Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt hiện nay còn nhiều bất cập. Ảnh: TK
Theo đó, trong lĩnh vực đường sắt đã kiểm tra, lập biên bản 3.114 trường hợp, phạt tiền 919 tỷ 40triệu đồng; lĩnh vực đường bộ đã lập biên bản 6.933.041 trường hợp vi phạm; phạt tiền 4.221 tỷ 598 triệu đồng; tước giấy phép lái xe 572.983 trường hợp; tạm giữ 939.116 trường hợp (trong đó gồm 51.294 ô tô, 851.103 mô tô, 36.719 phương tiện khác). Tuy nhiên, tai nạn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông còn chưa cao, vẫn còn tình trạng trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng thực thi công vụ.
Theo Đại tá Nguyễn Hữu Dánh - Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an), các Nghị định trên vẫn còn nhiều lỗ hổng cần phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung, thay thế, bởi chế tài xử phạt đã có nhưng chưa đủ sức răn đe đối với những đối tượng có hành vi vi phạm, ngang nhiên coi thường pháp luật.
Cụ thể hơn, Thượng tá Nguyễn Thành Viên - Phó Phòng CSGT (Công an tỉnh Hà Nam) cho biết: Lực lượng CSGT đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực thi các quyết định xử phạt khi chiếu theo quy định của các Nghị định trên. Ví dụ như, đối với hành vi tự ý thay đổi kích thước thùng xe, cùng một lỗi vi phạm nhưng hành vi của chủ xe và lái xe lại được xác định khác nhau. Bên cạnh đó, thẩm quyền xử phạt hiện nay cũng còn nhiều bất cập: thẩm quyền của Trưởng phòng CSGT xử phạt tối đa là 8 triệu đồng nhưng phần lớn lỗi vi phạm lại ở mức cao nên phải chuyển lên Giám đốc Công an tỉnh xử phạt; cao hơn nữa thì phải trình Chủ tịch UBND tỉnh. Do đó thời gian để làm tờ trình các thủ tục rất lâu để ra được quyết định xử phạt vi phạm.
Trung tướng Đỗ Đình Nghị - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) cho rằng, việc ban hành các quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông tuy đã đáp ứng được các nhu cầu nhưng Nghị định 171 ban hành năm 2013, sang năm 2014 phải sửa đổi bổ sung một số điều bằng Nghị định 107. Điều này đặt ra yêu cầu khi ban hành các Nghị định cần bám sát thực tiễn để hoàn thiện cho phù hợp với thực tế cuộc sống.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng thừa nhận: Nghị định 171 ban hành năm 2013, nhưng sang đến năm 2014 đã phải sửa đổi một số điều. Đến giờ lại đặt ra yêu cầu phải thay thế bằng Nghị định mới. Như vậy việc ổn định chính sách để thực hiện sẽ rất khó. Vì vậy, các cơ quan chức năng khi xây dựng Nghị định phải nghiên cứu kỹ để có tính ổn định lâu dài, đồng thời cần lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm tạo sự đồng thuận và nhất trí cao khi triển khai thực hiện.
LÊ HÒA