Nỗi lo cho DN Việt trước thềm hội nhập
Nỗi lo của các đại biểu Quốc hội cũng như của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế về việc DN Việt Nam có thể sẽ bị “yếu thế” khi hội nhập được bắt nguồn từ những con số. Cụ thể, theo báo cáo của Chính phủ, những tháng đầu năm 2015, số DN giải thể, ngừng hoạt động tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tại Diễn đàn DN Việt Nam, dẫn chứng kết quả khảo sát DN do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố vào tháng 4/2015, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết: Hiệu quả hoạt động của khu vực DN tư nhân trong nước chưa được cải thiện đáng kể khi có tới gần 70% DN vẫn kinh doanh không có lãi. Trong số các DN tư nhân đang hoạt động thì DN lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, DN vừa chiếm 2%, còn lại 96% là DN nhỏ và siêu nhỏ. Nền kinh tế Việt Nam đang thiếu trầm trọng các DN cỡ vừa để trở thành các kênh kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu và trực tiếp tham gia thị trường quốc tế. Quy mô nhỏ, quản trị yếu kém, công nghệ thấp, khó tiếp cận nguồn vốn và thị trường, sức cạnh tranh không cao… đang là thực trạng phổ biến của các DN tư nhân trong nước.
Nền kinh tế Việt Nam đang thiếu trầm trọng các DN cỡ vừa để trở thành các kênh kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu và trực tiếp tham gia thị trường quốc tế. Ảnh: T.K
Với việc hoàn tất 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác. Và cũng chỉ còn 6 tháng nữa, cánh cửa của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ rộng mở. Điều này sẽ tạo cơ hội cho DN Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Tuy nhiên, ông Trần Anh Vương - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN trẻ Hà Nội (HANOIBA) vẫn tỏ ra quan ngại khi phần lớn các DN vừa và nhỏ vẫn chưa chuẩn bị hành trang cho tiến trình hội nhập này, họ vẫn thụ động điều chỉnh mình nhiều hơn là chủ động hội nhập.
Cần thêm nhiều hành động cụ thể
Nêu lên những khó khăn, hạn chế đáng lo ngại của DN Việt Nam trong nền kinh tế hội nhập song các chuyên gia cho rằng, giới đầu tư kinh doanh vẫn luôn phải vững tin để vượt qua thách thức bởi với việc ký kết một loạt các FTA thế hệ mới, Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực hơn nữa để cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy năng lực cạnh tranh của DN.
Trên thực tế, thời gian qua, quá trình cải cách thể chế và thủ tục hành chính theo Nghị quyết 19/NQ- CP của Chính phủ đã mang lại niềm tin cho cộng đồng DN. Minh chứng là dù vẫn còn khó khăn nhưng có tới 46% DN tư nhân trong nước dự kiến sẽ mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh trong thời gian tới (theo kết quả khảo sát của VCCI). Và ngay trong lần thứ ba tham dự VBF này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định sẽ xem xét những khuyến nghị cụ thể vì lợi ích chung của DN trong tiến trình hội nhập để có hướng xử lý với tinh thần tháo gỡ khó khăn, tạo mọi thuận lợi cho cộng đồng DN phát triển.
Trong hành trình hội nhập, cộng đồng DN Việt Nam, đặc biệt là DN vừa và nhỏ đã có thêm tiếng nói ủng hộ từ phía các chuyên gia trong nước và quốc tế. Bà Sherry Boger khuyến nghị: Việt Nam cần ban hành pháp luật mới về DN vừa và nhỏ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho loại hình DN này hoạt động.
Ông Vũ Tiến Lộc và ông Trần Anh Vương đều đều bày tỏ mong muốn Chính phủ cần có thêm nhiều hành động cụ thể nhằm hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển và trở thành điểm tựa bền vững cho phát triển kinh tế của đất nước.
Cụ thể, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chính phủ cần tiếp tục đơn giản hóa tối đa các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính cho việc thành lập và vận hành DN; tiếp tục giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn, tối thiểu 1% - 2% nữa trong năm nay; trợ giúp DN trong tiếp cận đất đai và mặt bằng sản xuất kinh doanh, xây dựng các khu, cụm công nghiệp cho DN vừa và nhỏ; thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Luật DN, Luật Đầu tư mới về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh, tránh tình trạng hai Luật này mở ra nhưng các Luật chuyên ngành và Nghị định, Thông tư hướng dẫn thì khép lại; xem xét thiết lập một cơ chế để cơ quan có thẩm quyền phối hợp với các đầu mối của cộng đồng DN kịp thời cung cấp tất cả những thông tin có thể về các đàm phán, cam kết cho DN, đồng thời, chỉ định một cơ quan có thẩm quyền để hướng dẫn, giải thích chính thức các cam kết khi DN có vướng mắc hoặc khi có cách hiểu khác nhau giữa cơ quan thực thi và DN.
NGỌC MAI