Điện khí góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

(BKTO) - Các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam nhận định, sau khi Việt Nam cam kết cắt giảm các nhà máy nhiệt điện than nhằm đưa phát thải về 0, việc huy động các nguồn điện khác sẽ tập trung vào hai nguồn chính là năng lượng tái tạo và nhiệt điện khí.



                
   

Việc huy động nhiệt điện khí là phù hợp trong bối cảnh nhu cầu điện tăng cao. Ảnh minh họa: BCT

   

Nhu cầu điện tăng cao, cần nguồn cung sạch và bền vững

Theo Dự thảo Quy hoạch Điện VIII, trong tương lai, các ngành nhiên liệu hoá thạch sẽ không còn đóng vai trò quan trọng trong tổng cơ cấu nguồn điện của quốc gia và sẽ dần được thay thế bởi cách nguồn năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, một dạng năng lượng ít thải carbon hơn than, dầu là khí tự nhiên cũng sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong mạng lưới điện quốc gia. Do đó, ngành công nghiệp khí ở Việt Nam sẽ trở nên đầy hứa hẹn.

Theo dữ liệu năm 2019, Việt Nam là nước tiêu thụ điện lớn thứ hai ở Đông Nam Á (chỉ sau Indonesia) và lớn thứ 22 trên thế giới. Trong giai đoạn từ 2011-2020, nhu cầu điện năng của Việt Nam tăng rất nhanh với mức bình quân gần 10%/năm.

Dự báo, nhu cầu điện tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng 8%/năm đến năm 2030, đồng nghĩa với việc nếu nhịp độ phát triển kinh tế như hiện nay thì công suất phát điện phải tăng hơn gấp đôi trong vòng 10 năm.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế đòi hỏi công suất phát điện phải tăng lên 130 GW vào năm 2030, trong khi đó công suất lắp đặt hiện được đánh giá là không đủ cung cấp cho mạng lưới điện quốc gia trong giai đoạn 2021-2025, với mức thiếu hụt hơn 7,5 GW vào năm 2025.

Nếu Việt Nam không xử lý ổn thoả tình trạng thiếu điện thì mức thiệt hại đến năm 2030 được ước tính là 23 tỷ USD.

Tuy nhiên, Việt Nam đang trong tiến trình chuyển dịch năng lượng và cơ sở hỗ trợ là tiềm năng lớn về điện mặt trời và điện gió. Sự phát triển của sản xuất điện từ năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi đáng kể cho ngành điện.

Do năng lượng tái tạo được đánh giá là không ổn định và dễ bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết (điện mặt trời và điện gió), nên điện khí được đánh giá là một giải pháp khả quan.

Tuy nhiên, khí tự nhiên được đánh giá là năng lượng phát thải ít carbon hơn các loại năng lượng truyền thống nhưng vẫn được xếp vào một trong những nguồn năng lượng hoá thạch cần phải loại bỏ trong tương lai để phát triển các nguồn năng lượng khác bền vững hơn.

Ngay cả các quốc gia hiện tại phụ thuộc vào nguồn khí tự nhiên cho sản xuất điện hay cho hệ thống sưởi ấm như Nhật Bản và châu Âu cũng đang có lộ trình loại bỏ dần việc sử dụng khí hóa lỏng LNG trong tổng cơ cấu năng lượng.

Điều này đặt ra thách thức cho các mỏ khí chưa khai thác, khiến chúng trở thành các tài nguyên dễ bị mắc kẹt trong tương lai khi thế giới bắt đầu sử dụng các nguồn năng lượng sạch thay thế khác.

Điện khí vẫn là giải pháp phù hợp

Các chuyên gia nhận định, đối với Việt Nam, trong giai đoạn này, điện khí vẫn là nhân tố quan trọng giúp thay thế dần các nguồn nhiệt điện than và hỗ trợ quá trình chuyển đổi từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo.

Dự thảo Quy hoạch Điện VIII hiện nay cũng đã đề xuất phát triển 23,9 GW điện khí LNG vào năm 2030 và 31,4 GW vào năm 2045.

Nhưng một vấn đề lớn đặt ra hiện nay là nguồn cung và giá khí hoá lỏng LNG hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu. Với mục tiêu đề xuất như trên, nhu cầu nhập khẩu LNG cần đạt 14-18 tỷ m3 vào năm 2030 và 13-16 tỷ m3 vào năm 2045.
         
Sản lượng khai thác khí đốt trung bình của Việt Nam chỉ khoảng 9-10 tỷ m3/năm, không đủ đáp ứng nhu cầu cho phát điện, nên việc nhập khẩu khí cần được đẩy mạnh. Nguồn khí sẽ được nhập theo dạng hoá lỏng (LNG) ở nhiệt độ -162 độ C với thể tích chiếm 1/600 so với khí tự nhiên thông thường để thuận tiện cho bảo quản và vận chuyển.

Dự thảo Quy hoạch Điện VIII dự báo, giá nhập khẩu LNG về Việt Nam là 10,6 USD/1 triệu BTU và giá đến nhà máy điện tăng lên 11,8 USD cho giai đoạn 2021-2045 (trường hợp không trượt giá).

Thế nhưng giá LNG đã tăng lên gấp 3 lần từ 8,21 USD từ tháng 01/2021 lên 24,71 USD vào tháng 01/2022. Thậm chí giá LNG còn được dự báo có thể tăng lên 50 USD/1 triệu BTU tại khu vực ASEAN vào tháng 9/2022 do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraina.

Mặc dù giá mua vào khí LNG của Việt Nam theo hợp đồng dài hạn được dự kiến chỉ dao động quanh ngưỡng 8 USD, nhưng thực tế vẫn có những trường hợp nước mua khí phải chịu mức phí cao hơn.

Đơn cử như trường hợp của Nhật Bản, nước này đã phải tham gia vào thị giao ngay và mua bổ sung khí sau khi nhu cầu tăng cao vào mùa hè năm 2022 và do những lo ngại về nguồn cung từ Nga.

Việc phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường NLG thế giới sẽ khiến thị trường năng lượng trong nước luôn bị ảnh hưởng bởi các biến động từ bên ngoài. Giá LNG nhập khẩu cao sẽ là trở ngại cho các hợp đồng tương lai với bên cung cấp và tiềm tàng nhiều rủi ro cho các dự án LNG hiện tại của Việt Nam.

Điều này sẽ làm gia tăng mặt bằng giá điện bán ra và ảnh hưởng không nhỏ tới xã hội. Vì vậy, việc khai thác, tăng sản lượng khí trong nước của Việt Nam được đánh giá là rất cần thiết và sẽ đảm bảo được sự đa dạng các nguồn nhiên liệu sơ cấp cho phát điện.

Ngoài ra, việc xây dựng cơ sở vật chất chuyên dụng cho nhập khẩu LNG từ nước ngoài đòi hỏi một nguồn vốn lớn với mức độ rủi ro cao trong khâu vận hành hệ thống.

Cho nên các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần thúc đẩy đầu tư các dự án mỏ khí lớn mới phát hiện để tiến tới khai thác và tận dụng nguồn khí tiềm năng để đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng cho ngành khí cũng cần được đầu tư với các cơ sở sản xuất thượng nguồn, đường ống, cơ sở xử lý khí. Do đó, Chính phủ cần có một cơ chế phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia phát triển các dự án khí trong tương lai./.
QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
Điện khí góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia