Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồ họa: Văn Chung |
Đề nghị điều chỉnh giảm hơn 9.355 tỷ đồng
Từ đầu tháng 3/2023, khi ban hành chỉ thị về giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo không để tình trạng có vốn mới chuẩn bị đầu tư hay vốn chờ thủ tục và không trả lại kế hoạch vốn năm 2023. Tuy nhiên, theo tổng hợp từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối tháng 8 vừa qua, các bộ, ngành, địa phương đang đề nghị điều chỉnh giảm 9.355,71 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2023. Riêng đối với vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, có một số trường hợp, như: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị rút khỏi chương trình, với số vốn là 946,6 tỷ đồng; Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị rút 1 dự án ra khỏi chương trình.
Lý do của việc xin điều chỉnh giảm vốn có rất nhiều. Đơn cử như: Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xin điều chỉnh giảm nguồn vốn thực hiện dự án “Chuyển đổi số nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam, tạo môi trường giáo dục, tra cứu văn hóa và phát triển du lịch tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam”, với số tiền trên 83 tỷ đồng.
Bộ này cho biết, Quyết định số 1113/QĐ-TTg ngày 21/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư nguồn vốn ngân sách trung ương (NSTW) của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, dự án được giao 120 tỷ đồng và giải ngân hết trong năm 2022 và 2023. Thực tế năm 2023 dự án mới được giao vốn. Từ lý do trên, nguồn vốn thực hiện dự án không sử dụng hết trong năm 2023. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước (NSNN) và tính đồng bộ của dự án, ban quản lý dự án (BQLDA) xin kéo dài thời gian thực hiện dự án trong 2 năm 2023, 2024. Số vốn còn lại chưa phân bổ trên 83 tỷ đồng, BQLDA xin đề nghị điều chỉnh giảm trong kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2023 trả lại NSNN.
Tại tỉnh Ninh Thuận, dự án “Đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng” được giao kế hoạch vốn NSTW năm 2023 trên 511 tỷ đồng. Đến ngày 8/8/2023, dự án mới giải ngân được trên 90 tỷ đồng, đạt 18% kế hoạch vốn. Dự án giải ngân thấp có nguyên nhân từ công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là công tác lập hồ sơ chuyển đổi đất rừng và công tác lập thủ tục xin chuyển đổi rừng sang đất khác. Hơn nữa, hiện nay bắt đầu vào mùa mưa, tình hình thời tiết đến cuối năm diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Vì thế, đến cuối năm 2023, dự kiến dự án chỉ giải ngân được trên 251 tỷ đồng, còn lại 260 tỷ đồng không có khả năng giải ngân đến hết năm 2023. Do đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị điều chỉnh cho các dự án có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân.
Lập kế hoạch đầu tư công cần sát thực tế hơn
Mặc dù Luật Đầu tư công có quy định được điều chỉnh vốn nếu dự án đó giải ngân chậm, nhưng việc tưởng chỉ hãn hữu xảy ra thì trong 3 năm trở lại đây đã phổ biến hơn. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến cho công tác giải ngân vốn đầu tư công bị kéo chậm lại.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, vốn NSNN năm 2023 được phân bổ theo đúng quy định, được bố trí đảm bảo tập trung, trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ điều kiện, thứ tự ưu tiên quy định trong Luật Đầu tư công, nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn NSNN hàng năm vẫn là khâu yếu, chưa sát với khả năng thực hiện. Hầu hết các bộ, cơ quan trung ương, địa phương không phân bổ hết kế hoạch vốn theo đúng thời gian quy định.
Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị dự án chưa tốt, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư dự án chưa phù hợp dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần; vướng mắc giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu thi công còn hạn chế làm chậm tiến độ dự án. Ngoài ra là một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật chậm ban hành, chậm được sửa đổi, còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất của một số quy định pháp luật…
“Những tồn tại, hạn chế trên có nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, nhất là các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện. Hơn nữa, vai trò người đứng đầu tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa được phát huy đầy đủ, năng lực lập kế hoạch chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án còn hạn chế; vướng mắc về giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; việc xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định còn chưa kịp thời, nghiêm minh…” - ông Đức cho biết.
Do đó, theo ông Đức, trong thời gian tới đây, các bộ, ngành, địa phương cần chú trọng hơn đến việc lập kế hoạch đầu tư, chuẩn bị đầu tư và phê duyệt chủ trương đầu tư cũng như quyết định đầu tư để sát với thực tế và sát với nhu cầu vốn của từng dự án. Có như thế mới hạn chế được tình trạng xin điều chỉnh vốn vì có tiền mà không tiêu được như hiện nay.
Tình trạng xin điều chỉnh giảm vốn tiếp tục diễn ra không chỉ ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch đầu tư công nói riêng mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ảnh hưởng đến việc sử dụng nguồn lực quốc gia. Vì đầu tư công là động lực quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19. Ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) |