Định hướng chính sách phát triển công nghiệp cần chú trọng các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển DN vừa và nhỏ. Ảnh:T.K
Phát hiểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: Đường lối chiến lược phát triển ngành công nghiệp của Việt Nam đã được xác định rõ. Công tác xây dựng quy hoạch cũng đã được chú trọng và ban hành khá đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều tiêu chí trong mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại là thách thức vô cùng lớn. Một trong những nguyên nhân cơ bản là chính sách phát triển công nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều trường hợp không sát với thực tiễn, thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán và nhìn chung chưa đáp ứng được các yêu cầu cho phát triển công nghiệp. Giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp vẫn tăng trưởng ở mức thấp; phát triển theo bề rộng, gia công, lắp ráp là chủ yếu. Ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển phù hợp với phát triển công nghiệp; phân bố không gian phát triển công nghiệp trong cả nước và ngay trong nội bộ các vùng kinh tế vẫn còn nhiều bất cập, đầu tư và kêu gọi đầu tư vẫn còn thiếu đồng bộ, thiếu gắn kết. Năng suất, trình độ lao động công nghiệp của Việt Nam thấp so với các nước có nền công nghiệp tiên tiến trên thế giới và trong khu vực. Trình độ lao động công nghiệp vẫn ở mức thấp, công nhân kỹ thuật bậc cao chiếm tỷ trọng nhỏ.
Phó Thủ tướng lưu ý: Từ nay đến năm 2020 sẽ có trên 20 Hiệp định thương mại tự do được ký. Đến năm 2024 hầu hết các dòng thuế của Việt Nam sẽ về 0%. Để đưa ra được chính sách đúng cần phải nhận dạng đúng những cơ hội và thách thức để đưa ra các quyết sách phù hợp nhằm thực hiện thành công Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Chính sách công nghiệp trong thời gian tới phải bao gồm chính sách đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ và người lao động ngành công nghiệp, khắc phục hạn chế về năng lực quản lý, năng lực nghiên cứu và phát triển cũng như chính sách phát triển DN vừa và nhỏ...
Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng: Việt Nam cần có sự chuyển hóa mạnh mẽ hơn nữa, thúc đẩy tăng trưởng dựa trên tăng năng suất lao động, khắc phục những hạn chế trong điều phối. Chính phủ phải có chính sách công nghiệp tốt, đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển hóa về cơ cấu ngành, có cam kết thực sự cho khu vực tư nhân trong nước nổi lên, lấy khu vực tư nhân làm trung tâm. Không có khu vực tư nhân trong nước năng động, mạnh mẽ thì quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam sẽ chậm. Điều nhất thiết phải làm đối với Việt Nam trong giai đoạn đầu của chính sách công nghiệp là cần tạo dựng năng lực tư nhân. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần phải thường xuyên đối thoại với khu vực tư nhân.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng kinh nghiệm thành công trong công nghiệp hóa của các nước cho thấy chính khu vực tư nhân mới là động lực thật sự của tăng trưởng. Nhà nước cần trao cơ hội để khu vực này có thể bứt phá, đưa nền kinh tế đến đích công nghiệp hóa, thay vì tiếp tục đánh cược với sự thành bại của DNNN.
NGUYỄN HUY