Đề án xây dựng cầu dân sinh tại 50 tỉnh, thành phố trên cả nước đã được nhiều địa phương triển khai thực hiện. Ảnh: TK
Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cho biết: Trong giai đoạn 2010 - 2015, phong trào xây dựng GTNT đã có bước phát triển vượt bậc. Hệ thống đường GTNT (đường huyện trở xuống) dài 492.892 km, chiếm 86,6% chiều dài toàn bộ mạng lưới đường bộ (tăng 217.433 km so với năm 2010), gồm 58.437 km đường huyện, 325.858 km đường xã và đường thôn xóm, 108.597 km đường trục nội đồng. Ngoài ra còn có 528 bến ô tô khách, 351 bến phà và hàng nghìn bến đò ngang sông. Tổng các nguồn vốn dành cho GTNT trong 5 năm qua đã đạt 186.194 tỷ đồng, cao hơn giai đoạn 2001 - 2010 là 84.418 tỷ đồng. Trong đó, huy động vốn xã hội hoá (XHH) 4.703 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 27.027 tỷ đồng và hiến 3.300 ha đất cùng 7,8 triệu ngày công lao động, phần còn lại là các nguồn vốn khác.
Ngoài ra, Đề án xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông cho vùng có đồng bào các dân tộc ít người tại 50 tỉnh, thành phố với 4.145 cầu (3.664 cầu cứng, 481 cầu treo) với tổng số vốn khoảng 8.338 tỷ đồng, đã được Bộ GTVT triển khai và đã hoàn thành giai đoạn I gồm 186 cầu đưa vào khai thác. Giai đoạn II của Đề án sẽ xây dựng 3.959 cầu (3.664 cầu cứng và 295 cầu treo) sử dụng vốn XHH 381,6 tỷ đồng; hoàn thành 70 cầu treo trước tháng 3/2016. Số cầu còn lại, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện.
Tuy nhiên, qua phản ánh của một số địa phương cho thấy, bên cạnh những thành công đã đạt được vẫn còn nhiều hạn chế cần tháo gỡ, khắc phục trong giai đoạn tiếp theo. Cụ thể, bộ máy tổ chức và nhân lực thực hiện ở cấp huyện, cấp xã chưa chuyên nghiệp, trang thiết bị còn thiếu; công tác quy hoạch phát triển GTNT, chất lượng thi công các tuyến đường còn hạn chế; nguồn vốn dành cho GTNT còn thiếu trong khi nhiều địa phương chưa có biện pháp thu hút các nguồn lực đầu tư, kể cả theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) và các hình thức khác.
Chỉ được huy động sức dân ở mức hợp lý
Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các địa phương hoàn thành 4 chỉ tiêu về nhựa hóa, bê tông hóa 100% đường xã, liên xã; hoàn thành ít nhất 50% số xã đạt chuẩn NTM, xây dựng đường ô tô đến trung tâm các xã; 100% đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa theo Chiến lược phát triển GTNT. Đến trước năm 2020 sẽ hoàn thành giai đoạn II xây dựng hơn 3.900 cầu của Đề án xây dựng cầu dân sinh tại 50 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Trao đổi về những giải pháp đề hoàn thành mục tiêu trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: Trước hết, các địa phương phải có cơ chế, chính sách để khuyến khích các thành phần kinh tế, các nhà thầu, tư nhân tham gia xây dựng, quản lý, bảo trì GTNT và cung cấp các dịch vụ tại khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, cần triển khai các biện pháp thu hút vốn dành cho GTNT như: vận động đóng góp của các tổ chức xã hội, DN, các tổ chức nước ngoài, vốn ODA; đa dạng các hình thức XHH, nghiên cứu áp dụng các hình thức PPP (hợp tác công - tư) đối với đường GTNT, trong đó áp dụng hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) theo hướng DN bỏ kinh phí xây dựng đường, chính quyền trả nhà đầu tư bằng đất, cho khai thác vật liệu xây dựng hoặc các hình thức khác; áp dụng hình thức BOT đối với việc xây dựng đường huyện, đường có lưu lượng lớn và các hạng mục khác có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch trong từng khâu thực hiện, đặc biệt là kinh phí huy động và tăng cường sự giám sát của nhân dân trong quá trình thi công…
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho biết: Chính phủ nghiêm cấm việc huy động người nghèo đóng góp tiền của để xây dựng đường xá, công trình để đạt các chỉ tiêu xây dựng NTM. Các cấp chính quyền địa phương chỉ được huy động sức dân vào xây dựng NTM ở mức hợp lý, tùy thuộc vào điều kiện của người dân. Nếu huy động người nghèo dùng sức để xây dựng giao thông thì chính quyền phải trả công để người nghèo có thêm thu nhập. Việc phân bổ ngân sách, vật tư, thiết bị từ T.Ư tới địa phương phải rõ ràng, minh bạch, vùng khó khăn phải được hưởng nhiều hơn vùng có điều kiện thuận lợi. Ngoài ra, Bộ GTVT cần chỉ đạo và hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương để chất lượng các công trình GTNT được tốt hơn.
LÊ HÒA