếu Fed đưa ra quyết định giảm lãi suất trong tháng 9 này thì theo TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế, USD sẽ tiếp tục giảm giá, áp lực với VND sẽ giảm đi, thậm chí có thể tăng giá. Điều này giúp Việt Nam kiểm soát lạm phát tốt hơn. Tỷ giá và lạm phát giảm là điều kiện để Ngân hàng Nhà nước có thể giảm lãi suất.
Không thể dự báo chính sách tiền tệ chịu áp lực chỉ vì nới lỏng tài khóa. Chính sách tiền tệ mang tính thích ứng và còn tùy thuộc xem các cú sốc ở bên ngoài sẽ như thế nào.
Bà Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới
Các chuyên gia nghiên cứu Công ty Chứng khoán Shinhan cho rằng, năm 2024, có thể Fed chỉ giảm nhẹ lãi suất, dự báo chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ ổn định. Sang năm 2025, Fed được kỳ vọng sẽ giảm lãi suất lên tới 1,5%, khi đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ có dư địa để hạ 0,5 - 1% lãi suất điều hành trong năm 2025./.