Điều chỉnh giá bán lẻ điện: Trao quyền nhiều hơn cho DN nhưng vẫn đảm bảo tính minh bạch

(BKTO) - Kể từ ngày 15/8/2017, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân chính thức có hiệu lực thi hành, áp dụng cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực và sử dụng điện theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thay thế Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg.



Linh hoạt trong điều chỉnhgiá điện

Nguyên tắc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được Thủ tướng Chính phủ đưa ra trên cơ sở: hằng năm, sau khi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành.

Trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành. Cụ thể, khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân giảm so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được điều chỉnh giảm. Còn khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng. Thủ tướng Chính phủ cũng quy định, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.

Theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được điều chỉnh tăng hoặc giảm giá bán điện bình quân trong phạm vi khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định. Để có thể thực hiện việc điều chỉnh giá bán điện bình quân, EVN phải tính toán dựa trên cơ sở kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện do Bộ Công Thương ban hành hằng năm và kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm trước liền kề, ước kết quả sản xuất kinh doanh điện trong năm.

Công khai, minh bạchviệc điều chỉnh giá

Trong trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% và từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Mức giá mới chỉ có hiệu lực sau khi EVN đã báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.

Đáng chú ý, khi giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc điều chỉnh ngoài khung giá quy định hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô thì trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Ban chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nhằm đảm bảo chi phí sản xuất kinh doanh điện được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, hằng năm, sau khi có Báo cáo quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện, Báo cáo tài chính của EVN và các đơn vị thành viên đã được kiểm toán độc lập, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của năm trước liền kề.

Trong quá trình kiểm tra có thể mời Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội liên quan, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tham gia. Bộ Công Thương được mời tư vấn độc lập để thẩm tra báo cáo quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện, Báo cáo tài chính của EVN và các đơn vị thành viên.

Trong thời hạn 30 ngày sau khi kết thúc kiểm tra, Bộ Công Thương phải chủ trì tổ chức họp báo công bố công khai kết quả kiểm tra chi phí thực tế các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, quản lý chung, dịch vụ phụ trợ hệ thống điện và các chi phí khác; kết quả kinh doanh lỗ, lãi của EVN; các chi phí được tính và chưa được tính vào giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN; các chi phí khác bao gồm cả chênh lệch tỷ giá đánh giá lại chưa được tính vào giá điện các năm trước, nay được đưa vào giá thành sản xuất kinh doanh điện phải được kiểm toán do kiểm toán độc lập thực hiện và lập thành Báo cáo kiểm toán riêng để làm cơ sở cho việc kiểm tra, giám sát.

Những quy định cụ thể này được Thủ tướng Chính phủ đưa ra nhằm đảm bảo cho việc điều chỉnh giá điện, nhất là khi điều chỉnh tăng giá, phải công khai, minh bạch.

PHÚC KHANG
Theo Tuần Báo ra ngày 17-8-2017
Cùng chuyên mục
  • Tìm biện pháp nâng cao giá trị kinh tế từ rừng tự nhiên
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Rừng tự nhiên vẫn được coi là nền tảng ổn định xã hội, phát triển kinh tế của tất cả các ngành trong nước. Bởi vậy, tìm biện pháp để gia tăng các lợi ích kinh tế từ rừng tự nhiên, góp phần đảm bảo lợi ích và cuộc sống của người dân đóng vai trò hết sức quan trọng.
  • Nỗ lực cải cách thủ tục hành chính thuế
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Đã và đang có những tín hiệu cho thấy công tác cải cách thủ tục hành chính thuế trong năm 2017 tiếp tục được cải thiện. Minh chứng là nhiều dịch vụ công điện tử được các DN và cơ quan Thuế phối hợp thực hiện như: khai nộp thuế, hoàn Thuế Giá trị gia tăng, sử dụng hóa đơn điện tử…
  • Nâng cao hiệu quả bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Một trong những động lực giúp kinh tế tư nhân phát triển chính là tạo điều kiện cho các DN, nhất là DN nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Để thực hiện điều này, bên cạnh sự nỗ lực của hệ thống ngân hàng, các quỹ và đặc biệt là Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV cần thay đổi điều kiện và nâng cao hiệu quả hoạt động.
  • Thị trường BĐS ổn định, nhà ở  xã hội vẫn “neo” vốn
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản (BĐS) vẫn đang duy trì tăng trưởng ổn định, tồn kho BĐS tiếp tục giảm trong 6 tháng đầu năm. Tình hình phát triển nhà ở xã hội đã và đang thu được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vấn đề thiếu hụt vốn đầu tư cho các dự án nhà ở xã hội vẫn đang đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ.
  • Rà soát quy hoạch, chấn chỉnh việc đầu tư dự án thủy điện
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Bộ Công Thương cho biết, tính đến hết tháng 6/2017, công tác rà soát quy hoạch thủy điện nhỏ về cơ bản đã tương đối đầy đủ, chi tiết trên phạm vi cả nước, đảm bảo các yêu cầu Nghị quyết 62 của Quốc hội. Theo đó, tổng thể quy hoạch thủy điện nhỏ trên địa bàn toàn quốc sau rà soát là 713 dự án với tổng công suất hơn 7.200 MW.
Điều chỉnh giá bán lẻ điện: Trao quyền nhiều hơn cho DN nhưng vẫn đảm bảo tính minh bạch