Nâng cao hiệu quả bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

(BKTO) - Một trong những động lực giúp kinh tế tư nhân phát triển chính là tạo điều kiện cho các DN, nhất là DN nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Để thực hiện điều này, bên cạnh sự nỗ lực của hệ thống ngân hàng, các quỹ và đặc biệt là Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV cần thay đổi điều kiện và nâng cao hiệu quả hoạt động.



Cơ chế hoạt động còn nhiều bất cập

Ngay từ cuối năm 2001, quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV đã được quy định tại Quyết định số 193/2001/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Việc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại các địa phương được coi là một trong những giải pháp nhằm hỗ trợ nguồn vốn, tạo thuận lợi để những DN này sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2016, cả nước mới có 27 Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV được thành lập, với tổng vốn điều lệ ước khoảng 1.462 tỷ đồng, tổng số dư nợ bảo lãnh là 361 tỷ đồng và các quỹ này phải thực hiện trả nợ thay DNNVV ước khoảng 137 tỷ đồng. Nhiều Quỹ có vốn thấp, không đạt mức tối thiểu 30 tỷ đồng. Nguồn vốn của những Quỹ này chủ yếu do ngân sách địa phương góp, tổ chức tín dụng có tham gia góp vốn nhưng ở mức khiêm tốn. Việc huy động nguồn vốn cho Quỹ gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, tổ chức bộ máy và năng lực điều hành của Quỹ còn nhiều hạn chế.

Quỹ bảo lãnh tín dụng mang tính chất là cầu nối giữa ngân hàng với những DNNVV chưa có khả năng đáp ứng các điều kiện về tài sản bảo đảm nhưng có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, khả thi.

Tuy nhiên, 16 năm qua, vai trò cầu nối này vẫn còn mờ nhạt. Nhiều Quỹ được thành lập nhưng hoạt động cầm chừng, hiệu quả thấp. Ngay cả TP. HCM được xem là địa phương có Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV hoạt động khá sôi nổi nhưng số lượng DN tiếp cận được hình thức bảo lãnh còn khá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế của DN trên địa bàn thành phố.

Thực trạng trên xuất phát từ những bất cập trong cơ chế hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. Đơn cử, mặc dù hoạt động bảo lãnh được đánh giá là đảm bảo an toàn hơn so với cho vay tín chấp nhưng nhiều ngân hàng vẫn không dám cho vay vì sợ rủi ro.

Mặt khác, tiêu chuẩn bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại các địa phương gần giống như tiêu chuẩn cho vay của các ngân hàng hay các quỹ tín dụng khác, tức là DN muốn được bảo lãnh thì phải có tài sản thế chấp. Đây là nút thắt khiến phần nhiều DNNVV gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Tạo cơ chế khuyến khíchhoạt động bảo lãnh

Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho biết, hiện tại, khoảng 70% DN tư nhân vẫn không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Bởi vậy, cùng với sự nỗ lực của hệ thống ngân hàng, việc hoàn thiện cơ chế hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng là một trong những biện pháp để giải quyết bài toán về tiếp cận vốn cho các DNNVV muốn mở rộng lĩnh vực đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Đây cũng chính là hành động thiết thực góp phần thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ, qua đó tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII).

Luật Hỗ trợ DNNVV được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV và có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 đã quy định cụ thể về Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV. Bởi vậy, để tạo thuận lợi cho DNNVV tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đồng thời đưa Luật Hỗ trợ DNNVV đi vào cuộc sống, tại Tọa đàm “Tháo gỡ nút thắt trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các DN tư nhân” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vừa qua, ông Trần Văn Tần - Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) - cho rằng: Chính phủ cần sớm xây dựng và ban hành nghị định hướng dẫn thực thi Luật, trong đó cần quy định chi tiết về tổ chức hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV. Đây được coi là bước đi quan trọng, tạo thuận lợi cho những DN này tiếp cận nguồn vốn.

Trên thực tế, hiện nay, một DN muốn được Quỹ bảo lãnh tín dụng thực hiện việc bảo lãnh thì DN đó phải có dự án tốt, đảm bảo tính khả thi, hấp dẫn, phải có lượng tài sản thế chấp 15% tổng vốn vay và 15% vốn tham gia dự án, không được nợ đọng.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, đây là điều kiện khó, chưa kể việc bảo lãnh còn kèm theo nhiều yêu cầu khác. Nếu điều kiện quá ngặt nghèo thì hoạt động bảo lãnh sẽ khó được thực hiện. Do đó, theo ông Phong, điều kiện bảo lãnh cần có sự điều chỉnh theo hướng tạo thuận lợi hơn cho DN, lấy phương án kinh doanh làm cơ sở quan trọng để thực hiện hoạt động bảo lãnh.

Cùng với đó, cán bộ của Quỹ cần nâng cao năng lực thẩm định dự án và có trách nhiệm cao trong thực thi nhiệm vụ hỗ trợ DNNVV. Đặc biệt, các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan cần tăng cường cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát, chống trục lợi và lạm dụng Quỹ. “Phải tạo sức ép để các Quỹ này thực hiện tốt nghĩa vụ bảo lãnh đã cam kết chứ không thể để tình trạng nhân viên các Quỹ ung dung ngồi một chỗ mà hưởng lương”- ông Phong kiến nghị.
NGỌC MAI
Theo Tuần báo số ra ngày 10.8.2017
Cùng chuyên mục
  • Thị trường BĐS ổn định, nhà ở  xã hội vẫn “neo” vốn
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản (BĐS) vẫn đang duy trì tăng trưởng ổn định, tồn kho BĐS tiếp tục giảm trong 6 tháng đầu năm. Tình hình phát triển nhà ở xã hội đã và đang thu được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vấn đề thiếu hụt vốn đầu tư cho các dự án nhà ở xã hội vẫn đang đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ.
  • Rà soát quy hoạch, chấn chỉnh việc đầu tư dự án thủy điện
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Bộ Công Thương cho biết, tính đến hết tháng 6/2017, công tác rà soát quy hoạch thủy điện nhỏ về cơ bản đã tương đối đầy đủ, chi tiết trên phạm vi cả nước, đảm bảo các yêu cầu Nghị quyết 62 của Quốc hội. Theo đó, tổng thể quy hoạch thủy điện nhỏ trên địa bàn toàn quốc sau rà soát là 713 dự án với tổng công suất hơn 7.200 MW.
  • Đảm bảo lộ trình tăng cường sử dụng nhiên liệu sinh học
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Từ tình hình triển khai thực hiện sản xuất và kinh doanh của các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu, các nhà máy sản xuất E100, hệ thống các trạm phối trộn xăng E5 RON 92 trên cả nước cho thấy, nguồn cung xăng sinh học E5 RON 92 hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường khi thay thế toàn bộ xăng khoáng RON 92 bằng xăng nhiên liệu sinh học E5 RON 92 kể từ ngày 01/01/2018.
  • Lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng:  Vẫn còn chậm trễ
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải (GTVT), các nhà đầu tư phải hoàn thành lắp đặt đồng loạt hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) đối với 28 trạm thu phí BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên tuyến Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên trước ngày 30/6. Tuy nhiên, đến nay, việc triển khai thực hiện vẫn còn chậm trễ.
  • Hoàn thiện chính sách để hợp tác xã nông nghiệp phát huy thế mạnh
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 của 16 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và Bắc Trung Bộ diễn ra mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đánh giá: “Tình hình phát triển HTX nông nghiệp trong vùng đã có sự chuyển biến tích cực, song nhiều HTX chưa chuyển đổi hoặc đã chuyển đổi theo Luật hoạt động gặp nhiều khó khăn do không được tổ chức lại và không xác định được phương hướng hoạt động có hiệu quả thích ứng với tình hình hiện nay”.
Nâng cao hiệu quả bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa