Tập trung nới lỏng tiếp cận tín dụng những tháng cuối năm

(BKTO) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, từ nay đến cuối năm, Chính phủ sẽ tập trung nới lỏng tiếp cận tín dụng để các tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn, cải thiện tình hình sản xuất kinh doanh; đồng thời đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để đạt kết quả giải ngân tốt nhất có thể…

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 26, sáng 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.

180920230941-z4702839400714_b468cc632908294abcd68d4beecf79de.jpg
Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công diễn ra khá phổ biến

Tại Phiên họp, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần đã trình bày Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 đối với 21 lĩnh vực.

Trong đó, đối với lĩnh vực kế hoạch và đầu tư (được yêu cầu thực hiện tại Nghị quyết số 134/2020/QH14, Nghị quyết số 41/2021/QH15 và Nghị quyết số 61/2022/QH15), các nội dung yêu cầu cơ bản đã được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ.

Việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã phát huy được hiệu quả, nhiều chỉ số quan trọng đã tăng trưởng đáng kể, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Đồng thời, đã hoàn thành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương về đầu tư công. Công tác thu hút vốn ODA, vốn vay ưu đãi đạt được một số kết quả tích cực.

Tuy nhiên, tỷ lệ các quy hoạch cần hoàn thành còn thấp, tiến độ lập các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh còn rất chậm. Việc triển khai một số nhiệm vụ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm, tỷ lệ giải ngân rất thấp.

Nợ đầu tư xây dựng cơ bản chưa được khắc phục triệt để. Việc thu hút vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho các dự án có quy mô lớn, kết nối hạ tầng liên vùng, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai còn ít so với tiềm năng.

Đối với lĩnh vực tài chính (được yêu cầu thực hiện tại Nghị quyết 134/2020/QH14, Nghị quyết số 62/2022/QH15 và Nghị quyết số 74/2022/QH15), Báo cáo đánh giá, các nội dung yêu cầu cơ bản đã được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ.

Cụ thể, việc cân đối ngân sách nhà nước được bảo đảm; kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý tài sản công được nâng cao; nợ công trong mức cho phép. Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có nhiều chuyển biến.

Việc kịp thời giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đã giúp người dân bớt gánh nặng chi phí, khuyến khích tiêu dùng, kích cầu kinh tế; việc cải cách quy trình, thủ tục lĩnh vực thuế được quan tâm.

Tuy nhiên, bà Ngần cũng nêu rõ, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm. Tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công diễn ra khá phổ biến. Việc chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, hạn chế về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chưa kịp thời, chưa nghiêm. Hệ thống pháp luật về thuế chậm được sửa đổi.

Đối với lĩnh vực ngân hàng (được yêu cầu thực hiện tại Nghị quyết số 134/2020/QH14 và Nghị quyết số 62/2022/QH15), bà Ngần cho biết, các nội dung yêu cầu cơ bản đã được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Trong đó, các giải pháp thu hút ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước được triển khai tích cực.

Các hoạt động thanh tra, giám sát được tăng cường, đổi mới; xử lý có hiệu quả vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng. Kết quả xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực. Tín dụng tăng trưởng khá hợp lý, chất lượng tín dụng được cải thiện.

Tuy nhiên, việc hoàn thiện pháp luật về cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu còn chậm; thiếu chính sách ưu đãi, khuyến khích nhà đầu tư tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu. Việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng yếu kém còn gặp nhiều khó khăn.

Nới lỏng tiếp cận tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh

Tại Phiên họp, các Ủy viên UBTVQH đánh giá cao nỗ lực và trách nhiệm của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và các Bộ, ngành trong triển khai các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn.

Quan tâm đến vấn đề tự chủ đại học, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, theo yêu cầu chung, hai năm nay, các trường đại học không được tăng học phí, trong khi chi thường xuyên cho các trường đại học đã cắt giảm.

Nếu tình trạng này để lâu, không giải quyết bài toán tài chính cho các trường đại học thì chất lượng đào tạo đại học và nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ bị ảnh hưởng lớn. Vì vậy, ông Vinh đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo vấn đề này.

202309180939518940_dsc_5656.jpg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang báo cáo làm rõ các vấn đề UBTVQH quan tâm tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Giải trình làm rõ các vấn đề được nêu tại Phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, việc xem xét thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 là sự nhắc nhở, lưu ý, cảnh báo hết sức xác đáng, cần thiết để Chính phủ tiếp tục tập trung thực hiện trong thời gian tới. Chính phủ sẽ hết sức lưu ý những vấn đề bất cập đã được chỉ ra.

Về những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm từ nay đến cuối năm, Phó Thủ tướng cho biết, trước hết, Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ những vướng mắc chủ yếu thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các Bộ, ngành; có một số việc cá biệt Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội, UBTVQH để tháo gỡ.

Cùng với đó, tới đây, Chính phủ sẽ tập trung nới lỏng tiếp cận tín dụng để các tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn, cải thiện tình hình tổ chức sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển.

Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. “Chúng tôi sẽ cố gắng nỗ lực để kết quả giải ngân tốt nhất có thể, vì việc giải ngân sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng GDP” - Phó Thủ tướng nói.

Cùng chuyên mục
  • Cà Mau hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi số
    8 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh Cà Mau vừa ký ban hành kế hoạch thực hiện Đề án chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Cà Mau (Đề án).
  • Cú hích cho vay trực tuyến
    8 tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, với việc bổ sung quy định về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN kết hợp khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu dân cư, cho vay trực tuyến tới đây sẽ có sự tăng tốc đáng kể.
  • Đầu tư của PVN sẽ tập trung mạnh trong những tháng cuối năm
    8 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo Kế hoạch đầu tư năm 2023 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), từ nay đến cuối năm, giá trị đầu tư của Tập đoàn còn rất lớn, lên tới gần 39,1 nghìn tỷ đồng. Để đảm bảo thực hiện được mục tiêu đề ra, PVN cùng người đại diện tại các đơn vị sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt để xử lý các điểm nghẽn đầu tư, đặc biệt tại các dự án có kế hoạch vốn lớn.
  • BSR đặt mục tiêu phát triển xanh và bền vững
    8 tháng trước Kinh tế
    Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đặt mục tiêu phát triển trở thành "cánh chim đầu đàn" trong lĩnh vực lọc hóa dầu, thúc đẩy việc hình thành Trung tâm lọc hóa dầu tại miền Trung Việt Nam; hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững, phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng…
  • PVFCCo chú trọng nâng cao chất lượng và số lượng sản phẩm NPK Phú Mỹ
    8 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Sau hơn 5 năm đưa lô sản phẩm NPK Phú Mỹ đầu tiên ra thị trường, đến nay, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) đã hoàn thiện bộ sản phẩm phong phú, đa dạng với gần 30 công thức/sản phẩm, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ mà còn được bà con nông dân trên cả nước hết sức tin dùng.
Tập trung nới lỏng tiếp cận tín dụng những tháng cuối năm