Đoàn giám sát của Quốc hội về công tác quy hoạch làm việc với Thành phố Hà Nội

(BKTO) - Sáng 09/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” đã làm việc với thành phố Hà Nội. Đây cũng là cuộc làm việc đầu tiên của Đoàn giám sát với các địa phương sau khi đã làm việc với 6 Bộ trong tuần trước, để lắng nghe tiếng nói trực tiếp từ các địa phương về công tác quy hoạch.



Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự cuộc làm việc.

Phấn đấu cơ bản hoàn thành lập Quy hoạch Thành phố trước 31/12/2022

Báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, thực hiện Luật Quy hoạch năm 2017 và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, ngay từ năm 2018, UBND thành phố Hà Nội đã có các văn bản báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ công tác thi hành Luật Quy hoạch về kết quả triển khai công tác quy hoạch, chuẩn bị các điều kiện để lập quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021–2030. Đến năm 2020, UBND Thành phố đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo lập Quy hoạch thành phố, thành lập Tổ công tác giúp việc, ban hành Kế hoạch lập Quy hoạch, Quyết định giao cơ quan lập Quy hoạch Thành phố; thành lập Hội đồng thẩm định dự toán; phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu tư vấn.
                
   

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh báo cáo tại cuộc làm việc. Ảnh: quochoi.vn

   

Đến đầu năm 2021, do đồng thời phải triển khai lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và triển khai xây dựng Chương trình phát triển đô thị đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, nên Hà Nội đã thống nhất Thành lập Ban chỉ đạo chung để chỉ đạo triển khai lập Quy hoạch Thành phố và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

Ngày 07/3/2022, Thủ tướng đã phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Hà Nội phấn đấu cơ bản hoàn thành việc lập quy hoạch trước ngày 31/12/2022 theo tinh thần Nghị quyết số 119/NQ-CP của Chính phủ.

Lý giải nguyên nhân chậm tiến độ, ông Chu Ngọc Anh nêu rõ, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là loại hình mới, quy hoạch tích hợp, có tính chất phức tạp, nội dung bao trùm, phạm vi nghiên cứu rộng, hình thức hoàn toàn mới so với trước đây, chịu sự điều chỉnh của nhiều pháp luật có liên quan, trong khi cả kinh nghiệm trong nước và quốc tế về nội dung này còn rất hạn chế. Sở Kế hoạch và Đầu tư (Cơ quan lập quy hoạch Thành phố), các Sở, ngành và Thành phố ban đầu còn lúng túng trong triển khai, chưa định hướng rõ được tính chất, nội dung, nội hàm, phạm vi nghiên cứu. Từ khi Chính phủ ban hành các Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 2/12/2019 và số 131/NQ-CP ngày 15/9/2020 về việc bổ sung các quy định tại Danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về cách thức, mức độ chi tiết tích hợp quy hoạch tỉnh, Thành phố đã chỉ đạo rà soát, định hướng khắc phục phương án triển khai thực hiện và đôn đốc tiến độ thực hiện.
                
   

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: quochoi.vn

   

Ông Chu Ngọc Anh cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến sự chậm trễ trong lập quy hoạch Thủ đô, trong đó, hệ thống quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch là hoàn toàn mới so với trước đây, trong và ngoài nước hiện chưa có tổ chức tư vấn hoặc chuyên gia tư vấn đủ kinh nghiệm. Cùng với đó, việc triển khai nghiên cứu lập Quy hoạch Thủ đô theo Luật Quy hoạch được xác lập từ năm 2019, nhưng đến năm 2021, theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng thì phải triển khai song song tổ chức lập Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo kỳ rà soát và xây dựng Chương trình phát triển đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại thời điểm này, các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương cũng đang triển khai lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh đang được nghiên cứu lập song song theo phương thức phối hợp, tích hợp; nhiều nội dung quy hoạch còn chưa được xác lập, chưa rõ định hướng gây khó khăn trong việc xác lập một số nội dung định hướng trong Quy hoạch Thủ đô.

Chất lượng quy hoạch phải đặt lên hàng đầu

Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá TP. Hà Nội đã thực hiện được khối lượng công việc khá nhiều. Nổi bật là phối hợp lập và thẩm định quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, phối hợp, cung cấp thông tin, tham gia ý kiến khi các cơ quan lập quy hoạch yêu cầu; thực hiện điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2011-2021 để đáp ứng yêu cầu phát triển; thực hiện rà soát, bãi bỏ các quy hoạch thuộc thẩm quyền theo quy định; lập thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng theo quy định của pháp luật xây dựng. Hiện Thành phố cũng đã thẩm định 18 quy hoạch sử dụng đất của 18 huyện thời kỳ 2021-2030 theo quy định của pháp luật về đất đai, chờ phê duyệt…
                
   

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận cuộc làm việc. Ảnh: quochoi.vn

   

Chia sẻ với những khó khăn của Thành phố trong công tác lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch. Đồng thời, các đại biểu đề nghị UBND TP. Hà Nội tập trung kiến nghị những nội dung để đẩy nhanh tiến độ quy hoạch nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng quy hoạch; đề xuất rõ hơn những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị cụ thể giải pháp để bảo đảm chất lượng các quy hoạch, vừa có tính kế thừa, vừa đồng bộ với các quy hoạch bên trên, bên dưới khi Quy hoạch Thành phố được duyệt;... Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị nêu rõ vướng mắc liên quan đến thực hiện đồng thời hai quy hoạch; đề nghị UBND TP. Hà Nội có đề xuất những nội dung cần phải thống nhất ngay trong quá trình lập quy hoạch song song; làm rõ nội hàm về quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng; …

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận các khó khăn, vướng mắc cụ thể của TP. Hà Nội và đề nghị tiếp tục hoàn chỉnh các báo cáo cụ thể hơn nữa, bổ sung thêm các vấn đề được Đoàn giám sát đặt ra, những kinh nghiệm thực tế trong việc triển khai lập quy hoạch. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Hà Nội cần khẩn trương triển khai các nhiệm vụ tiếp theo nhằm bảo đảm hoàn thành lập Quy hoạch Thủ đô đúng tiến độ đã đề ra, đồng thời chất lượng quy hoạch phải đặt lên hàng đầu.
         
   
Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự cuộc làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” với TP. Hồ Chí Minh và hai tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.
   
Báo cáo tại cuộc làm việc cho thấy, việc lập và trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch của thời kỳ 2021 - 2030 của cả 3 địa phương đều rất chậm (Đồng Nai hiện mới đang triển khai lập quy hoạch; TP. Hồ Chí Minh chưa được phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch; tỉnh Bình Dương chưa lựa chọn được tư vấn lập quy hoạch).
   
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị 3 địa phương cần rà soát và bổ sung báo cáo việc lập thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng theo quy định của pháp luật xây dựng; việc phối hợp lập và thẩm định các quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng. Các địa phương cần tập trung thời gian, nguồn lực, trí tuệ hoàn thành quy hoạch Thành phố/tỉnh thời kỳ 2021-2030, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch khác theo quy định; khẩn trương điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng; rà soát, điều chỉnh quy hoạch nông thôn để đáp ứng nhu cầu phát triển. Đồng thời, các địa phương cần phối hợp tốt với các Bộ, các cơ quan hữu quan để tham gia ý kiến cho các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và xây dựng quy hoạch Thành phố/tỉnh thời kỳ 2021-2030; rà soát, đánh giá kỹ lưỡng hơn những bất cập về chính sách, pháp luật, nêu rõ những kiến nghị về sửa đổi, bổ sung liên quan đến Luật Quy hoạch cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành luật này.
   

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Đoàn giám sát của Quốc hội về công tác quy hoạch làm việc với Thành phố Hà Nội