Các DN Việt Nam cần phát triển lực lượng lao động có tay nghề và trình độ chuyên môn cao. Ảnh: T.S
DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức từ xu hướng tự do hóa lao động khi hội nhập khu vực. Trong cuộc hành trình “nước rút” gia nhập AEC, thách thức ấy lại được các chuyên gia nhắc đến như gióng thêm hồi chuông “thức tỉnh” các DN. Tại cuộc Hội thảo “Cộng đồng kinh tế ASEAN - Cơ hội và thách thức cho DN Việt Nam” do Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức mới đây, Tổng giám đốc BIDV Phan Đức Tú nhận định: “Khả năng tìm kiếm việc làm ở ngoài nước và sức hút nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là thách thức lớn của các DN Việt Nam”. Trước đó, trong những cuộc hội thảo, tọa đàm, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc dịch chuyển lao động khi AEC hình thành sẽ tạo sức ép không nhỏ cho các DN Việt Nam.
Không chỉ các chuyên gia, bản thân nhiều DN Việt Nam cũng quan ngại rằng tự do hóa lao động trong khu vực khi AEC được thiết lập sẽ đem đến không ít thách thức trong việc “giữ chân” nhân tài. Nhiều DN của các nước ASEAN có bề dày kinh nghiệm, quản trị tốt, công nghệ cao hơn và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho hội nhập với môi trường làm việc hấp dẫn. Điều này sẽ tạo cơ hội để các lao động tay nghề cao của Việt Nam tìm đến. Và khi đó, DN Việt Nam rất có thể sẽ đứng trước nguy cơ “thất thoát” nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nỗi lo của nhiều DN trong nước là có cơ sở bởi trên thực tế, lực lượng lao động chất lượng cao chuyển sang làm việc ở DN FDI và DN các nước lân cận ngày càng tăng. Mặt khác, dù hội nhập khu vực đang cận kề nhưng không ít DN Việt Nam, nhất là những DN vừa và nhỏ, vẫn hoạt động trong điều kiện thiết bị công nghệ chậm đổi mới, môi trường nghiên cứu khoa học còn yếu kém và nhất là chế độ đãi ngộ người lao động còn thấp. Theo Báo cáo tiền lương toàn cầu năm 2014-2015 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực nhưng tiền lương ở Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì ở mức thấp hơn so với mức lương ở các nền kinh tế phát triển và thua kém ngay cả nhiều quốc gia láng giềng.Cụ thể, mức lương tháng trung bình của Việt Nam là 3,8 triệu đồng, tương đương 181USD. Mức lương này chỉ cao hơn so với Lào (119USD), Campuchia (121USD) và Indonesia (174USD) nhưng chỉ bằng khoảng 1/2 so với Thái Lan (357USD), 1/3 của Malaysia (609USD) và 1/20 của Singapore (hơn 3.500USD).
Rõ ràng, môi trường và điều kiện làm việc còn hạn chế khiến các DN nước ta gặp nhiều trở ngại trong việc thu hút và “giữ chân” nhân tài khi hội nhập khu vực.
“Giữ chân” nhân tài- Bài toán cần lời giải phù hợp
Sức nóng của AEC đang ngày càng đến gần với DN. Để “được” nhiều hơn “mất” khi hội nhập khu vực, DN cần chủ động nắm bắt cơ hội và ứng phó với thách thức, trong đó có thách thức đến từ xu hướng tự do hóa lao động.
Theo quy luật cung cầu, lao động sẽ tìm đến môi trường làm việc tối ưu, tạo điều kiện tốt cho bản thân. Vì vậy để giữ chân người lao động, đặc biệt là người lao động có tay nghề cao khi hội nhập khu vực, nhiều chuyên gia cho rằng: Các DN cần quan tâm, xây dựng chế độ đãi ngộ cho người lao động, cải thiện môi trường làm việc, tạo động lực gắn bó người lao động với DN.
Cụ thể, theo ông Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP.HCM, để thị trường lao động phát triển khi hội nhập, DN Việt Nam cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc xác định nhu cầu nhân lực, xây dựng chế độ đãi ngộ tốt, tạo điều kiện chăm lo cho người lao động.
Tương tự, từ kết quả đánh giá, dự báo những cơ hội và thách thức với một số ngành, lĩnh vực kinh tế trong tiến trình hội nhập AEC của Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu BIDV kiến nghị: Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, các DN Việt Nam cần phát triển lực lượng lao động có tay nghề và trình độ chuyên môn cao, chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước để phát triển thị trường lao động đồng bộ cả về quy mô, chất lượng, cơ cấu ngành nghề. Bên cạnh đó các DN cần chủ động nghiên cứu kỹ các quy định về lao động, về di chuyển thể nhân mà Việt Nam và các quốc gia đã cam kết trong quá trình hình thành AEC để xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo ổn định lực lượng sản xuất.
Trong hành trình hội nhập AEC, dù vẫn đang phải “gồng mình” vượt qua những khó khăn của giai đoạn khủng hoảng kinh tế song đáng mừng là nhiều DN Việt Nam, trong đó có cả những DN vừa và nhỏ, đều tỏ ra lo lắng trước sức ép từ việc dịch chuyển lao động khi AEC hình thành và nhận thức rõ vai trò của chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý mà công ty cần hướng tới để “giữ chân” người lao động có tay nghề cao.
Rõ ràng, bài toán giải quyết những thách thức của DN Việt Nam trước xu hướng tự do hóa lao động khi hội nhập AEC đều được các chuyên gia và DN đưa ra cùng một đáp số. Song để tìm ra lời giải phù hợp với “đáp số” đó đòi hỏi sự linh hoạt, nhạy bén của mỗi DN trước cơ hội và thách thức mà AEC mang lại.