Điều chỉnh chính sách để hạn chế tình trạng trốn và tránh thuế

(BKTO) - Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), thuộc Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội mới đây đã chỉ ra rằng, khu vực FDI có nhiều cơ hội trốn và tránh thuế hơn so với khu vực DN trong nước. Do đó, Việt Nam cần điều chỉnh những chính sách quan trọng để phòng, chống hành vi này, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các khu vực DN, hướng tới hệ thống ngân sách bền vững.




Cần điều chỉnh những chính sách quan trọng để phòng, chống hành vi trốn, tránh thuế. Ảnh: TTXVN

Trốn hay tránh thuế đều gây thất thu ngân sách nhà nước

Theo kết quả nghiên cứu “Trốn và tránh thuế thu nhập DN của DN FDI tại Việt Nam” của VEPR, xu thế toàn cầu hóa và hiện đại hóa đã tạo cơ hội cho các DN hội nhập nhanh hơn vào thị trường khu vực, quốc tế. Tuy nhiên, điều này đã khiến cho hành vi trốn và tránh thuế của DN dễ xuất hiện.

Đại diện Nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Hoàng Oanh (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết, trốn hay tránh thuế đều gây thất thu NSNN. Hành vi tránh thuế khá phổ biến của DN FDI đa quốc gia là DN định giá sai giá trị tài sản, nghĩa là giá chuyển nhượng trong giao dịch nội bộ giữa các chi nhánh bị định giá sai theo hướng tăng giá chuyển nhượng từ nước có thuế suất thấp sang nước có thuế suất cao và ngược lại. Ngoài ra, các DN FDI đa quốc gia thường tránh thuế là chuyển nợ quốc tế. Đó là việc một chi nhánh ở nước có thuế suất thấp cho vay nợ đối với chi nhánh ở nước có thuế suất cao, tạo cơ hội phân bổ nợ nội bộ giữa các chi nhánh, công ty con trong công ty lớn. Việc phân bổ nợ này sẽ làm giảm nghĩa vụ thuế của DN.

PGS,TS. Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng VEPR - cho biết thêm, ở Việt Nam, những năm gần đây, các cơ quan thanh tra, kiểm toán đã phát hiện hàng loạt sai phạm thường gặp ở các sắc thuế dẫn tới thất thu ngân sách lớn. Theo báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán của KTNN những năm gần đây, tình trạng người nộp thuế kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN và lợi nhuận còn lại phải nộp NSNN, nợ thuế vẫn diễn ra phổ biến và không có dấu hiệu thuyên giảm. KTNN xác định số phải nộp NSNN tăng thêm 11.365 tỷ đồng (năm 2015), 19.109 tỷ đồng (năm 2016) và 19.858 tỷ đồng (năm 2017). Đặc biệt, năm 2017, qua thực hiện phương pháp đối chiếu thuế đối với 3.171 DN ngoài quốc doanh tại 49 địa phương, KTNN xác định số nộp NSNN tăng thêm là 1.635 tỷ đồng tại 2.921 DN (chiếm 92,1% DN đối chiếu).

Kết quả phân tích của VEPR còn cho biết, trung bình trong giai đoạn 2013-2017, mức thuế thất thu mỗi năm từ khu vực FDI so với DNNN lên tới hơn 7.000 - 8.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 3,4 - 4% tổng số thu thuế thu nhập DN. Trong khi đó, con số tương ứng của khu vực DN ngoài nhà nước cao hơn đôi chút so với khu vực FDI, khoảng gần 10.000 tỷ đồng, tương đương 4,6% số thu thuế thu nhập DN. Tuy nhiên, nếu tính bình quân mỗi DN, mức thất thu thuế từ DN FDI cao hơn gấp vài chục lần so với DN ngoài nhà nước. Tổng mức thuế thất thu mỗi năm ước tính cho cả 3 khu vực DN có thể dao động trong khoảng 13.300 - 20.700 tỷ đồng (6,4 - 9,9% số thu thuế thu nhập DN), gấp khoảng 3 - 4 lần con số vi phạm phát hiện hằng năm bởi các cơ quan quản lý.

Nhanh chóng áp dụng các biện pháp chống trốn và tránh thuế

Từ nghiên cứu trên, VEPR cho rằng, Việt Nam nên nhanh chóng nghiên cứu, áp dụng các biện pháp chống trốn và tránh thuế, đặc biệt là quy định trong Chỉ thị chống tránh thuế (Anti-tax Avoidance Directive-ATAD) đang áp dụng ở các nước thành viên của Liên minh châu Âu hoặc những biện pháp theo khuyến cáo của Chương trình Chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận (BEPS) hay Mạng lưới công bằng thuế toàn cầu. Bên cạnh đó, việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tăng mức xử phạt và nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ thuế sẽ góp phần đảm bảo sự tuân thủ pháp luật về thuế của các DN.

Hiện tại, việc áp dụng mức khống chế chi phí lãi vay 20% tại Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết (Nghị định 20) cho các loại hình DN ở Việt Nam là phù hợp. Tuy nhiên, để giảm động cơ trốn và tránh thuế qua kênh chuyển lãi vay trong dài hạn, Việt Nam nên có lộ trình thắt chặt tỷ lệ này, đồng thời phối hợp với các nước trong việc phòng, chống trốn và tránh thuế, xóa bỏ sự phân biệt đối xử giữa vốn vay và vốn cổ phần.

Đặc biệt, một số ràng buộc trong Nghị định 20 cần được điều chỉnh như: chi phí lãi vay từ các hợp đồng vay nợ ký kết trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực nên được khấu trừ toàn bộ để tránh sự bị động của các DN; cho phép các DN chuyển phần chi phí lãi vay chưa được khấu trừ vào một số năm tiếp theo (có giới hạn), thời hạn kết chuyển có thể là 5 năm và chỉ áp dụng với những DN mới thành lập hoặc có đầu tư lớn vượt một con số nhất định; chi phí lãi vay từ các giao dịch vay nợ độc lập nên được miễn trừ hoàn toàn và không chịu sự điều chỉnh của Nghị định 20. Để đảm bảo cấu trúc tài chính lành mạnh của các DN và hệ thống ngân hàng trong dài hạn, hành vi vay nợ của các DN độc lập cũng cần được khống chế. Đặc biệt, quy định giới hạn về vay nợ phải bao phủ được mọi loại hình DN nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng.

Cùng với đó, Việt Nam cần cải thiện cơ sở dữ liệu về thuế thông qua việc yêu cầu tất cả công ty đa quốc gia lớn hằng năm phải báo cáo theo từng quốc gia về phân bổ thu nhập, lợi nhuận, thuế và các hoạt động kinh tế giữa các khu vực pháp lý thuế mà DN có hoạt động kinh doanh; quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Điều này sẽ góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và chống thất thu NSNN.

Với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam nên bổ sung các vấn đề về cạnh tranh, ưu đãi thuế, phòng, chống trốn và tránh thuế vào Chương trình nghị sự của ASEAN nhằm nâng cao nhận thức và khởi xướng thảo luận cấp khu vực, tăng cường phối hợp giữa các quốc gia trong thực hiện đồng bộ các biện pháp về vấn đề này.

THÙY ANH
Cùng chuyên mục
Điều chỉnh chính sách để hạn chế tình trạng trốn và tránh thuế