Ngân hàng Nhà nước bơm ròng trên thị trường mở, giá vàng miếng SJC “đứng yên”

(BKTO) - Động thái đáng chú ý trên thị trường tiền tệ tuần qua (26 - 30/8) là việc Ngân hàng Nhà nước đã dừng chào bán tín phiếu, tiếp tục bơm ròng trên thị trường mở. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC không có biến động trong tuần; còn tỷ giá tiếp tục “hạ nhiệt”.

Bơm mạnh tiền trên thị trường mở

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục thực hiện các động thái mang tính nới lỏng trong bối cảnh tỷ giá giảm mạnh trong những ngày gần đây. Cụ thể, trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 26/8 ghi nhận diễn biến đáng chú ý khi NHNN đã tạm dừng chào bán tín phiếu. Đây là lần đầu tiên trong nhiều tháng trở lại đây, NHNN không phát hành tín phiếu mới.

Liên quan đến tín phiếu, từ đầu tháng 8 tới nay, NHNN cũng liên tục điều chỉnh giảm lãi suất tín phiếu mức 4,5%/năm xuống còn 4,25%/năm, rồi giảm tiếp về 4,2%/năm.

Mặt khác, NHNN vẫn duy trì kênh hỗ trợ thanh khoản qua OMO với quy mô 5.981 tỷ đồng, kỳ hạn 14 ngày và lãi suất 4,25%. So với các phiên giao dịch trước, kỳ hạn OMO đã tăng lên gấp đôi trong khi lãi suất giữ nguyên.

Tiếp đó, ngày 27/8, ghi nhận phiên thứ 2 liên tiếp NHNN dừng chào bán tín phiếu. Trên kênh cầm cố, NHNN tiếp tục chào thầu 15.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,25%/năm. Trong phiên này, có 14.989,65 tỷ đồng trúng thầu, có 4.878,51 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN, trong khi có 6.500 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 16.611,14 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở cũng đánh dấu phiên bơm ròng mạnh nhất của nhà điều hành kể từ tháng 7.

Ngân hàng Nhà nước bơm ròng trên thị trường mở, giá vàng miếng SJC “đứng yên”
Ngân hàng Nhà nước bơm mạnh tiền trên thị trường mở. Ảnh: T.L

Ngày 29/8 trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 6.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,25%. Có 5.573,23 tỷ đồng trúng thầu, có 8.941,43 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN, có 3.900 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 531,8 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố là 45.311,92 tỷ đồng, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường còn ở mức 26.149,7 tỷ đồng.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, việc giảm dần lãi suất và dừng phát hành tín phiếu diễn ra trong bối cảnh áp lực tỷ giá hạ nhiệt đã cho phép NHNN linh hoạt hơn trong điều hành chính sách tiền tệ.

"Nới room" tín dụng cho các ngân hàng cho vay tăng trưởng tốt

Cũng trong tuần qua, NHNN cho biết, đến ngày 26/8/2024, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,63% so với cuối năm 2023, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu định hướng đầu năm. Mức tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) không đồng đều, trong đó có các TCTD tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm trong khi một số TCTD tăng sát chỉ tiêu NHNN đã thông báo.

Do đó, để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành tăng trưởng tín dụng linh hoạt, hiệu quả, kịp thời, đáp ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, NHNN chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD. Đồng thời, NHNN tiếp tục triển khai chủ trương của Quốc hội, Chính phủ về dỡ bỏ dần biện pháp giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Theo đó, NHNN đã thông báo mức tăng trưởng tín dụng tăng thêm cho các TCTD theo nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch. TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN đã thông báo đầu năm 2024 sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của TCTD.

Đồng thời, NHNN yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về hoạt động tiền tệ, tín dụng và các quy định về cấp tín dụng của NHNN nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, bảo đảm an toàn hệ thống và ổn định thị trường tiền tệ.

NHNN cũng yêu cầu các TCTD tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và tăng cường triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, đơn giản hóa thủ tục cho vay, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay; cấp tín dụng đối với khách hàng theo đúng quy định của pháp luật, tăng cường các biện pháp kiểm soát rủi ro tín dụng, đảm bảo chất lượng tín dụng.

Vàng miếng có một tuần "lặng sóng"

Giá vàng miếng vẫn tiếp tục duy trì trạng thái cố định trong nhiều ngày qua với giá bán ra của các ngân hàng thương mại và Công ty SJC phổ biến ở mức 81 triệu đồng/lượng bán ra. Ở chiều mua, giá vàng các thương hiệu được niêm yết ở mức 79 triệu đồng/lượng. Với mốc giá trên, vàng miếng của SJC đang cao hơn giá vàng thế giới là 5,028 triệu đồng/lượng.

Ngân hàng Nhà nước bơm ròng trên thị trường mở, giá vàng miếng SJC “đứng yên”
Giá vàng vàng miếng SJC vẫn giữ vững mốc 81 triệu đồng/ lượng. Ảnh: T.L

Tuần trước, khi thị trường vàng tăng giá khá mạnh, NHNN đã điều chỉnh tăng giá bán trực tiếp cho 4 ngân hàng và Công ty SJC với giá 80 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng/lượng so với lần điều chỉnh gần nhất vào tuần trước. Trên cơ sở đó, các ngân hàng thương mại và Công ty SJC bán vàng miếng SJC ra thị trường ở mức giá phổ biến là 81 triệu đồng/lượng.

Tuy không “đứng im” nhiều phiên như vàng miếng, giá vàng nhẫn vẫn có diễn biến dao động tăng, giảm trong tuần, nhưng biên độ biến động cũng không lớn, phổ biến ở mức bán ra 77,4 triệu đồng/lượng với vàng 9999. Tại thời điểm chiều ngày 30/8, giá vàng nhẫn SJC 9999 ghi nhận mức 77,46 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 78,66 triệu đồng/lượng.

Tỷ giá tiếp tục "hạ nhiệt"

Tuần qua ghi nhận tỷ giá tiếp tục “hạ nhiệt”, tỷ giá trung tâm đầu tuần được NHNN công bố ở mức 24.250 đồng/USD, không đổi so với cuối tuần trước. Tỷ giá trung tâm tuy có tín hiệu tăng vào giữa tuần, nhưng sau đó lại giảm vào những ngày cuối tuần, với tỷ giá công bố hôm thứ Sáu là 24.221 đồng/USD, giảm 29 đồng/USD so với hôm đầu tuần.

Tại ngân hàng thương mại, tỷ giá bán ra của Vietcombank hôm thứ Hai đầu tuần là 25.150 đồng/USD, không đổi so với hôm thứ Sáu tuần trước. Diễn biến tỷ giá bán ra của ngân hàng này tuần qua ghi nhận sự giảm mạnh vào những ngày đầu tuần, sau đó tăng nhẹ vào cuối tuần, ghi nhận 25.030 đồng/USD vào hôm thứ Sáu, giảm 120 đồng/USD so với hôm đầu tuần.

Tỷ giá USD niêm yết tại các ngân hàng trong nước cũng liên tục giảm trong những tuần gần đây, về vùng 25.000 đồng ở chiều bán ra và 24.700 đồng ở chiều mua vào. Tính từ đầu tháng 8 đến nay, giá USD tại ngân hàng này đã giảm gần 400 đồng, tương đương khoảng 1,5%./.

Chỉ số DXY biến động trong biên độ hẹp
Trên thị trường quốc tế, chỉ số DXY đo lường sức mạnh của đồng Đô la Mỹ có xu giảm mạnh trong tuần qua. Tại thời điểm chiều ngày 30/8 theo giờ Việt Nam, chỉ số DXY ghi nhận ở mức khoảng 101.31 điểm, xấp xỉ mức điểm của chỉ số này trước đó 1 tuần.


Cùng chuyên mục
Ngân hàng Nhà nước bơm ròng trên thị trường mở, giá vàng miếng SJC “đứng yên”