Dự án Đường ven biển tỉnh Bình Định đoạn từ Cát Tiến - Diêm Vân được khởi công ngày 16/4/2022, là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Bình Định, được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2025, có tầm quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuyến đường có điểm đầu tại nút giao giữa Đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội nối dài với Đường nối đến Khu tâm linh chùa Linh Phong thuộc thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát; điểm cuối nối với Dự án Đường Điện Biên Phủ nối dài đến Khu đô thị Diêm Vân, thuộc xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước.
Dự án Đường ven biển tỉnh Bình Định đoạn từ Cát Tiến - Diêm Vân có tổng mức đầu tư hơn 2.674 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 1.800 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách địa phương.
Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với vận tốc thiết kế 80km/h, nền đường rộng 20,5m, mặt đường bằng bê tông nhựa rộng 17,5m với 2 làn xe cơ giới và 02 làn xe hỗn hợp, dải phân cách rộng 2m, lề đất rộng 1m.
Chiều dài toàn tuyến khoảng 13,6km, đi qua địa bàn thị trấn Cát Tiến, xã Cát Chánh của huyện Phù Cát và các xã: Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thuận thuộc huyện Tuy Phước.
Theo kế hoạch, tuyến đường Cát Tiến - Diêm Vân dự kiến thi công trong thời gian 32 tháng, sau khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, giao thương giữa huyện Phù Cát và huyện Tuy Phước, khai thác tiềm năng quỹ đất dọc tuyến (đặc biệt là khu vực ven đầm Thị Nại); tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng các địa phương ven biển theo Quy hoạch chung xây dựng TP. Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050...
Mới đây, Kiểm toán nhà nước đã có Quyết định về việc kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án Đường ven biển tỉnh Bình Định đoạn từ Cát Tiến - Diêm Vân.
Theo đó, mục tiêu kiểm toán là xác nhận tính trung thực, hợp lý của số liệu, thông tin tài chính (nguồn vốn đầu tư, chi phí đầu tư thực hiện) của Dự án; đánh giá việc tuân thủ pháp luật; đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả (nếu có) trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư của Dự án.
Đồng thời, phát hiện những tồn tại, bất cập trong cơ chế chính sách để kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung; phát hiện kịp thời các hành vi tham nhũng, lãng phí, sai phạm trong quá trình thực hiện Dự án để kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
Nội dung kiểm toán là: Nguồn vốn đầu tư, chi phí đầu tư thực hiện Dự án; việc tuân thủ pháp luật, chế độ quản lý đầu tư, xây dựng, tài chính-kế toán và các chính sách pháp luật khác có liên quan. Phạm vi kiểm toán được xác định là từ khi triển khai Dự án đến ngày 31/8/2023 và các thời kỳ trước, sau có liên quan./.