Quảng Nam: Thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển bảo hiểm xã hội bắt buộc

(BKTO) - Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều giải pháp nhằm gia tăng số người tham gia BHXH và đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều đơn vị, doanh nghiệp chưa tham gia hoặc tham gia BHXH chưa đầy đủ. Vì vậy, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo quyền lợi của người lao động.

7..jpg
BHXH tỉnh Quảng Nam đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Ảnh sưu tầm

Hơn 97.000 lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội

BHXH là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, nhằm gia tăng số đơn vị, số người tham gia BHXH, thời gian qua, BHXH tỉnh đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành hữu quan triển khai hàng loạt các giải pháp. Trong đó, công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đến người lao động, người sử dụng lao động được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức, mang lại hiệu quả tích cực, số người tham gia BHXH bắt buộc tăng dần qua các năm.

Đồng thời, BHXH tỉnh đã phối hợp với các cấp, các ngành thường xuyên nắm bắt số lao động của các đơn vị, doanh nghiệp để yêu cầu tham gia BHXH, BHYT, BHTN đúng quy định. Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn nhằm tạo thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp và người dân tham gia; bảo đảm đầy đủ, kịp thời chế độ cho người thụ hưởng, qua đó ngày càng tạo dựng niềm tin của người lao động, người sử dụng lao động và các tầng lớp nhân dân vào chính sách BHXH.

Tuy nhiên, thực tế việc triển khai thực hiện chính sách BHXH trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, vướng mắc như: Chỉ tiêu về phát triển BHXH bắt buộc chưa đạt mục tiêu đề ra; tình trạng trốn đóng BHXH vẫn còn xảy ra khá nhiều…

Theo thống kê của BHXH Quảng Nam, năm 2022, toàn tỉnh có 2.453 đơn vị chưa đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc với tổng số lao động là 23.360 người; 3.110 đơn vị chưa tham gia đầy đủ cho người lao động với số lao động chưa tham gia là 73.646 người. Như vậy, tổng số lao động chưa tham gia BHXH là 97.006 người.

Nguyên nhân số lao động chưa tham gia BHXH vẫn ở mức cao là do việc tuân thủ pháp luật lao động, pháp luật về BHXH ở bộ phận không nhỏ người lao động và người sử dụng lao động chưa cao. Đặc biệt, có tình trạng làm trái pháp luật như: Thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động không tham gia BHXH; ký hợp đồng lao động, kê khai ngày giờ làm việc và mức thu nhập không đúng để trốn đóng BHXH...

Hơn nữa, số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khá lớn, chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, sử dụng ít lao động hoặc sử dụng lao động phổ thông, lao động tại chỗ; người lao động chỉ ký hợp đồng ngắn hạn, thời vụ, công việc không thường xuyên… nên không được tham gia đóng BHXH.

Tình trạng trốn đóng BHXH không chỉ gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Điển hình như, nhiều lao động thôi việc, thất nghiệp không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp; nhiều lao động nữ sinh con nhưng không được hưởng chế độ thai sản...

1-3.jpg
BHXH tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển đối tượng tham gia BHXH. Ảnh sưu tầm

Thực hiện các giải pháp đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Để khắc phục những tồn tại trên, đảm bảo quyền lợi thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN của người lao động, thời gian tới, BHXH tỉnh Quảng Nam sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền cũng như sự phối hợp thực hiện đồng bộ giữa các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị, nhất là các cơ quan bảo vệ pháp luật với cơ quan BHXH.

Trong đó, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan BHXH và cơ quan thuế, cơ quan công an, các đơn vị liên quan… để quản lý dữ liệu đơn vị và cá nhân phục vụ công tác quản lý; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc nợ BHXH, xử lý nghiêm những hành vi trốn, nợ BHXH làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người lao động.

Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN; sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng chế tài xử lý đối với các vi phạm hành chính về BHXH, BHYT, BHTN. Đặc biệt, nâng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN của người sử dụng lao động; công khai kết quả xử phạt nhằm răn đe các đối tượng chưa thực hiện nghiêm quy định pháp luật…

Mặt khác, tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp của cơ quan BHXH các cấp về thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động; đẩy mạnh công tác truyền thông về chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh cả về hình thức và nội dung tuyên truyền theo hướng chuyển gần sát cơ sở, từ đó nâng cao nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động trong việc tham gia BHXH.

Để người lao động được tham gia chính sách BHXH là vấn đề không chỉ cần sự vào cuộc một cách tích cực của các cơ quan chuyên môn, cá nhân có trách nhiệm nhằm định hướng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng lao động cũng như ý thức được trách nhiệm, quyền lợi của bản thân người lao động./.

Cùng chuyên mục
Quảng Nam: Thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển bảo hiểm xã hội bắt buộc